Ghi nhận tại Hội nghị đại biểu HĐND tỉnh lắng nghe ý kiến của nữ cử tri: Tiếng nói từ cơ sở
(BDO) Trong chuỗi sự kiện hướng tới ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ Nữ (LHPN) Việt Nam 20-10, có một hoạt động rất thiết thực được Thường trực HĐND tỉnh phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh tổ chức, đó là Hội nghị đại biểu HĐND tỉnh lắng nghe ý kiến của nữ cử tri năm 2024 với chủ đề “Nữ cử tri Bình Dương với các vấn đề văn hóa, xã hội”.
Hội nghị là dịp để các vị đại biểu HĐND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành lắng nghe, chia sẻ, trả lời, tham gia giải quyết các vấn đề từ cơ sở
Những ý kiến tâm huyết
Có 15 ý kiến được ghi nhận từ hội nghị này. Những ý kiến là sự tâm huyết của các nữ cán bộ Hội LHPN ở cơ sở. Họ là những người gần nhất với các hội viên phụ nữ ở cơ sở nên tiếng nói của họ cũng là ý kiến được ghi chép, chắt lọc lại từ các cuộc họp của tổ, nhóm, chi hội từ khu phố, ấp khắp cả tỉnh gửi về. Những vấn đề kiến nghị liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngày, như: An toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, y tế, giáo dục, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm xã hội, an toàn trên không gian mạng…
Phát biểu tại hội nghị, đại diện nữ cử tri TP.Bến Cát đề cập lại tình trạng sim rác không chính chủ từ các nhà mạng gọi đến người dân với nội dung quảng cáo, giả danh cán bộ công an, hỗ trợ vay tiền nhanh, giới thiệu việc làm, môi giới bất động sản, chơi chứng khoán... gây phiền hà cũng như tiềm ẩn nguy cơ lừa đảo. Từ thực tế này, chị em đề xuất các ngành chức năng có biện pháp để ngăn chặn hoặc xử lý một cách triệt để.
Trong khi đó ý kiến của cử tri đến từ huyện Phú Giáo, TP.Dĩ An yêu cầu có giải pháp để giải quyết tình trạng quá tải tại các bệnh viện công; cần trang bị trang thiết bị y tế, vật tư y tế bảo đảm cho người dân khi đến khám chữa bệnh… Về giáo dục, các ý kiến xoay quanh việc lớp học quá đông học sinh do thiếu phòng học, quá nhiều bộ sách giáo khoa gây lãng phí, về học phí, vấn đề BHYT cho học sinh, vấn đề vệ sinh tại trường học, cần giám sát tốt hơn an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn tập thể…
Nữ cử tri phát biểu tại hội nghị
Lắng nghe để bảo đảm quyền lợi của phụ nữ
Nói về vai trò của cán bộ, hội viên phụ nữ ở cơ sở, ông Nguyễn Văn Lâm, Bí thư Chi bộ khu phố 3, phường Chánh Nghĩa (TP.Thủ Dầu Một) cho rằng hầu hết các phong trào ở khu phố đều có đóng góp của các chị. Cụ thể như việc thực hiện Đề án 02 của Tỉnh ủy, tham gia Ngày thứ 7 văn minh, duy trì mô hình Cà phê sáng với nhân dân… đều có sự đóng góp của các chị em trong khu phố. “Họ vừa đóng góp tài lực vừa đóng góp công sức cho các hoạt động ở địa phương được thành công. Vì vậy, lắng nghe ý kiến của nữ cử tri là một hình thức rất hay, từ đó có những hướng giải quyết thấu đáo, bảo đảm quyền lợi của phụ nữ là điều nên làm, cần ghi nhận”, ông Nguyễn Văn Lâm nói.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Lộc, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, cho rằng thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phụ nữ, trong những năm qua, Bình Dương luôn chú trọng chăm lo, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác hội cũng như cho cán bộ, hội viên, phụ nữ, giúp phong trào phụ nữ tỉnh nhà đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Từ các hoạt động này, phụ nữ có điều kiện thực hiện tốt vai trò người công dân, người lao động, người mẹ, người thầy đầu tiên của các con; bảo đảm tốt hơn quyền lợi chính đáng của phụ nữ, đặc biệt là trong các lĩnh vực lao động, việc làm, giáo dục, đào tạo, dạy nghề, bảo hiểm xã hội, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ bà mẹ, trẻ em…
Ông Nguyễn Văn Lộc cũng mong rằng hội nghị lắng nghe tiếng nói của nữ cử tri với các vấn đề văn hóa, xã hội là dịp để chị em nói lên tâm tư nguyện vọng của mình; là dịp để các vị đại biểu HĐND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh lắng nghe, chia sẻ, trả lời, tham gia giải quyết các vấn đề bức xúc, các đề xuất, kiến nghị để kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở, từ đó chỉ đạo xử lý, giải quyết và bổ sung, điều chỉnh những chủ trương, chính sách, quy định còn chưa phù hợp.
QUỲNH NHƯ