Giá cả ổn định, người tiêu dùng vẫn thắt chặt chi tiêu
Nguồn cung thực phẩm đang dư thừa, sức mua chưa được cải thiện, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm có nguy cơ lan rộng, giá xăng được điều chỉnh giảm thêm 600 đồng/lít... khiến giá các mặt hàng thiết yếu tiếp tục ổn định. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn, người tiêu dùng (NTD) vẫn có xu hướng thắt chặt chi tiêu. Lo ngại tình hình kinh tế tiếp tục khó khăn, NTD có xu hướng tiết kiệm hơn so với trước
Nguồn cung dồi dào
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Bộ NN-PTNT, cho biết mặc dù tình hình dịch bệnh trên đàn heo có nguy cơ lan rộng, nhưng nguồn cung thực phẩm gia súc, gia cầm trong nước không thiếu mà vẫn đang trong tình trạng dư thừa. Theo số liệu thống kê của Cục Chăn nuôi, do lượng cầu tiêu dùng sản phẩm gia súc, gia cầm xuống thấp nên nguồn cung thực phẩm đang rất lớn, kéo theo giá sản phẩm chăn nuôi xuống mức thấp báo động, người chăn nuôi không có lãi.
Hiện giá heo hơi đang dao động từ 43.000 - 46.000 đồng/kg, kéo theo giá thịt heo mảnh tại chợ đầu mối chỉ còn 58.000 đồng/kg, giảm khoảng 10.000 đồng/kg so với hai tuần trước. Tại các chợ lẻ, giá thịt heo cũng giảm nhẹ khoảng 5.000 đồng/kg, xuống còn 80.000 - 120.000 đồng/kg tùy loại nạc, đùi, ba rọi, sườn non... Nhiều tiểu thương tại các chợ trên địa bàn TX.Thuận An, Thủ Dầu Một cho biết tuy không còn chịu ảnh hưởng thông tin thịt heo có chứa chất tạo nạc, nhưng sức mua thịt heo vẫn không tăng. Đối với mặt hàng thịt gà công nghiệp, giá bỏ sỉ chỉ dao động ở mức từ 27.000 - 30.000 đồng/kg, nhưng giá bán lẻ gà công nghiệp nguyên con làm sẵn vẫn duy trì ở mức 70.000 - 72.000 đồng/kg; trứng gia cầm từ 1.500 -1.800 đồng/trứng.
Đối với rau củ, hiện thời tiết khá thuận lợi nên giá một số loại rau củ giảm như bông cải trắng, bông cải xanh chỉ còn 30.000 - 35.000 đồng/kg, giảm 5.000 đồng/kg; cà rốt còn 19.000 đồng/kg, cà chua và dưa leo còn 8.000 - 12.000 đồng/kg; giảm 2.000 - 3.000 đồng/kg. Xà lách búp và xà lách lụa giá không giảm và vẫn ở mức 30.000 - 40.000 đồng/kg. Đặc biệt, sau khi giá tăng cao ngất ngưởng lên 45.000 đồng/kg, nay giá chanh chỉ còn 20.000 - 25.000 đồng/kg, giảm một nửa so với cách đây một tháng.
Trước thực trạng nguồn cung thực phẩm đang dư thừa, để hỗ trợ người chăn nuôi vượt qua khó khăn và giảm thua lỗ, Bộ NN-PTNT đang đề xuất với Chính phủ đưa trang trại chăn nuôi lớn và doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi vào diện được hưởng gói hỗ trợ 29.000 tỷ đồng của Chính phủ.
Chỉ số niềm tin tiêu dùng thấp
Nielsen (Công ty Nghiên cứu thị trường) vừa công bố kết quả khảo sát toàn cầu về niềm tin NTD và dự định mua sắm với hơn 28.000 NTD của 56 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Với 506 NTD tham gia trả lời khảo sát trực tuyến của Nielsen, cho thấy NTD Việt Nam lo ngại về tình hình khó khăn của nền kinh tế. Theo đó, chỉ số niềm tin tiêu dùng Việt Nam hạ xuống mức thấp nhất kể từ quý III-2010 khi chỉ đạt mức 94 điểm trong quý I-2012, giảm 5 điểm so với quý IV-2011. Niềm tin tiêu dùng giảm khiến người dân thắt chặt chi tiêu khi có tới 69% người tham gia khảo sát lựa chọn phương án tiết kiệm, tăng 4% so với quý IV-2011. Khảo sát của Nielsen còn cho thấy cứ 4 NTD được hỏi thì có đến 3 người cho rằng hiện tại không phải là thời điểm thích hợp để mua sắm.
Về thói quen tiêu dùng, các khoản mua sắm vẫn được giữ nguyên để tiết kiệm chi phí sinh hoạt, chủ yếu vào các khoản mua sắm quần áo mới (65%), gas và điện (65%), giải trí, du lịch bên ngoài (61%), thay thế các vật dụng chủ yếu trong nhà (52%) và nâng cấp hàng điện tử (48%).
Cùng với niềm tin tiêu dùng giảm, người Việt Nam cũng có thái độ bi quan về nền kinh tế với tỷ lệ 61% số người được hỏi, giảm nhẹ từ 66% của quý IV-2011 và không đổi so với quý cùng kỳ năm trước, nhưng có tới 68% người tham gia khảo sát bày tỏ quan điểm Việt Nam sẽ khó thoát khỏi khó khăn kinh tế trong 12 tháng tới, tăng 3% so với quý IV-2011.
TRÚC HUỲNH