Giá cả hàng hóa tăng, công nhân lao động thắt chặt chi tiêu
(BDO) Thời gian qua, trước những tác động của tình hình dịch bệnh, giá xăng dầu tăng, giảm thất thường kéo theo giá nguyên liệu và các mặt hàng cũng thay đổi, đã ảnh hưởng không nhỏ đến người tiêu dùng, đặc biệt là công nhân, người lao động có thu nhập thấp. Mặc dù thị trường hàng hóa khá đa dạng, phong phú nhưng công nhân lao động buộc phải thắt chặt chi tiêu, ổn định cuộc sống.
Chợ truyền thống là một kênh mua sắm phổ biến của công nhân lao động. Trong ảnh: Chợ Hội Nghĩa rộng hơn 7.000m2, hàng hóa phong phú nhưng thời điểm hiện nay rất vắng khách
Hàng hóa dồi dào
Chúng tôi vừa có dịp dạo quanh chợ Hội Nghĩa, phường Hội Nghĩa, TX.Tân Uyên, nhận thấy không gian các chợ khá rộng rãi, thoáng mát, các sạp được bố trí ngăn nắp theo từng nhóm hàng. Hàng hóa bày bán đa dạng từ mặt hàng tươi sống, gia dụng đến thời trang... tuy nhiên, nhìn chung sức mua giảm. Chị Bùi Thị Thúy Anh, quản lý chợ Hội Nghĩa, cho biết: “Là chợ truyền thống được xây dựng từ năm 2007 với diện tích gần 7.000m2, chợ có đa dạng các mặt hàng để phục vụ người tiêu dùng, giá cả phù hợp với đối tượng có thu nhập thấp. Thời gian vừa qua, do ảnh hưởng bởi giá xăng dầu tăng, giảm liên tục, tiểu thương buộc phải điều chỉnh giá theo thị trường. Tuy nhiên, về cơ bản chợ có giá bình ổn, không có đầu cơ tăng giá bất hợp lý. Trước đây, chợ khá đông đúc, bắt đầu họp từ 4 giờ sáng đến 22 giờ đêm mới kết thúc, người mua kẻ bán nhộn nhịp. Thời điểm hiện tại, giá cả hàng hóa tăng nên người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu, chợ vắng khách”.
Trao đổi với chúng tôi, chị Trần Thị Như Quỳnh, tiểu thương bán hàng thời trang tại chợ Hội Nghĩa, tâm sự: “Hầu hết tiểu thương trong chợ hiện nay đều gặp phải tình trạng buôn bán ế ẩm. Tuy nhiên, phần lớn đã buôn bán tại chợ nhiều năm nay, không thể từ bỏ nghề nghiệp. Dù gặp khó, lợi nhuận thấp nhưng vẫn ổn định được cuộc sống gia đình”.
Tiếp tục tìm hiểu một số cửa hàng tiện lợi trên địa bàn như Bách hóa xanh, các cửa hàng tạp hóa... hàng hóa khá đầy đủ để phục vụ nhu cầu hàng ngày cho người tiêu dùng. Anh Ngô Thành An, quản lý hệ thống cửa hàng Bách hóa xanh tại 3 phường: Tân Vĩnh Hiệp, Tân Phước Khánh và Khánh Bình, cho biết: “Hệ thống cửa hàng không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa, giá cả luôn bình ổn, bảo đảm cung cấp đủ cho người tiêu dùng”.
Ưu tiên hàng hóa thiết yếu
17 giờ một ngày gần đây chúng tôi có mặt tại Khu công nghiệp (KCN) Nam Tân Uyên, khu phố Long Bình, phường Khánh Bình khi công nhân bắt đầu tan ca. Chị Võ Thị Thoa, công nhân làm việc tại một công ty thép tâm sự: “Lương 1 tháng chỉ có 4,5 triệu đồng, ít việc nên không tăng ca. Tôi và một số người thuê trọ gần nơi làm việc cho thuận tiện. Chiều sau giờ tan ca tôi tranh thủ ghé vào chợ Quang Vinh 1 mua thức ăn đơn giản để lo bữa tối. Chúng tôi chỉ dám mua những hàng hóa thật sự cần thiết trong điều kiện khó khăn này”.
Anh Lê Văn Sáng, hiện làm công nhân trong một nhà máy tại KCN Nam Tân Uyên, chia sẻ do không thuê được nhà trọ ở gần nhà máy nên hàng ngày anh chạy xe đi làm. Giá xăng tăng cao nên anh phải chi tiêu tiết kiệm mới đủ trang trải cuộc sống. Mua sắm gì cũng phải đắn đo, lựa chọn những sản phẩm thực sự cần thiết. Chị Nguyễn Thùy Linh, công nhân một doanh nghiệp trong KCN này cũng cho biết: “Tan ca, chúng tôi chủ yếu mua thực phẩm như rau, thịt, cá nên tranh thủ ghé vào chợ gần nơi ở, vừa đỡ mất thời gian, giá cũng ổn định”.
Mua sắm ở những cửa hàng tiện lợi cũng đang trở thành xu hướng của nhiều người dân. Tùy vào mức thu nhập, nhu cầu người tiêu dùng có thể lựa chọn cho mình kênh mua sắm phù hợp. Tuy nhiên, việc khá nhiều công nhân lao động sau giờ làm “tạt” vào lề đường hay các chợ cóc mua cho nhanh tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm, an toàn giao thông cũng là lời cảnh báo. Thiết nghĩ, để giảm thiểu được tình trạng này, các cấp chính quyền cần quyết liệt xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để buôn bán, đồng thời người tiêu dùng cũng cần nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen của mình.
TIẾN HẠNH