Gặp người “truyền lửa” đam mê đờn ca tài tử

2024-11-09 10:19:07

Bình Dương có 2 nữ nghệ sĩ được coi như “cây đa cây đề” trong bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử, đó là Nghệ nhân Nhân dân Thu Hồng và Nghệ nhân Ưu tú Cao Thị Thắng. Họ từng đứng trên sân khấu và làm say đắm lòng người với giọng ca mùi mẫn. Nay những nghệ sĩ ấy mang trọng trách là “người truyền lửa” đam mê đờn ca tài tử cho thế hệ trẻ.


Nghệ nhân Nhân dân Thu Hồng (bìa trái) hiện là người truyền dạy bộ môn đờn ca tài tử cho thế hệ trẻ

Đờn ca tài tử (ĐCTT) là một loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng đất Nam bộ, đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 5-12-2013.

Trong đời sống văn hóa hiện đại, với ĐCTT, đào tạo thế hệ kế tục là “thiên chức” quan trọng của các nghệ nhân. Họ là những người “giữ lửa” cho di sản ĐCTT không bị mai một. Với những hình thức truyền dạy khác nhau và trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, ĐCTT Bình Dương vẫn còn một lực lượng truyền nghề đáng được trân trọng. Người đầu tiên chúng tôi muốn nói đến là Nghệ nhân Nhân dân Thu Hồng. Bà đã từng tham gia nhiều hội diễn, liên hoan ĐCTT toàn quốc và mang về nhiều giải thưởng cao, như: HCV toàn quốc năm 2002; HCV toàn quốc năm 2007; Giải A toàn quốc năm 2012; HCB toàn quốc năm 2014.

Năm 2016, Nghệ nhân Nhân dân Thu Hồng tham gia Liên hoan Tiếng hát miền Đông mở rộng và đạt HCV. Năm 2017, tại Festival ĐCTT toàn quốc, Nghệ nhân Nhân dân Thu Hồng tiếp tục gặt hái thêm một HCV và một HCB... Năm 2019, bà được tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân vì có nhiều cống hiến trong giữ gìn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Trao đổi với chúng tôi, nghệ sĩ Thu Hồng vẫn đau đáu một nỗi niềm càng muốn truyền đạt về kỹ thuật ĐCTT cho nhiều người càng tốt, bởi đây là bộ môn biểu diễn khó học, khó diễn đạt. Không phụ lòng “cô giáo” truyền nghề, nhiều thế hệ học trò của nghệ sĩ Thu Hồng đã thành danh, gặt hái nhiều thành công trong loại hình nghệ thuật ĐCTT.

Nói về ĐCTT ở Bình Dương, ngoài nghệ sĩ Thu Hồng, nghệ sĩ Cao Thị Thắng là một trong những nhân tố tích cực của phong trào ĐCTT. Nghệ nhân Ưu tú Cao Thị Thắng được nhiều người biết đến từ lâu bởi giọng ca “vàng oanh” mùi mẫn của bà.

Vào những năm 70 của thế kỷ trước, giọng ca ấy đã xuất hiện trên các làn sóng phát thanh và giành được nhiều tình cảm từ giới mộ điệu. Nghệ sĩ Cao Thị Thắng luôn khiêm tốn cho rằng bà là một trong những “bông hoa đồng nội, rất bình dị, dân dã mang tiếng ca dâng cho đời”.

Năm 1978-1979, Nghệ nhân Ưu tú Cao Thị Thắng liên tục đoạt 2 HCV của Bộ Văn hóa. Từ đó, giọng ca của bà liên tục xuất hiện trong các chương trình văn nghệ của Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau này, vì lý do sức khỏe, bà không tham gia công tác trong ngành văn hóa nữa, nhưng tình yêu của bà dành cho ca cổ, cho ĐCTT vẫn cháy bỏng như thuở nào. Giọng ca vàng của nghệ sĩ Cao Thị Thắng vẫn được nhiều đài phát thanh, truyền hình mời ghi âm, thu hình để giới thiệu đến công chúng. Bà còn dành nhiều tâm huyết vào việc hướng dẫn, truyền nghề cho những người muốn tìm hiểu và đi theo con đường nghệ thuật này.

Hoạt động nghệ thuật của hai nữ nghệ sĩ gạo cội và nhiều cá nhân khác trên địa bàn tỉnh sẽ đóng góp vào việc bảo tồn và phát huy bền vững nghệ thuật ĐCTT tỉnh Bình Dương, góp phần để những giọng ca, câu hát mãi ngân vang …

Mời quý độc giả đón xem tập tiếp theo của chương trình “Tôi yêu Bình Dương” do Báo Bình Dương thực hiện về những người “truyền lửa” đam mê đờn ca tài tử. Chương trình được phát lúc 6 giờ sáng chủ nhật (ngày 10-11-2024) tại địa chỉ: www. baobinhduong.vn và trên các nền tảng mạng xã hội của Báo Bình Dương, như: YouTube, Facebook…

QUỲNH NHƯ

Báo Bình Dương