Gặp anh, nhà giáo - cựu chiến sĩ Trường Sa!
Tôi gặp anh, rất tình cờ - trong một chiều cà phê cuối tuần với những đồng nghiệp trẻ của anh. Chuyện trò bên ly cà phê không ngờ lại “ăn theo” vấn đề thời sự về học sử, dạy sử đang “nóng” trên nghị trường Quốc hội. Lại càng bất ngờ hơn khi câu chuyện chuyển hướng “ra khơi” với biển đảo quê hương mà anh là nhân chứng sống. Anh, người chúng tôi đang nói đến là thạc sĩ, nhà giáo Lại Văn Năm, Phó Trưởng khoa Công tác xã hội, trường Đại học Thủ Dầu Một, một cựu chiến binh, từng có mặt tại Trường Sa trong những ngày tháng rực lửa của 27 năm về trước…
(BDO)
Thiếu úy Lại Văn Năm (thứ 4, đứng, từ trái qua) chụp ảnh lưu niệm cùng đồng đội trên tàu HQ 505 trước ngày chiến đấu tại Trường Sa tháng 3-1988...
Nhớ Cô Lin, Gạc Ma những ngày rực lửa…
Mộc mạc, chân tình là cảm nhận của tôi về anh trong lần đầu hàn huyên. Và, câu chuyện về Trường Sa với những Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao trong những ngày tháng rực lửa năm 1988, khi anh đang có mặt, cùng đồng đội bảo vệ chủ quyền đất nước, qua lời anh kể cũng nhẹ nhàng, bình dị như con người anh vậy. Bình thản kể, bình thản đón nhận, dù có thể sẽ hy sinh, như máu xương bao đồng đội của anh đã hòa tan cùng sóng nước Trường Sa năm nào.
Chuyện anh kể, đã 27 năm rồi, nhưng vẫn còn nóng, rất nóng trong thời điểm hiện tại, bởi biển đảo quê hương đang bị ngoại bang rình rập, xâm lấn. Vì lẽ đó, với chúng tôi và những đồng nghiệp trẻ của anh đang sốt ruột muốn nghe. Nhưng anh nói cứ từ từ, đừng vội! Anh nói rằng, từ giã giấy trắng, mực đen của tuổi học trò đầy mơ mộng để khoác lên mình màu áo quân ngũ, với thanh niên Việt Nam, thời nào cũng vậy, chuyện rất đỗi bình thường. Và anh, với bao thanh niên cùng trang lứa, vào bộ đội, được rèn luyện, rồi cầm súng ra bảo vệ biên cương, hải đảo cũng là chuyện bình thường, đó là lẽ sống, là trách nhiệm với giang sơn, Tổ quốc mà ai ai cũng phải gánh vác, không chút đắn đo.
Anh cho biết, sau khi tốt nghiệp trường Sĩ quan Kỹ thuật Hải quân (Nha Trang) năm 1984, anh được biên chế về Đoàn tàu Không số (cũ), nay là Lữ đoàn 125, Binh chủng Hải quân. Địa bàn hoạt động khắp vùng biển Việt Nam, nhưng thời điểm đó, chủ yếu là phục vụ vận tải, phục vụ chiến đấu và trực tiếp chiến đấu khi cần tại quần đảo Trường Sa.
Thời điểm xảy ra trận chiến bảo vệ chủ quyền các đảo Cô Lin, Gạc Ma, Len Đao (thuộc cụm đảo Nam Sinh Tồn) vào ngày 14-3-1988 hẳn không cần phải nhắc đến nhiều bởi nhiều người đã biết. Và, thượng úy Lại Văn Năm, Phó Trưởng ngành cơ điện (ngành 5) tàu HQ505, cùng đồng đội các tàu HQ604, HQ605 đã có mặt để bảo vệ cụm đảo này trước đó vài hôm. Ngày 13- 3-1988, Đội tàu 3 chiếc của Hải quân Việt Nam thẳng hướng đến Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao như chỉ lệnh, bất chấp sự cản hướng của các tàu quân sự nước ngoài.
Trở lại với tàu HQ505, con tàu mà thượng úy Lại Văn Năm đang có mặt, đang thẳng hướng đến Cô Lin. Anh tâm sự rằng, thông qua chỉ huy, anh và đồng đội trên tàu đều đã biết tàu nước ngoài đang có mặt ở cụm đảo này để cản đường. Nhưng tinh thần đã quyết, biển của ta, đảo của ta, tàu HQ505 cùng biên đội cứ rẽ sóng tiến lên để khẳng định chủ quyền. Cô Lin, điểm đến của tàu HQ505, của thượng úy Lại Văn Năm cùng đồng đội đã hiện diện trước tầm nhìn. Tất cả đều trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, bởi chiến sự có thể xảy ra bất cứ lúc nào, thượng úy Lại Văn Năm cho biết vậy.
Và, khoảng 8 giờ sáng ngày 14-3-1988, theo trí nhớ của anh, súng đã nổ trên cụm đảo Nam Sinh Tồn, một vùng biển đảo quê hương đang bị quân thù giày xéo. Máu xương đồng đội đã hòa cùng sóng nước, mà tiêu biểu là 64 liệt sĩ Gạc Ma, nơi kết tinh thành “vòng hoa lửa” bất tử trước họng súng quân xâm lăng. Trong trận chiến này, tàu HQ505 của anh và đồng đội bị bắn thủng, theo lệnh chỉ huy, tất cả cán bộ, chiến sĩ tập trung khắc phục, quyết đưa tàu neo đậu lên đảo Cô Lin. Mục tiêu đó đã hoàn thành, tàu HQ505 ghếch mũi lên gành đá Cô Lin, nửa chìm, nửa nổi, như cột mốc chủ quyền, sừng sững giữa biển cả trùng khơi. Cũng theo lời cựu chiến binh - nhà giáo Lại Văn Năm, trước khi tàu HQ505 “cắm mốc” khẳng định chủ quyền, đã có 3 lá cờ Tổ quốc được chiến sĩ ta cắm xuống Cô Lin trước giờ súng nổ vài tiếng đồng hồ.
Sau trận chiến oanh liệt này, khoảng 19 giờ tối ngày 14-3- 1988, một số đồng đội của anh cắm chốt ở lại bảo vệ đảo, một số lên tàu tiếp ứng HQ931, trong đó có anh, trở về đảo Sinh Tồn. Khoảng một tuần sau, tiếp tục rút về Cam Ranh, rồi sau đó vào Quân cảng TP.Hồ Chí Minh. Điều đặc biệt, khoảng 3 tháng sau anh lại một lần nữa lên tàu trở lại bảo vệ Cô Lin. Đến tháng 10-1988 anh được biên chế về tàu HQ501, làm nhiệm vụ tiếp tế cho Trường Sa…
Nhấp ngụm cà phê đắng trong dòng hồi tưởng về những ngày tháng nóng bỏng năm nào, nhà giáo Lại Văn Năm nghẹn lời rằng, máu đã đổ, xương đã rơi, bao đồng đội anh đã vĩnh viễn nằm lại giữa trùng khơi. Nhưng Cô Lin, Len Đao được bảo vệ vẹn toàn, chỉ còn mỗi Gạc Ma của cụm đảo này và một số điểm đảo khác phải đấu tranh đòi lại cho bằng được, dù có kéo dài bao thế hệ!
Giã từ binh nghiệp, trở thành nhà giáo
Sau 14 năm binh nghiệp, đặc biệt là có những kỷ niệm khó quên với sóng nước Trường Sa, thượng úy Lại Văn Năm ra quân năm 1992. Cũng như nhiều đồng đội khác, trở về cuộc sống đời thường, anh lại nặng gánh gạo cơm, lo toan cho cuộc sống cùng người vợ thân yêu - người cũng có một thời trong quân đội, từng tham gia chiến trường Campuchia và bây giờ cũng là một nhà giáo đang giảng dạy tại một trường đại học ở TP.Hồ Chí Minh.
Chật vật với áo cơm, anh lăn lộn với khá nhiều nghề, làm công nhân cho một doanh nghiệp, rồi làm nhân viên Bảo tàng Chứng tích chiến tranh. Mãi hơn 15 năm sau, khi cuộc sống gia đình dần ổn định, anh mới trở lại với con đường học vấn nâng cao, bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ năm 2009, khi đã gần với tuổi 50. Anh nói rằng, súng ống, kỹ thuật quân sự thì đã thành thuộc, nhưng sau bao năm xa rời đèn sách, trở lại được với học thuật quả là một chặng đường không dễ chút nào.
Nhưng tinh thần ham học, tinh thần người lính Trường Sa đã giúp anh vượt qua tất cả. Bảo vệ xong luận văn thạc sĩ cũng là lúc trường Đại học Thủ Dầu Một thành lập. Như một cơ duyên, anh đầu quân về ngôi trường mới, được giao nhiệm vụ gầy dựng khoa Công tác xã hội, đúng chuyên ngành của anh. Ban đầu chỉ là một bộ môn với hai cán bộ giảng dạy, đến nay khoa có 10 giảng viên, khoảng 500 sinh viên đang theo học. Thành quả đó là công sức chung của cả một tập thể, nhưng trong đó có công sức không nhỏ của anh, thạc sĩ, nhà giáo Lại Văn Năm, Phó Trưởng khoa Công tác xã hội, trường Đại học Thủ Dầu Một hôm nay.
Mải mê chuyện trò, mải mê với những Cô Lin, Gạc Ma, rồi câu chuyện của chúng tôi cũng lại quanh về với chuyện dạy sử, học sử, mà đối tượng cần nói đến là thế hệ những sinh viên của anh bây giờ. Anh nói thật lòng rằng, sinh viên bây giờ đa phần không hiểu biết lịch sử dân tộc. Mà đã không hiểu thì không thể biết được sức mạnh của dân tộc mình. Anh nói rằng, thế hệ trẻ nói chung hãy bỏ bớt chuyện đua đòi, hãy tập trung cho chuyện học hành, bởi thực tế trong quá trình giảng dạy anh biết được rằng, sinh viên ít chú tâm vào bài học mà cứ ôm đồm bao chuyện khác. Thực tế có một lớp trẻ đang hiểu biết khá rộng, nhưng không sâu, hiểu lệch. Đặc biệt, sinh viên cũng rất cần tiếp cận, tìm hiểu văn hóa lịch sử địa phương, nơi ngôi trường mình theo học đang đứng chân.
Tôi hiểu, những lời anh vừa nói với thế hệ trẻ xuất phát từ cái tâm của một nhà giáo, một cựu chiến binh từng trải với mong muốn thế hệ trẻ biết sống với những lý tưởng cao đẹp nhất có thể.
Cuộc hàn huyên rồi cũng đến hồi kết. Chia tay, anh bảo rằng còn vài năm nữa anh sẽ nghỉ hưu khi đúng tuổi, không phải băn khoăn điều gì. Nghỉ dứt khoát để nhường lại cơ hội rèn giũa, phát triển cho lớp trẻ, bởi theo anh tuổi trẻ bây giờ năng động lắm, hãy trao cơ hội. Tổ quốc đang rất cần họ, trên nhiều lĩnh vực, như cần đến thế hệ của anh, của những năm tháng thanh xuân năm nào..
Nhà giáo Lại Văn Năm, sinh năm 1959, quê Hải Phòng, vào bộ đội 1978, đóng quân trên địa bàn Quân khu 3. Cuối 1978 chuyển vào miền Nam, trong khi một số đồng đội làm nghĩa vụ quốc tế tại chiến trường Campuchia, anh lại được điều ra Đặc khu Quảng Ninh, rồi về trường Văn hóa Quân đội, sau đó thi vào trường Đại học Kỹ thuật quân sự năm 1980, về trường Sĩ quan Kỹ thuật Hải quân (Nha Trang) và tốt nghiệp năm 1984. Từ đây anh được biên chế về Đoàn tàu Không số (cũ), nay là Lữ đoàn 125, Binh chủng Hải quân.
CẢNH HƯỞNG