Gặp nhau ở chốn pháp đình!
Không thể đong đếm được nỗi đau khi những người thân trong gia đình lại phải kéo nhau ra tòa nhờ phân xử. Tại những phiên tòa giải quyết mâu thuẫn của các thành viên cùng gia tộc, không ít cung bậc cảm xúc đã thể hiện khi họ sẵn sàng thứ tha hoặc quyết lòng “ăn thua đủ”!
Bị cáo Phạm Văn D. tỏ ra hối hận vì đã trộm vàng của chị Ảnh: L.V.C
Chị và em
Mặc dù bà Phạm Thị H. đau yếu thường xuyên nhưng hôm Tòa án nhân dân huyện Tân Uyên tổ chức xét xử em trai của bà tội trộm cắp tài sản, bà cùng các con của mình phải khăn gói đến dự phiên tòa từ sớm theo giấy triệu tập. Bà đến tòa với tư cách là người bị hại. Em trai bà, bị cáo Phạm D., SN 1971, quê Tân Uyên đã bị tuyên phạt 30 tháng tù giam vì đã trộm vàng trị giá 51 triệu đồng của bà H., cũng là chị ruột của mình!
Suốt phiên tòa hôm ấy, bà H. luôn cố gắng khai né đi để mong giảm nhẹ tội cho em đã khiến vị đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa phải nhiều lần đặt câu hỏi nhằm làm rõ số tiền mà bà đã bị D. chiếm đoạt. Cùng đến dự ngoài bà H. thì con trai bà là Nguyễn Ngọc C. cũng có mặt với tư cách là nhân chứng. Khi được thẩm vấn, chàng trai này thỉnh thoảng lại liếc nhìn bị cáo đang đứng trước vành móng ngựa rồi nhìn sang mẹ; có thể nhận thấy sự bối rối của anh ta khi phải đứng ra làm chứng cho hành vi trộm cắp của người cậu ruột!
D. là em ruột của bà H., ngày 28-10-2013 bà H. đi chữa bệnh ở TP.HCM nên giao nhà cho D. trông coi và dặn D. lưu ý kỹ đến số vàng cất trong buồng. D. nảy sinh ý định chiếm đoạt số vàng trên. Sáng 29-10, D. đưa chìa khóa nhà cho C. giữ và khi thấy các con bà H. đều ở ngoài công trình, D. giả vờ đi mua thuốc hút rồi lẻn ra sau nhà bếp mở cửa đột nhập vào buồng, lấy túi đựng vàng và đập cả con heo đất chiếm đoạt tiền rồi mang giấu vào cốp xe máy. Trưa đó, các con bà H. phát hiện mất tài sản nên báo công an địa phương và D. được mời đến làm việc nhưng hắn ta không thừa nhận hành vi. Hai ngày sau, D. đem một nhẫn vàng mang đi bán được 6,4 triệu đồng; số vàng còn lại, D. đặt dưới chân tủ chén ở nhà bếp của bà H. Trưa cùng ngày, người trong gia đình quét nhà phát hiện tài sản này nên báo cho công an địa phương. Mấy ngày sau, D. mang 20 triệu đồng đến đưa cho bà H., phần gọi là để trả nợ, phần bồi thường chiếc nhẫn vàng đã lấy bán. D. đã thừa nhận hành vi trộm và tìm đến công an địa phương đầu thú. Tại tòa, bị cáo đã thừa nhận hành vi và gửi lời xin lỗi đến gia đình chị vì việc làm sai trái của mình. Bà H. cũng nhiều lần khẩn thiết xin Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho em trai của mình.
Cả nhà cùng gặp ở… tòa!
Có những phiên tòa đưa ra xét xử công khai và khi tuyên án, cho dù bên nào thắng đi chăng nữa thì cũng dễ dàng nhận thấy sự rạn nứt giữa các thành viên trong gia đình là khó hàn gắn vô cùng.
Ông Huỳnh S. ngụ Tân Uyên gọi ông Huỳnh N. là chú ruột; song từ khi giữa hai bên gia đình ông N. và gia đình ông S. mâu thuẫn về việc tranh chấp mảnh đất khoảng 300m2 thì mối quan hệ của các thành viên trở nên căng thẳng. Khi cán bộ tư pháp địa phương đến vận động gia đình ông N. để cho bà Phạm Thị B., là mẹ ruột ông N. được xây bức tường rào; vì thực tế mảnh đất này là của bà B. thì gia đình ông N. quyết liệt can ngăn. Vợ ông N. dùng gạch ném về phía người nhà của S. khiến cho xung đột xảy ra bằng một trận “mưa gạch”. Thấy vậy, Huỳnh S. nóng máu chạy vô nhà vác dao ra nhằm người chú ruột mà chém khiến cho nạn nhân bị thương tật 12% tạm thời. Và kết cuộc của câu chuyện này diễn ra ở tòa án, khi những người trong một gia đình ra sức “tố đậm” hành vi của nhau. Bị cáo S. bị tuyên án tù nhưng có lẽ sự việc này chưa thể dừng lại; khi mà những người trong gia đình lớn ấy vẫn còn gặp mặt nhau hàng ngày và vẫn còn những gút mắc chưa hóa giải.
Không căng như trường hợp trên nhưng vụ việc dưới đây cũng là một dấu lặng buồn cho tình nghĩa gia đình; khi 3 người chị cùng “tố” đứa em trai ra tòa về hành vi hủy hoại tài sản. Ông Trần D. ngụ Tân Uyên và 3 người chị được mẹ chia cho mảnh đất rộng hơn 18.000m2; trong đó ông D. được ưu tiên quản lý gần 1.000 cây cao su trên mảnh đất này. Và cũng từ đó mà ông D. tỏ ra bực bội với mấy người chị; dẫn đến ông quyết định bán số cây cao su trên cho thương lái với giá hơn 116 triệu đồng. Biết được chuyện này, các người chị của ông trực tiếp gặp thương lái và mua lại với giá 160 triệu đồng để tiếp tục khai thác. Tuy nhiên, ông D. cho rằng số cây cao su trên chỉ bán cho thương lái, còn người nhà mua thì ông không bán! ông dọa “nếu thương lái không cưa cắt thì đích thân ông sẽ thuê người cưa hạ số cây trên”. Nói là làm, ông D. thuê người đến cưa hạ cao su. Phát hiện sự việc, cả 3 người chị can ngăn và nhờ chính quyền can thiệp. Mấy ngày sau, ông D. lại đưa người đến tiếp tục cưa cây cao su, buộc lòng các bà chị là chủ số cây trên phải nhờ công an can thiệp. Và thế là ông D. đã phải ra hầu tòa và bị tuyên phạt 12 tháng tù giam về hành vi hủy hoại tài sản. Ngoài ra, ông D. còn phải bồi thường cho các chị của mình hơn 42 triệu đồng, là trị giá số cây cao su đã bị cưa hạ.
L.T.PHƯƠNG