Gây ra tội ác từ sự vô cảm!

Thứ bảy, ngày 22/06/2013

Trong suốt tuần qua, Báo Bình Dương liên tục đăng tải loạt phóng sự điều tra “Địa ngục trần gian bên bờ hồ thơ mộng!”, phanh phui những hành vi bóc lột, ngược đãi lao động và sự lộng hành của một ông chủ cơ sở cưa xẻ gỗ bao bì tại một vùng quê ở huyện Dầu Tiếng. Là chủ một cơ sở sản xuất kinh doanh, thay vì quý trọng công nhân - những người mang lại nguồn lợi cho mình, thì ông chủ cơ sở gỗ này lại mất hết nhân tính khi đối xử với người lao động như nô lệ thời trung cổ! Và cái gì đến cũng đã đến, từ sự độc ác, vô cảm của ông chủ cơ sở gỗ nói trên đã dẫn đến cái chết tức tưởi của một lao động khi trốn chạy khỏi nơi được ví như “địa ngục trần gian”!

Ngay sau khi loạt bài này được đăng tải, dư luận xã hội hết sức bất bình với những hành vi của ông chủ cơ sở gỗ nói trên. Nhiều người dân tại địa bàn cơ sở gỗ này đứng chân còn “tố” thêm những tội ác và hoạt động theo kiểu băng nhóm xã hội đen của ông chủ cơ sở gỗ này. Chỉ cần không vừa ý với ai hay nghe một lời nói không vừa tai là ông chủ này cho cả đội quân dưới trướng đi hành hung… Với người dân địa phương mà còn vậy thì với những lao động từ nơi khác đến vốn hạn chế bởi trình độ và hiểu biết về pháp luật thì sự lộng hành của ông chủ này còn đến đâu? Trong mấy ngày qua, hàng chục lao động từng làm việc tại cơ sở gỗ này cũng đã kéo đến Báo Bình Dương để “tố” những tội ác mà ông chủ này từng gây ra với họ suốt một thời gian dài. Và, cái chết của công nhân Bồ Sơn Rót khi trốn chạy khỏi nơi làm việc đã chứng minh tội ác của ông chủ này là có thật.

Điều đáng nói là sự việc diễn ra suốt 10 năm, người dân biết, chính quyền địa phương cũng biết nhưng cơ sở gỗ này vẫn tồn tại và sự lộng hành của ông chủ cơ sở gỗ nói trên ngày càng gia tăng, cho thấy sự vô cảm đã lan sang cả những người có trách nhiệm. Cái chết của công nhân Bồ Sơn Rót là hệ lụy không chỉ từ sự vô cảm của ông chủ cơ sở gỗ nói trên mà còn là sự vô cảm của cả chính quyền địa phương nơi đây. Sau khi sự việc chết người diễn ra, báo chí và dư luận lên tiếng chỉ trích, chính quyền địa phương cũng đã vào cuộc nhưng xem ra sự vào cuộc này là quá muộn!

“Thương người như thể thương thân”, lời dạy của cha ông ta từ lâu đã trở thành đạo lý của người Việt Nam. Thế nhưng ngày nay, bên cạnh những con người biết đồng cảm, chia sẻ, luôn nghĩ đến người khác vẫn còn những kẻ vô cảm, coi thường sinh mạng người khác. Đây là tội ác không thể dung thứ, cần được nghiêm trị.

LÊ QUANG