Gặp lại hai thương binh điển hình
Thành tích nối tiếp thành tích
Gặp anh không dễ bởi công việc hàng ngày cứ tấp nập, hết kiểm tra cơ sở rồi chỉ đạo, điều hành anh em trong ban. Vậy mà anh Nguyễn Sỹ Phú, Trưởng ban Quân lực Phòng Tham mưu Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh vẫn tiếp và trò chuyện với chúng tôi rất thân tình. Như biết chúng tôi hỏi gì, anh kể luôn gần 9 năm tham gia chiến trường Campuchia, anh xem đó là một dấu ấn không bao giờ quên trong cuộc đời của mình.
Thượng tá Nguyễn Sỹ Phú, Trưởng ban Quân lực Phòng Tham mưu Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đang chỉ đạo, hướng dẫn anh em làm tốt công tác chuyên môn
Là một thanh niên sống trong môi trường hòa bình, tháng 12-1980, theo tiếng gọi của Tổ quốc, anh lên đường nhập ngũ và đóng quân ở chiến trường Campuchia (Sư đoàn 302, Mặt trận 479). Thoạt đầu anh cảm thấy sợ bởi chiến trường Campuchia lúc đó nhiều mìn đến nỗi từ đơn vị ra sư đoàn (47km) thì hết 4 -5km Pôn Pốt cài mìn Zip (loại mìn rất độc, khi nổ chỉ bị đứt một phần thân thể, nhưng có thể không sống được). Chứng kiến nhiều trận càn, anh càng căm thù tàn quân Pôn Pốt và lúc đó, tình đồng đội bắt đầu sáng mãi trong anh.
Rất nhiều câu chuyện thời ấy như được sống lại khi anh kể cho chúng tôi nghe, trong đó ấn tượng không thể nào quên đối với anh Phú đó là chiến dịch truy quét đánh địch tại căn cứ Đầm Rạ, Đầm Rây mùa khô năm 1984-1985. Trong chiến dịch truy quét đó, chẳng may bị địch tập kích, thế là đại đội trưởng Tiểu đoàn 1 của anh bị chúng bắt và bắn, hy sinh tại chỗ. Nỗi đau chưa từng có, anh như đứt từng đoạn ruột… Cùng trong chiến dịch đó, trên đường hành quân, anh cũng bị địch tập kích tại Phum chùa, huyện Coóc Đông, tỉnh Xiêm Riệp, Campuchia làm bị thương đầu, chấn thương đầu gối, thắt lưng. Sau này giám định sức khỏe anh mang thương tật 41%.
Là thương binh 3/4, nhưng khi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế trở về nước (8- 1989), anh được điều động về căn cứ Vạn Kiếp (Vũng Tàu), sau đó do yêu cầu, nhiệm vụ, anh cùng Trung đoàn về Phú Giáo, có tên Trung đoàn Bộ binh 271. Đến tháng 7-1983, Sư đoàn 5 tiếp tục điều anh về Tây Ninh và đến tháng 1-1997, anh chính thức về Ban Quân lực Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Ở cương vị nào hay ở đâu, anh cũng không ngừng phấn đấu vươn lên để tham gia bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, xây dựng quân đội cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện…
Đến tháng 12-1999, được sự tín nhiệm của tập thể đơn vị, anh Phú được bổ nhiệm làm Trưởng ban Quân lực Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Anh tích cực chủ động tham mưu cho Thường trực Hội đồng Nghĩa vụ quân sự luôn hoàn thành công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ. Hàng năm, anh cùng tập thể đơn vị hoàn thành tốt thủ tục, bảo đảm đúng quy định giải quyết cho 10.885 quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, trong đó cấp 164 thẻ học nghề cho đối tượng có nhu cầu; tham mưu với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thực hiện tốt các biện pháp chỉ đạo địa phương trong việc đăng ký, quản lý nguồn dự bị động viên và huấn luyện, diễn tập cho các huyện, thị, thành phố… Với thành tích đó, anh đã nhận 6 bằng khen là đảng viên xuất sắc 5 năm liền (1998-2002) (2004-2008); hoàn thành xuất sắc trong công tác tuyển quân và gọi công dân nhập ngũ 2002, 2004; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thực hiện thí điểm đơn giản hóa thủ tục hành chính theo Nghị quyết số 51/CP-TTg của Chính phủ và xuất sắc trong phong trào thi đua quyết thắng năm 1985 và 1998…
Không sao kể hết những thành tích mà anh Nguyễn Sỹ Phú đã tham gia trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả hay người chồng, người cha mẫu mực của gia đình, chỉ biết rằng đến hôm nay vinh dự, tự hào thực sự đến với anh, bởi Nhà nước chọn anh là thương binh điển hình được tham dự Hội nghị biểu dương người có công toàn quốc dự kiến tổ chức ở tỉnh Khánh Hòa trong nay mai.
Nghị lực phi thường của một thương binh
Bị mất một chân, còn một chân bị thương, bể càm, bể gót chân, mảnh đạn đến giờ này vẫn nằm sâu ở khuỷu tay và đầu, anh Nguyễn Văn Hùng, thương binh 1/4 ở ấp Hưng Thọ, xã Hưng Định, TX.Thuận An vẫn vững vàng đứng thẳng. Vượt qua đói nghèo, vượt qua bao thử thách, khó khăn khắc nghiệt của cuộc đời, anh vươn lên ổn định cuộc sống, xây dựng mái ấm gia đình hạnh phúc, ấm no. Thương binh Nguyễn Văn Hùng luôn có khách hàng đến sửa chữa điện gia dụng, tạo thêm thu nhập cho gia đình
Như bao thanh niên khác, năm 1979, anh Hùng đã lên đường nhập ngũ. Anh được điều động sang giúp nước bạn thuộc Sư 5, Trung đoàn 2 Biên phòng đóng quân tại tỉnh Bắc Tam Pong, giáp ranh Thái Lan. Tháng 9-1983, tham gia trận đánh ác liệt tại cửa khẩu biên giới Campuchia - Thái Lan, anh bị thương và chuyển về Mặt trận 479 Xiêm Riệp. Một tháng sau, anh được chuyển về nước và điều trị tại Bệnh viện 175, Gò Vấp, TP.HCM. 6 tháng an dưỡng, giám định tỷ lệ thương tật 81%, xếp thương binh hạng 1/4. Dù chỉ phục vụ trong quân đội không nhiều, nhưng thương binh Nguyễn Văn Hùng đã có nhiều cống hiến trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng Tổ quốc và được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến thắng vẻ vang.
Cảm phục trước sự dũng cảm và nghị lực phi thường của anh, năm 1986 chị Trần Thị Hồng Điệp chấp nhận cùng anh xây đắp mái ấm hạnh phúc gia đình. Những năm đầu mới lập gia đình, cuộc sống của vợ chồng anh vô cùng khó khăn. Mất một chân, chân kia cũng bị thương, thế nhưng đến năm 1990, nhờ chính quyền địa phương cấp đất và xây tặng nhà tình nghĩa, anh quyết tâm vươn lên làm ăn, chăm lo cuộc sống gia đình. Từ khi được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tạo điều kiện cho học nghề thợ điện, anh mày mò và cuối cùng cũng thành công. Còn vợ anh làm y sĩ tại Công ty TNHH Hải Ân. Tuy thu nhập không cao nhưng một ít tiền lương thương binh của anh cộng với thu nhập sửa chữa điện gia dụng và khoản lương của vợ anh lúc bấy giờ cũng tạm đủ trang trải cuộc sống hàng ngày.
Hiện tại, thỉnh thoảng có nhiều khách hàng tìm đến anh để kéo đường điện trong nhà hay sửa chữa điện khi hệ thống điện dân dụng hư hỏng. Anh nói: “Tôi không thể leo trèo được nhưng biết vẽ hệ thống đường điện rồi nhờ nhân công kéo giúp. Mỗi công trình sau khi trừ chi phí không đáng bao nhiêu nhưng vẫn đủ trang trải cuộc sống và mừng hơn là giải quyết được 5 lao động nhàn rỗi ở địa phương có việc làm”. Anh kể tiếp, có những khi gặp công trình thi công là gia đình chính sách, anh chỉ làm giùm. Anh nghĩ đơn giản vì họ cùng chung cảnh ngộ với mình. Cứ thế, vợ chồng anh đã có ngôi nhà cấp 4 khang trang, rộng rãi với 500m2 đất trồng cây kiểng xung quanh. “Giờ đây, đối với tôi đáng tiếc nhất là sức khỏe không bảo đảm, khi trái gió trở trời, cơ thể tôi hay đau nhức bởi những mảnh đạn thời chiến tranh để lại. Thậm chí có lúc lên cơn, thấy vậy, tôi phải xây riêng một chỗ thoáng đãng để nghỉ ngơi, không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của vợ con” - anh bùi ngùi chia sẻ. Nói đến đây, anh ngập ngừng rồi cười và tự hào vì trong 3 người con, có 1 con là Nguyễn Quốc Cường tiếp nối truyền thống của cha tình nguyện nhập ngũ ở Tiểu đoàn 146, vùng 4 Hải quân tại quần đảo Trường Sa năm 2010, đến nay đã hoàn thành nhiệm vụ trở về tiếp tục vừa học, vừa làm phụ giúp gia đình, giúp 2 em đến trường.
Bằng nghị lực phi thường, thương binh Nguyễn Văn Hùng đã vươn lên ổn định cuộc sống. Trong gia đình, anh luôn là nguồn cổ vũ, động viên để mọi người an tâm làm việc và học tập thành đạt. Anh Hùng cho biết, tâm nguyện lớn nhất bây giờ của anh là có sức khỏe cùng vợ và các con góp một phần sức lực nhỏ bé của mình vào việc xây dựng hạnh phúc gia đình và xây dựng quê hương.
M.H - T.D