Gặp nữ họa sĩ hết lòng với đam mê
(BDO) Ấn tượng đầu tiên của tôi về cô giáo - họa sĩ Đỗ Thị Hồng Vy (ảnh) là một người năng động, cá tính nhưng cũng thật đáng yêu bởi nét chân thành của em…
Cô Đỗ Thị Hồng Vy (SN 1985), quê Châu Thành, Bến Tre hiện công tác tại khoa Kiến trúc - Xây dựng trường Đại học Thủ Dầu Một. Hồng Vy vừa là giảng viên vừa kiêm nhiệm Bí thư Đoàn Thanh niên khoa Kiến trúc. Sau khi tốt nghiệp Cử nhân Mỹ thuật, Hồng Vy học tiếp và đã tốt nghiệp thạc sĩ tạo hình tại trường Đại học Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh.
Với niềm đam mê tuồng cổ, Hồng Vy viết nhiều bài báo có tính nghiên cứu cụ thể, đầy đủ như: Cảm nhận về tuồng qua sáng tác của họa sĩ; Đỗ Thị Hồng Vy, Letters art - Typography on application graphic design (ISSN 1859-4433), Đỗ Thị Hồng Vy, Sắc màu tuồng, đăng trên Tạp chí Văn nghệ Bình Dương… Hỏi sao em mê chủ đề tuồng cổ, Hồng Vy cho biết hồi nhỏ ở quê, mỗi lần có hát tuồng ở hội đình là em đi xem cho bằng được. Để đi xem nghệ sĩ diễn tuồng, bà em phải đốt đuốc lá dừa để nhìn đường mà đi. Ánh hào quanh của người nghệ sĩ trên sân khấu và những lấp lánh từ trang phục, phụ kiện làm Hồng Vy mê mẩn. Lớn lên chính cuộc sống khốn khó và sự lãng quên dần của mọi người về tuồng cổ làm cho cô gái trẻ thấu cảm và trân trọng. Từ hồi còn là sinh viên mỹ thuật, Hồng Vy đã đi theo đoàn tuồng TP.Hồ Chí Minh để cảm nhận thấu đáo cuộc sống của nghệ sĩ tuồng sau đó khắc họa vào những bức tranh của mình.
Rất lạ nữa bởi nữ họa sĩ này toàn đi tìm… cái khó! Hình như em muốn thách thức bản thân, muốn sống đậm, sống chất hơn nên không hề chọn việc nhẹ nhàng cho mình. Em chọn sơn khắc để sáng tạo. Sơn khắc là loại hình mỹ thuật của Việt Nam gần như đang bị lãng quên. Tranh sơn khắc ra đời từ gốc tranh sơn mài nhưng khó khăn và công phu hơn nhiều. Tranh sơn khắc đòi hỏi rất kỹ về phác thảo, bố cục, cũng như mảng màu sáng tối mà màu đen của vóc là chủ đạo. Dù trên diện tích bức tranh khổ lớn bao nhiêu nó vẫn rất cần kỹ lưỡng, nếu sai gần như bức tranh bị hỏng, mất nét...
Là một Bí thư Đoàn khoa nên Hồng Vy có điều kiện gần gũi, trao đổi cùng sinh viên về đam mê nghệ thuật. Em thường đưa sinh viên đi giao lưu, học hỏi ở những cuộc triển lãm tranh, hướng dẫn sinh viên tham gia cuộc thi chuyên ngành tranh khắc gỗ cũng như tham gia Festival Kiến trúc sinh viên toàn quốc lần thứ X (tổ chức tại Đà Lạt, năm 2015)… và đã góp phần giúp các em đem về nhiều giải thưởng cho trường cũng như chính các sinh viên của khoa. Hồng Vy cũng tham gia triển lãm tác phẩm hội họa do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức. Ngoài ra, em còn tham gia triển lãm tác phẩm hội họa do Hội Văn học Nghệ thuật địa phương tổ chức trong các dịp lễ 30-4, Tết Nguyên đán…
Năm qua, Hồng Vy đoạt giải nhì cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Dương tổ chức. Tác phẩm “Hậu trường sân khấu tuồng” (sơn khắc) lọt vào tác phẩm dự giải Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.
QUỲNH NHƯ