Gạo Lanny Rice: Gạo Việt Nam đạt tiêu chuẩn châu Âu
(BDO)
Người tiêu dùng kiểm tra chất lượng của gạo Lanny Rice. (Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+)
Sáng 28-11, tại Hà Nội, Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất chế biến nông sản Kim Sáng đã ra mắt dòng gạo mới lần đầu tiên có mặt tại thị trường Việt Nam mang thương hiệu "Lanny Rice.” Đây là sản phẩm gạo độc quyền thương hiệu xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam được sản xuất theo tiêu chuẩn châu Âu.
Phát biểu tại buổi lễ bà Thân Thị Lan Ny, Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất chế biến nông sản Kim Sáng cho biết, công ty đã mất rất nhiều thời gian để tiến hành nghiên cứu sàng lọc, lai tạo thành công bộ giống mới có những đặc tính vượt trội trước khi cho gieo trồng thử nghiệm trên những thửa ruộng lớn.
Gạo Lanny Rice được sản xuất từ dòng giống độc quyền của chính Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất chế biến nông sản Kim Sáng nghiên cứu và gieo trồng sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn tại Long An với một quy trình theo dõi kiểm nghiệm nghiêm ngặt.
“Quy trình canh tác theo đúng tiêu chuẩn của Global GAP (thực hành nông nghiệp tốt), HACCP (phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn) được nhanh chóng áp dụng dưới sự theo dõi của các chuyên viên giúp sản phẩm gạo Lanny Rice thuần chủng đảm bảo phẩm chất dinh dưỡng, đảm bảo 61 tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm đề ra và không có dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật, kim loại nặng có hại cho sức khỏe.
Mặt khác, sản phẩm cũng được nghiên cứu kỹ lưỡng đảm bảo các khâu lưu giữ cũng như độ dẻo thơm chất lượng, hạt gạo không sạn thóc, sản xuất theo quy trình khép kín từ khâu giống đến chế biến, mẫu mã bao bì cũng được thiết kế riêng với chất liệu tự nhiên có thể tự tiêu hủy rất thân thiện với môi trường,” bà Lan Ny nhấn mạnh.
Bà Lan Ny chia sẻ thêm, thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam đang gặp khó khăn dồn dập bởi sự cạnh tranh từ những đối thủ như Thái Lan, Ấn Độ, Campuchia… Lý do cố hữu lâu nay khiến gạo Việt lép vế trên thị trường là do không có những thương hiệu gạo Việt mạnh, đồng đều về chất lượng, mà chủ yếu là dòng gạo buôn đại trà phân chia theo tỷ lệ tấm thông dụng. Từ đó, gạo Việt bị ảnh hưởng không nhỏ về giá mà xa hơn là lòng tin của thị trường thế giới.
Chủ trì Tọa đàm với chủ đề “Nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị trong sản xuất lúa gạo thời hội nhập ASEAN và TPP”-chương trình trong khuôn khổ buổi lễ, ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Việt Nam cũng nhận định, gạo là một trong những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, tuy nhiên thị trường, người tiêu dùng trên thế giới lại chưa biết đến thương hiệu gạo Việt do từ trước đến nay người nông dân chỉ chú trọng khâu sản xuất và chế biến mà bỏ quên khâu tiêu thụ.
Theo đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt mục tiêu chung là đưa gạo Việt Nam trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới về chất lượng, an toàn thực phẩm.
“Do đó việc sản xuất theo chuỗi đảm bảo tiêu chuẩn nhằm xây dựng thương hiệu gạo là bước đi hoàn toàn đúng đắn nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Từng doanh nghiệp từng bước xây dựng thương hiệu cho mình để từ đó xây dựng nên thương hiệu mới cho quốc gia,” ông Hùng nói.
Cũng tại buổi lễ Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất chế biến nông sản Kim Sáng cũng đã tiến hành ký kết thỏa thuận hợp tác xuất khẩu gạo với Tổng công ty Thương mại Hà Nội.
Trao đổi tại buổi ký kết, bà Lan Ny cũng bày tỏ mong muốn, phát triển và đưa sản phẩm gạo Lanny Rice đến với không chỉ các thị trường xuất khẩu khó tính như Pháp, Mỹ, Australia, Singapore, Hong Kong, Malaysia… mà còn hướng đến đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân trong nước, xây dựng nên thương hiệu gạo xứng tầm cạnh tranh với các nước xuất khẩu gạo trên quốc tế./.
Theo TTXVN