Gặt hái thành quả từ tầm nhìn chiến lược
(BDO) Kỳ 1: Thu hút đầu tư chất lượng cao
Bình Dương đang tiếp tục nâng tầm chất lượng đầu tư, lựa chọn các ngành công nghệ cao, thân thiện với môi trường, ít thâm dụng lao động, tạo ra giá trị gia tăng cao nhằm đáp ứng tầm nhìn chiến lược, phát triển công nghiệp, đô thị theo hướng văn minh, hiện đại giai đoạn 2021-2025, định hướng 2025-2030. Hiện tại, Bình Dương tiếp tục tập trung đầu tư, phát triển hạ tầng các khu công nghiệp (KCN) theo hướng hiện đại, đồng bộ để đón đầu cơ hội thu hút đầu tư hiệu quả và chất lượng.
Dòng vốn chuyển hướng tích cực
Nửa đầu năm 2022, Bình Dương là địa phương dẫn đầu về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký vào tỉnh đạt 2,5 tỷ đô la Mỹ, tăng 99% so với cùng kỳ, vượt kế hoạch năm 2022 (1,8 tỷ đô la Mỹ). Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 4.048 dự án đầu tư nước ngoài, tổng vốn 39,5 tỷ đô la Mỹ. Đây là kết quả đáng khích lệ cho những nỗ lực không ngừng của tỉnh trong việc chủ động, sáng tạo xúc tiến và tiếp nhận đầu tư theo hình thức phù hợp ngay cả trong lúc cao điểm đại dịch Covid-19.
Không chỉ tăng về số lượng, năm 2022 đánh dấu sự chuyển mình của dòng vốn FDI đầu tư vào tỉnh ngày càng chất lượng hơn, xanh hơn, thông minh hơn. Nhiều dự án trong lĩnh vực công nghệ, chế biến, chế tạo, năng lượng vươn lên dẫn đầu, đang dần thay thế những dự án ít giá trị gia tăng trước đây.
Các KCN của tỉnh với hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu của doanh nghiệp lớn, tập đoàn đa quốc gia. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất ít thâm dụng lao động tại Công ty TNHH Kyungbang Việt Nam, KCN Bàu Bàng. Ảnh: XUÂN THI
Đáng chú ý, hầu hết những dự án được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngay từ đầu năm đều có quy mô lớn. Điển hình như dự án sản xuất đồ chơi bằng nhựa, các bộ phận của đồ chơi, sản xuất khuôn mẫu, các bộ phận của khuôn mẫu có vốn đầu tư 1,3 tỷ đô la Mỹ tại KCN VSIP III của Tập đoàn Lego (Đan Mạch). Dự án hứa hẹn mang đến 4.000 cơ hội việc làm trong vòng 15 năm tới. Dự kiến, nhà máy được khởi công nửa cuối năm 2022 và đi vào hoạt động trong năm 2024. Theo kế hoạch, đây là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của Lego, có phần đầu tư cho sản xuất năng lượng mặt trời, bảo đảm không bị ô nhiễm môi trường, khói bụi và chất thải.
Mới đây, Tập đoàn Pandora, thương hiệu trang sức Đan Mạch đã ký thỏa thuận xây dựng cơ sở chế tác trang sức mới tại KCN VSIP III với tổng vốn đầu tư trên 100 triệu đô la Mỹ để xây dựng cơ sở sản xuất đầu tiên tại Việt Nam, đáp ứng 60 triệu sản phẩm trang sức mỗi năm và tạo ra việc làm cho hơn 6.000 người. Dự kiến, dự án sẽ được khởi công xây dựng vào đầu năm 2023 và bắt đầu sản xuất vào cuối năm 2024. Đây là cơ sở thứ 3 của Pandora trên thế giới, đồng thời là cơ sở sản xuất đầu tiên được xây dựng ngoài Thái Lan.
Theo ông Kim Hojlund Christense, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, việc xây dựng cơ sở chế tác đầu tiên của Pandora tại Việt Nam sẽ góp phần mở rộng và tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác chặt chẽ của Đan Mạch với Việt Nam trong quá trình chuyển đổi xanh của nền kinh tế thông qua các dự án đầu tư nước ngoài chất lượng cao với các nhà máy sản xuất có giá trị và các công việc đòi hỏi tay nghề cao. Dự án này một lần nữa khẳng định vị thế của tỉnh Bình Dương, một trong những địa phương được các công ty Đan Mạch quan tâm nhất.
Hướng đến hệ sinh thái công nghiệp mới
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Becamex IDC, cho biết từ kinh nghiệm mô hình liên doanh KCN Việt Nam - Singapore (VSIP), Bình Dương nhận thấy đây là mô hình hoàn toàn phù hợp để tỉnh có thể mở rộng việc phát triển ở các KCN xa trung tâm mà vẫn bảo đảm được sự phát triển bền vững, đồng thời góp phần quay lại củng cố và chỉnh trang đô thị của Bình Dương theo hướng quy hoạch hiện đại và bài bản, đan xen với các KCN đạt chuẩn xanh, khang trang và bền vững.
Một góc Khu công nghiệp Mỹ Phước 2 hôm nay. Ảnh: TRẦN DUY TÌNH
Bình Dương cũng đã xây dựng mô hình Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị (Khu liên hợp) như một mô hình thí điểm cho việc phát triển tích hợp, bao gồm khu đô thị, KCN, khu thương mại, dịch vụ giải trí chất lượng cao, khu dân cư, tái định cư cho người dân… Khu liên hợp là một ý tưởng táo bạo, đột phá, một chủ trương lớn nhằm thay đổi toàn bộ cách thức thu hút và kêu gọi đầu tư của tỉnh. Khu liên hợp bao gồm 7 KCN xung quanh. 7 KCN này được hình thành với tỷ lệ lấp đầy cao, tạo đòn bẩy và bắc cầu cho việc dịch chuyển phát triển công nghiệp từ phía nam lên khu vực giữa và phía bắc của tỉnh. Sau khi hình thành quần thể công nghiệp tại Khu liên hợp, đã tạo ra bước đệm cho việc phát triển các KCN mới về phía bắc như KCN Mỹ Phước 1, 2, 3, 4 và xa hơn nữa là KCN - đô thị Bàu Bàng, Bàu Bàng mở rộng và hiện nay là VSIP 3 vừa mới khởi công.
Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết những kết quả nổi bật trong thu hút FDI vào tỉnh ngay từ những tháng đầu năm đã, đang lan tỏa, góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế chung của cả tỉnh. Tỉnh sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa để mời gọi nhiều hơn những dự án chất lượng cao, đồng thời tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư. Để phát triển công nghiệp bền vững, tỉnh đã triển khai xây dựng Đề án “Vùng đổi mới sáng tạo”, KCN Khoa học công nghệ. (Còn tiếp)
NGỌC THANH