Gặt hái “quả ngọt” từ sự kiên trì vượt khó
(BDO) Kiên trì sau bao nhiêu lần thất bại, gia đình anh Lê Quang Chiến (ấp 3, xã Tân Hưng, huyện Bàu Bàng) đã thành công với mô hình trồng bưởi da xanh. Những mùa cho quả ngọt đã giúp gia đình anh Chiến từ chỗ nghèo khó vươn lên khá giả.
Mô hình trồng cây ăn trái đã giúp vợ chồng anh Chiến vươn lên khá giả. Trong ảnh: Chị Hằng tại vườn cây ăn trái của gia đình
Chúng tôi vừa tìm đến tham quan vườn cây ăn trái của gia đình anh Chiến. Tiếp chúng tôi là chị Nguyễn Thị Hằng, người vợ đã đồng hành cùng anh từ thuở cơ hàn đến ngày thành công. Chị Hằng phấn khởi cho biết trước đây hai vợ chồng chị không nghĩ mình sẽ có được cuộc sống như hiện nay bởi vì quá nghèo, quá gian nan, tưởng không thể nào vươn lên được. Nhưng với ý chí, sự kiên trì và đi đúng hướng đã giúp gia đình chị có của ăn của để, con cái ăn học, trưởng thành.
Cuộc sống nghèo khó, năm 1994, vợ chồng chị Hằng khăn gói đến tỉnh Đắk Lắk lập nghiệp bằng nghề trồng cà phê suốt 10 năm trời. Tuy nhiên, giá cà phê liên tục giảm khiến cái nghèo bám riết cuộc sống hai vợ chồng. Năm 2004, vợ chồng chị Hằng quyết tâm mang theo 3 người con tìm về vùng đất Tân Hưng gầy dựng cuộc sống. Với số tiền ít ỏi tích góp được bao nhiêu năm, vợ chồng chị mua được mảnh đất vườn với giá rẻ để trồng mãng cầu. Bao tháng ngày chăm sóc, 4 năm sau đến ngày cho thu hoạch lại gặp phải cơn mưa nên bị hư hỏng và thất thu. Không nản chí, vợ chồng chị Hằng mạnh dạn bỏ cây mãng cầu, cày đất để trồng bưởi. Không có tiền để mua giống hàng loạt, vợ chồng chị Hằng mua mỗi năm khoảng 300 cây bưởi.
Tuy nhiên, khó khăn lại chồng chất khó khăn. Lúc đầu chưa có kinh nghiệm trồng cây, chưa biết nguồn cung cấp giống chuẩn nên 4 năm sau bưởi cho thu hoạch chất lượng không đồng đều. Vườn cây bị lẫn lộn giữa giống bưởi da xanh, bưởi năm roi, bưởi lông hồng, nhiều cây cho ra trái bị chua. Vợ chồng chị đành ngậm ngùi cưa bỏ đi những cây ra trái không đạt chất lượng và tiếp tục tìm mua giống cây chuẩn để trồng dặm lại.
Cùng với đó, vợ chồng chịu khó học hỏi kinh nghiệm trồng bưởi của người đi trước để áp dụng vào vườn bưởi của gia đình. Sau bao nhiêu năm vất vả, vườn bưởi 1.100 gốc của vợ chồng chị Hằng đã cho chất lượng đều, liên tục mấy năm sau đó bưởi được giá, được mùa nên thu nhập của gia đình cải thiện rõ rệt. “Vào những năm 2010- 2012, giá bán 60.000 đồng/kg, xuất chủ yếu đi Hà Nội, doanh thu đạt 2 tỷ đồng/1 năm. Nhờ đó mà vợ chồng tôi bắt đầu mua thêm được nhiều đất ở một số địa phương khác, xây được nhà cửa khang trang, mua ô tô. Thời điểm phải cưa bỏ cây, vợ chồng tôi có lúc muốn buông xuôi tất cả. Thật may mắn, sự kiên trì, tích lũy kinh nghiệm từ những lần thất bại và chịu khó học hỏi đã giúp vợ chồng tôi thoát nghèo, vươn lên. Nhìn con cái được no ấm không còn gì hạnh phúc bằng...”, chị Hằng xúc động cho biết.
2 năm gần đây do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, thêm thời gian giãn cách không thể mua phân bón, cây đã lâu năm lại thiếu chất nên dần bị suy kiệt, giá bưởi cũng giảm nên doanh thu không được như trước. Vợ chồng chị Hằng đã mạnh dạn chuyển đổi 1,5 ha sang trồng ổi nhằm cải tạo đất. “Để khắc phục tình trạng vườn suy kiệt như hiện nay, vợ chồng tôi đã chuyển đổi một phần diện tích sang trồng ổi, chỉ giữ lại hơn 500 gốc bưởi vẫn đang cho thu hoạch tốt, đồng thời dặm thêm cây mới. Trồng ổi giúp cải tạo vườn, 6 tháng đã cho thu hoạch. Hiện tại, vườn ổi mỗi lần xuất số lượng vài trăm kg và thu hoạch liên tục trong năm, trung bình 100 kg lãi khoảng 1 triệu đồng, góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình. Riêng số gốc bưởi còn lại vẫn cho chất lượng tốt và xuất bán đều đặn, thu nhập ổn định”, chị Hằng cho biết thêm.
Xác định việc trồng cây ăn trái quy mô nhỏ lẻ không bền vững, hiệu quả kinh tế không cao, xã Tân Hưng đã vận động những nông dân trồng cây ăn trái nhỏ lẻ tập hợp thành lập hợp tác xã. Từ những kinh nghiệm và đóng góp tích cực cho địa phương, anh Chiến được tín nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Hợp tác xã Phượng Hằng. “Những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi như anh Chiến, chị Hằng là những nhân tố để tập hợp phát triển thành mô hình kinh tế hợp tác. Hợp tác xã cũng như thành viên sẽ đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho lao động địa phương”, ông Phan Châu Phát, Chủ tịch UBND xã Tân Hưng cho biết.
TIẾN HẠNH