Ghé thăm vườn cây Thanh Tuyền
(BDO) Về Bình Dương, ngoài vườn trái cây Lái Thiêu (TX.Thuận An) nổi tiếng xưa nay thì các vườn cây ăn trái của xã Thanh Tuyền gần đây cũng thu hút du khách. Khách đến vườn vừa thưởng thức đặc sản của địa phương vừa có thời gian để nghỉ ngơi thư giãn thì còn gì bằng…
Đặc sản trái cây Dầu Tiếng tham gia liên hoan ẩm thực đường phố năm 2018
Tuyền có lẽ được biết đến nhiều hơn sau sự kiện măng cụt Thanh Tuyền tạo dựng được thương hiệu với vị trí quán quân ở hội thi trái cây Nam bộ năm 2011. Từ đó, nhận ra lợi ích của vườn cây ăn trái, bà con chuyển sang trồng vườn nhiều hơn. Xã Thanh Tuyền nằm ở phía Nam của huyện Dầu Tiếng, dọc theo sông Sài Gòn khoảng 12km, là tâm điểm giữa Địa đạo Củ Chi và hồ Dầu Tiếng. Ngoài ra, Thanh Tuyền còn có tuyến đường bộ và đường thủy chạy song song với nhau tạo sự thuận lợi về giao thông. Đây là lợi thế rất lớn để làm du lịch.
Nhiều năm trở lại đây, diện tích trồng các loại cây ăn trái của Thanh Tuyền như: Măng cụt, sầu riêng, chôm chôm, ổi, quýt, bưởi, xoài, nhãn… được tăng lên. Đời sống của người dân cũng khá hơn trước so với chuyên canh cây cao su. Thiên nhiên ưu ái ban tặng cho mảnh đất này những vùng đất phù sa bồi đắp khá phì nhiêu, ít bị lũ lụt, ngập úng, thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp, nhất là trồng cây ăn trái.
Dầu Tiếng cũng đã có chủ trương phát triển xã Thanh Tuyền thành vùng chuyên canh cây măng cụt, nhằm phát triển du lịch sinh thái ven sông Sài Gòn, tạo thương hiệu sản phẩm trái cây của Dầu Tiếng, Bình Dương, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Về Thanh Tuyền, du khách có thể đến thăm vườn của ông Nguyễn Văn Tỵ ở ấp Suối Cát. Đây là hộ trồng măng cụt theo chuẩn VietGAP hay hộ ông Huỳnh Văn Đường, ấp Rạch Kiến trồng măng cụt, sầu riêng và nuôi gà thả vườn. Cây trái sẵn trong vườn, du khách có thể ăn uống thoải mái và nghỉ ngơi cả ngày tại đây. Các món ẩm thực của địa phương từ dân dã như dưa, mắm các loại đến hải sản hay các món từ gà, vịt nuôi thả vườn được chế biến tại chỗ sẽ làm hài lòng du khách.
Anh Hứa Huy Hoàng, công chức văn hóa xã hội phụ trách văn hóa xã Thanh Tuyền cho biết: “Có nhiều gia đình làm vườn thay vì làm như truyền thống xưa nay, đến mùa bán cho thương lái thì họ bán vé cho du khách vào vườn ăn trái cây. Nếu bán cho thương lái như trước khoảng 22.000 đến 25.000 đồng/kg măng cụt thì họ bán vé. Tiền thu được nhiều hơn nhưng điều khiến bà con làm vườn vui là họ đã giới thiệu đến khách gần xa những sản vật của quê nhà”.
Theo Chương trình phát triển du lịch huyện Dầu Tiếng giai đoạn 2016-2020, UBND xã Thanh Tuyền cũng đã xây dựng kế hoạch phát triển du lịch. Một số kết quả tiêu biểu hiện nay là đã liên kết, xây dựng các tour du lịch đối với đường bộvà đường thủy tuyến TP.Hồ Chí Minh - Bình Dương - Khu di tích Địa đạo Củ Chi và vườn cây ăn trái Thanh Tuyền về TP.Hồ Chí Minh. Đây là tour được tổ chức trong ngày. Du khách cũng có thể chọn các tour như: Khách ăn sáng ở TP.Hồ Chí Minh, ghé thăm Khu di tích Địa đạo Củ Chi rồi cùng nhau tham quan Khu du lịch sinh thái núi Cậu - hồ Dầu Tiếng. Và thăm các di tích lịch sử như: Di tích lịch sử rừng Kiến An (xã An Lập), thăm vườn cây cao su thời Pháp thuộc (xã Định Hiệp) và điểm cuối là thăm vườn cây ăn trái xã Thanh Tuyền.
Gần đây, UBND xã Thanh Tuyền cũng đã chọn thêm được 2 vườn cây gồm các hộ ông Phạm Quang Ánh, ấp Rạch Kiến trồng măng cụt, dâu, dừa, sầu riêng, chuối, mít và nuôi cá thả ao; hộ bà Trần Thị Gái Ba, ấp Suối Cát trồng măng cụt, sầu riêng, nuôi gà thả vườn để đưa du khách tới tham quan. Một điểm độc đáo nữa là UBND xã cũng đã thành lập 1 tổ du lịch có chương trình phục vụ của nhóm đờn ca tài tử - cải lương (Câu lạc bộ Đờn ca tài tử Như Ý) có thể phục vụ du khách khi họ muốn thưởng thức đờn ca tài tử.
QUỲNH NHƯ