Gặp "huyền thoại" bị chôn sống 72 giờ trong lòng đất
Chủ nhật, ngày 21/03/2010
Để có thể sống sót được sau 72 giờ đồng hồ dài đằng đẵng không cơm ăn nước uống, Nông Văn Sơn đã phải uống chính nước tiểu của mình, và không ngừng hy vọng...
Chết đi sống lại
Anh Nông Văn Sơn sau một ca làm việc dưới hầm lò. Sau nhiều giờ "mai phục", cuối cùng tôi cũng gặp được "huyền thoại sống" của Xí nghiệp than Thành Công (Công ty than Hòn Gai - TKV) khi anh vừa bước lên từ hầm lò thăm thẳm.Đen đúa khói bụi và nhớp nháp mồ hôi, Nông Văn Sơn không có gì khác biệt so với hàng trăm công nhân mỏ vừa trở lên mặt đất. Phải nhờ đến bộ phận bảo vệ trả thẻ cho công nhân tại cửa lò, chúng tôi mới "tóm" được người thợ đã trở thành huyền thoại sống của vùng đất vàng đen sau cuộc hành trình trở về từ "địa ngục".Nghe chúng tôi nhắc lại kỳ tích của 8 năm về trước, Nông Văn Sơn cười hiền lành: "Có gì đâu anh, lúc đấy tôi chỉ nghĩ đến gia đình, nghĩ đến những người thân yêu của mình và luôn lặp đi lặp lại suy nghĩ "Mình phải sống". Hình ảnh bố mẹ tôi cứ hiện lên trước mắt. Thế rồi trời cho sống thật. Nếu bây giờ rơi vào trường hợp tương tự, tôi không hiểu mình còn đủ nghị lực và niềm tin để chống lại cái chết hay không".Lau vội những giọt mồ hôi thấm đẫm bụi than trên khuôn mặt khắc khổ, Sơn hồi tưởng lại những ký ức kinh hoàng mà anh đã trải qua: "Hôm đó, tôi vẫn cùng anh em chuẩn bị xuống hầm lò như bình thường, không có dấu hiệu bất thường nào đáng chú ý hơn so với mọi ngày. Sau khi nộp thẻ cho bảo vệ ở cửa lò, tôi đi sâu vào lòng đất và bắt đầu công việc khai thác của mình. Tôi cũng không xác định được lúc đó là khoảng mấy giờ nhưng bỗng nhiên tôi nghe thấy nhiều tiếng động lớn rền rĩ, đất dưới chân rung chuyển, tiếng người la hét và tất cả xung quanh vụt tối đen. Nghẹt thở vì sức ép của âm thanh và chấn động, tôi lồm cồm bò dậy, cố gắng căng mắt trong bóng tối đặc quánh bụi than để xem có chuyện gì xảy ra. Chỉ khi tận tay sờ thấy đường hầm bị đất đá bịt kín hai đầu, tôi mới dần hiểu ra là hầm lò đã bị sập và tôi đã bị giam kín ở trong đoạn hầm này. Những người thợ chuẩn bị xuống lò. Trong giờ đồng hồ đầu tiên, tôi đã cố gắng đào bới đất đá bằng tay để tìm lối thoát cho mình. Mười đầu ngón tay tôi tóe máu nhưng vẫn không có một tia sáng nào lọt vào được trong hầm. Lúc này tôi bắt đầu thấy khó thở vì dưỡng khí đang ít dần. Càng ngày dưỡng khí càng ít hơn và tôi thấy buồn nôn, chóng mặt, bụng trướng lên như cái trống. Tôi ngất đi lúc nào không biết. Một luồng gió len qua kẽ đá phả thẳng vào mặt khiến tôi bừng tỉnh. Nghe tiếng phá đá âm âm trong lòng đất, tôi biết đội cứu nạn bên ngoài đã xác định được đoạn hầm bị sập nên bơm khí ôxy vào cho tôi thở. Chính ý nghĩ đó làm tôi khỏe hẳn lại và tin rằng mình sẽ được tìm thấy".Tiếp tục lau những giọt mồ hôi vẫn không ngừng chảy trên khuôn mặt đầy khói bụi, anh Sơn kể tiếp: "Khi hầm mới sập, tôi vẫn có thể đứng thẳng và đi lại thoải mái trong đường hầm. Thời gian trôi đi, nóc hầm ngày càng dồn xuống, tôi chỉ còn ngồi rồi nằm nghiêng và cuối cùng là nằm ngửa. Thấy chỗ đất dưới lưng mềm mềm, tôi cố gắng co tay lên để lấy lực ấn mạnh xuống. Mỗi lần ấn như thế, đất dưới lưng lại lún xuống một chút giúp tôi có thể thoải mái hơn. Nhưng rồi ở đường hầm phía dưới chắc người ta tưởng lở trần nên lấy giá chống lên, khiến tôi không thể ấn thêm được chút nào nữa. Lúc này người tôi bị bó cứng trong khe đất hẹp. Tôi lấy những hòn đá nhỏ chèn quanh người để đá không lăn vào và giảm sức ép của nóc hầm đang dồn dần xuống. May sao anh em đồng nghiệp đã tìm thấy tôi trước khi tôi bị chôn vùi hoàn toàn trong đường hầm khủng khiếp đó".Uống nước tiểu chờ được giải cứu Cửa hầm lò nơi anh Nông Văn Sơn đang làm việc. Dù đã gần chục năm trôi qua, nhưng khi nhớ lại những giờ phút đó, tôi vẫn nhận thấy những nét hãi hùng hiện rõ trên khuôn mặt dạn dày sương gió của người thợ mỏ may mắn này. Để có thể sống sót được sau 72 giờ đồng hồ dài đằng đẵng không cơm ăn nước uống, Nông Văn Sơn đã phải uống chính nước tiểu của mình. Sơn bảo: "Khi bước vào nghề thợ mỏ, tôi nghe những bác thợ già nói nước tiểu của người rất tốt, nếu chẳng may bị rơi vào hoàn cảnh sập lò không có đồ ăn thức uống thì có thể uống nước tiểu của mình để tăng thêm sức khỏe, kéo dài sự sống. Chính vì thế khi cổ họng bỏng rang vì khát, tôi đã tiểu ra tay để uống. Đương nhiên là rất khó khăn khi phải uống thứ nước khai nồng do chính mình thải ra nhưng trong khoảnh khắc đối mặt với cái chết, tôi cứ nhắm mắt nín thở mà nuốt cho qua cổ họng. Nhờ 2 lần uống nước tiểu, tôi mới có thể nằm thoi thóp suốt 72 giờ chờ mọi người tìm ra và giải cứu".Sau một loạt mìn nổ rất gần, anh Sơn thấy hòn đá ngay trên đầu chuyển động và ánh đèn pin đầu tiên lóe lên làm 2 con mắt anh nhức buốt. Sợ trần hầm sụp xuống khi bị tác động mạnh, những người cứu nạn chỉ khoét một lỗ nhỏ vừa đủ cho người lọt qua. Họ buộc một cái choòng vào đầu cây sào đưa đến chỗ Sơn cho anh giữ lấy rồi nhẹ nhàng kéo ra ngoài.Khi được đưa ra khỏi hầm lò, chân của Nông Văn Sơn gần như không cử động được vì bị cứng lại do bất động nhiều giờ. Những người công nhân mỏ phải vừa ôm vừa dìu anh đi. Dù đang bị cơn khát cháy cổ hành hạ nhưng anh cũng chỉ được húp nửa bát nước cháo rồi được xe cấp cứu đưa thẳng vào bệnh viện. Sau 2 ngày nằm viện, Sơn tiếp tục về điều trị tại nhà và một tháng sau, người ta đã thấy anh tươi cười nộp thẻ cho phòng bảo vệ để nhận dụng cụ xuống hầm lò. Hỏi về cảm giác của Sơn trong lần đầu "tái xuất" đó, anh cười đơn giản: "Dù mới chết hụt nhưng lần trở lại này tôi thực sự không cảm thấy sợ hãi chút nào. Ngay khi quyết định gắn bó với nghề thợ mỏ, tôi đã xác định sẵn tư tưởng là có thể gặp những rủi ro tồi tệ nhất. Đời người thợ mỏ khai thác dưới hầm lò như đời người lính. Đã ra trận là dám chấp nhận hy sinh. Thế người ta mới có câu ví von, bộ đội thời chiến thì chết rồi nhưng chưa được chôn còn thợ mỏ thời bình thì có thể chôn rồi nhưng chưa chết".Có lẽ cũng vì sự nguy hiểm của nghề mà ngoài 30 tuổi Nông Văn Sơn mới lập gia đình nhưng rồi người phụ nữ đầu gối tay ấp của anh cũng sớm rời bỏ anh ra đi. Giờ đây, Sơn sống cùng người mẹ già khi 6 người anh em của anh đã yên bề gia thất. Anh nhất quyết không rời bỏ hầm lò dù vẫn không ngừng khát khao một hạnh phúc gia đình. Ước mơ đó giản dị như cách nghĩ của anh về nghề thợ mỏ cũng như câu chuyện diệu kỳ đã trở thành huyền thoại của ngành khai thác than và khoáng sản Việt Nam.(Theo Gia đình & Xã hội)