Giá dầu thô tăng mạnh

Thứ sáu, ngày 18/03/2011

Đêm qua, rạng sáng nay (18.3, giờ VN), giá dầu thô tại New York (Mỹ) và London (Anh)  tiếp tục tăng mạnh khi bất ổn chính trị - xã hội tại Bahrain, Libya lại có nguy cơ lan rộng, có thể gây gián đoạn nguồn cung cấp dầu thô cho thế giới.

Ghi nhận tại thời điểm chốt phiên 17.3, giá dầu thô giao kỳ hạn tháng 4 tại Sở Giao dịch hàng hóa New York (NYMEX) đạt mức 101,42 USD/thùng, tăng mạnh 3,44 USD/thùng, tương đương tăng 3,5% so với phiên trước đó. Đây là mức chốt phiên cao nhất kể từ hôm 10.3 tới nay.

Chứng khoán Âu, Mỹ, giá dầu thô thế giới cùng tăng giá

Ghi nhận lúc 19 giờ tối 17.3  (giờ New York, tức 6 giờ sáng nay, giờ Hà Nội), giá dầu tại đây đã tăng thêm 1,74 USD/thùng, tương đương tăng 1,72%, lên thành 103,16 USD/thùng.

Kể từ đầu tuần tới nay, giá dầu thô đã liên tiếp biến động mạnh, theo cả hai chiều lên xuống do tác động của thông tin bất ổn tại Bắc Phi, Trung Đông và thông tin động đất tại Nhật Bản. Tính tới hết phiên 17.3, giá dầu thô tại New York tăng nhẹ 0,7% so với cuối tuần trước và đang cao hơn 24% so với cùng thời điểm năm ngoái.

Giá dầu Brent giao tháng 5 tại London (Anh) chốt phiên 17.3 ở mức 114,9 USD/thùng, tăng 4,3 USD/thùng, tương đương tăng 3,9%.

Các chuyên gia của ngân hàng Credit Suisse dự báo giá dầu Brent sẽ tiếp tục tăng cùng với nguy cơ lan rộng bất ổn tại Trung Đông, Bắc Phi. Theo đó, dự đoán trong năm 2011, giá dầu Brent trung bình ở mức 105,8 USD/thùng, tăng mạnh so với dự báo 85 USD/thùng đưa ra trước đó; mức giá dự đoán trung bình năm 2012 là 100,5 USD/thùng. Theo ngân hàng UBS, giá dầu Brent năm 2011 trung bình ở mức 103,75 USD/thùng, giá trung bình năm 2012 ở mức 95 US/thùng.

Cùng với đó, các chuyên gia cũng cho rằng nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ của Nhật Bản sẽ tăng khoảng 3,9%, lên mức 171.000 thùng/ngày khi nước này tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế cho nguồn sản xuất trong nước; từ đó khiến cho nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu sẽ có thể tăng nhanh.

* Trên thị trường chứng khoán, các chỉ số tại châu Âu, Mỹ đã tăng khá mạnh trong phiên 17.3, trong khi chứng khoán châu Á chìm trong sắc đỏ, chứng khoán Nhật quay đầu giảm điểm.

Tại Phố Wall, cổ phiếu của nhiều công ty, doanh nghiệp Mỹ tăng mạnh, đặc biệt là nhóm các công ty năng lượng. Cổ phiếu của Schlumberger, hãng dịch vụ dầu khí lớn nhất thế giới, dã tăng 4,8%; cổ phiếu của ConocoPhillips tăng 4%. Nhóm cổ phiếu năng lượng tăng 3,1% trong phiên này, tăng mạnh nhất trong 10 nhóm ngành chính đóng góp vào S&P 500.

Tổng kết phiên, S&P 500 tăng 1,3%, lên thành 1.273,72 điểm; Dow Jones Industrial giành thêm 161,29 điểm, tương đương tăng 1,4%, chốt phiên ở mức 11.774,59 điểm. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn bi quan cho rằng, chỉ số thị trường S&P 500 sẽ giảm xuống khoảng 1.232 điểm vào cuối tháng 3 này.

Tại châu Âu, chỉ số STXE 600 tăng nhẹ trở lại 1,9% trong phiên cùng ngày, sau 6 phiên giảm điểm liên tiếp. Đây cũng là phiên mà chỉ số này  có mức tăng mạnh nhất kể từ phiên 1.12.2010.

Toàn bộ 18 thị trường chứng khoán khu vực tây Âu đều tăng điểm trong phiên này. Cụ thể: Chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 1,75%, lên mức 5.696.11 điểm; CAC 40 của Pháp tăng 2,43%, chốt phiên ở mức 3.786,21 điểm; DAX của Đức chốt phiên ở mức 6.656,88 điểm, tăng 143,04 điểm, tương đương tăng 2,2% so với phiên trước đó.

Chỉ số IBEX 35 của Tây Ban Nha tăng mạnh 2,31%; ISEQ của Ireland tăng 2,93%.

Theo TNO