Giả danh nhân viên truyền hình cáp
Bốn chữ BCTV được in chìm khá tinh tế trên bản hợp đồng, một chi tiết quan trọng giúp khách hàng nhận ra thực, giả
Thời gian gần đây, có kẻ giả danh nhân viên truyền hình cáp Bình Dương tìm đến các huyện, thị trong tỉnh “mồi chài” người dân vào mạng cáp truyền hình với giá rẻ, cộng với những lời ngon ngọt nên nhiều hộ gia đình đã mắc bẫy.Sau khi kiểm tra một vòng trên các tuyến cáp chính đi qua các xã Bình Hòa, thị trấn Lái Thiêu, Vĩnh Phú huyện Thuận An, các nhân viên truyền hình cáp Công ty TNHH Thái Dương - Trung tâm Truyền hình cáp Bình Dương (chi nhánh Thuận An) đã nhận ra rất nhiều chỗ bị gắn trộm cáp. Cụ thể các dây rắc trên các tuyến nối đều là hàng chợ, không phải hàng do công ty đưa ra. Qua thống kê sơ bộ, có trên 10 hộ được gắn trộm như thế. Tìm hiểu nguyên nhân thì được biết: có một thanh niên giả danh nhân viên truyền hình cáp Bình Dương đến mồi chài bà con lắp đặt với mức giá rất rẻ, từ 500.000 đến 2 triệu đồng/hộ. Mức giá 500.000 đồng/hộ là mức giá đã bao luôn cả lệ phí đầu vào, dây cáp. Nếu đồng ý gắn với mức giá từ 2 triệu đồng trở lên coi như chủ hộ khỏi phải trả tiền thuê bao hàng tháng. Thấp hơn một chút (từ 500.000 - 2 triệu đồng) thì khỏi phải đóng thuê bao theo thời hạn dài hay ngắn, tùy thuộc vào số tiền mà khách hàng đồng ý. Trong khi lệ phí mà Công ty TNHH Thái Dương đưa ra là 390.000 đồng/hộ chưa tính tiền dây cáp. Giá dây cáp được tính riêng là 3.300 đồng/mét, tùy đường xa hay gần mà tính tiền.
Họ đem tất cả các thông tin thu thập được về trình báo cho anh Cao Thanh Liêm, trưởng chi nhánh. Sau khi bàn bạc cụ thể, anh Liêm đã cho nhân viên của mình mai phục nhiều ngày nhưng cũng chưa phát hiện được gì, bởi đối tượng rất ranh mãnh. Dường như khu nào đã “gắn” rồi là không đến mồi chài nữa. Không thể bó tay, anh Liêm đã cho anh em tìm đến các bác tài chạy xe ôm trong khu vực nhờ giúp đỡ “Thấy ai không mặc đồng phục của công ty mà trèo lên gắn cáp thì báo điện thoại giúp”, vậy mà cách làm này đã thành công. Cách đây khoảng một tuần, lúc ấy khoảng 16 giờ chiều, công ty nhận được tin báo của một tài xế xe ôm ở ấp Tây, xã Vĩnh Phú “con mồi” đã xuất hiện. Ngay lập tức, anh Liêm gọi thêm các đồng nghiệp là Nguyễn Văn Rẩy, Huỳnh Văn Thạch, Cao Đại Phước xuống hiện trường thì phát hiện đối tượng đang thu tiền của người dân. Thấy bị lộ, hắn đã vứt bỏ xe máy cùng nhiều đồ nghề tang vật toan bỏ chạy, các anh vừa truy đuổi, vừa báo cho lực lượng Công an xã Vĩnh Phú hỗ trợ. Sau gần nửa giờ lùng sục, nhóm của Liêm đã phát hiện đối tượng nấp trong một lùm cây cách đó khá xa và khống chế giao công an xử lý.
Tại hiện trường, công an xã đã thu giữ nhiều tang vật gồm: xe mô tô BS 76V7-8759; một giỏ xách màu đen bên trong có xấp hóa đơn bán lẻ, biên lai thu tiền, một cuộn dây cáp truyền hình, một hộp đầu nối... cùng nhiều phụ tùng như dao, kéo, băng keo... Qua điều tra, hắn khai tên là Nguyễn Hữu Tình, SN 1986, quê ở thôn Đại An Đông, xã Hành Thuận, Nghĩa Hành, Quảng Ngãi. Tạm trú ở khu phố 4, phường Linh Xuân, Thủ Đức, TP.HCM. Tình là sinh viên của một trường trung học dạy nghề ở quận 9, phần lớn tiền kiếm được, Tình sử dụng vào việc đánh đề.
Nói về việc một số người dân mắc bẫy của Tình, anh Liêm cho biết: “Khi đến “mồi chài” Tình mang theo hóa đơn, dây cáp, phiếu thu chi nên những người dân không rành, lầm tưởng là nhân viên truyền hình cáp, vì thế chúng tôi cũng thông cảm đã tìm cách hợp thức hóa hợp đồng cho các hộ trên, nhưng bà con phải đóng lại đầy đủ tiền lệ phí đầu vào, phải nộp tiền thuê bao hàng tháng”. Anh Liêm cũng “bật mí” một vài chi tiết cơ bản để người dân dễ nhận ra hành vi của những kẻ lừa đảo như trên. Nhân viên truyền hình kỹ thuật số Bình Dương khi đi làm phải mặc đồng phục, trên áo có in rõ chữ BCTV. Trên hợp đồng, phiếu thu tiền đều có in chìm 4 chữ BCTV, có đóng dấu mộc công ty trên các hợp đồng, hóa đơn. Khách hàng có thể điện thoại về công ty để xác minh theo số điện thoại đã ghi trên hóa đơn, hợp đồng.
QUANG TÁM - ĐÌNH HẬU