Gần gũi, lắng nghe, sẻ chia với công nhân lao động

Thứ tư, ngày 20/12/2023

(BDO) Thực hiện Chỉ thị 05-CT/ TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc nhân rộng mô hình “Làm theo Bác”, Đảng ủy Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng đã xây dựng mô hình “Gần công nhân, sát công nhân, lắng nghe và chia sẻ với công nhân”. Từ khi mô hình đi vào hoạt động, công ty có thêm một “kênh” để lãnh đạo gặp gỡ, tiếp xúc, lắng nghe, chia sẻ với công nhân lao động (CNLĐ) nhằm kịp thời động viên, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, giúp CNLĐ yên tâm lao động sản xuất...

Gặp gỡ giữa vườn cây

Trong những năm qua, dù trong điều kiện thuận lợi hay khó khăn, Đảng bộ Nông trường Cao su (NTCS) Bến Súc (trực thuộc Đảng bộ Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng) đều luôn quyết tâm lãnh đạo đơn vị thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Một trong những nguyên nhân để nông trường vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao chính là nhờ phát huy tinh thần đoàn kết và nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ, đảng viên và CNLĐ.

Nông trường Cao su Bến Súc tổ chức bữa ăn sáng chu đáo cho công nhân

Để tạo nên sự đoàn kết, đồng thuận trong đơn vị, bên cạnh việc thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công nhân, Đảng bộ nông trường đã triển khai thực hiện tốt mô hình “Gần công nhân, sát công nhân, lắng nghe và chia sẻ với công nhân”. Bà Lê Thị Phương Bình, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc NTCS Bến Súc, cho biết thời gian qua, ngoài việc tiếp xúc với CNLĐ thông qua hội nghị người lao động hàng năm, lãnh đạo nông trường luôn tổ chức gặp gỡ CNLĐ ngay trên vườn cây để kịp thời nắm bắt tâm tư, ý kiến kiến nghị, những vấn đề bức xúc phát sinh. Thông qua những buổi gặp gỡ, lãnh đạo nông trường đã kịp thời trao đổi, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho CNLĐ như chế độ, chính sách, tiền lương. Đồng thời, lãnh đạo nông trường cũng kịp thời hướng dẫn, uốn nắn những sai sót về quy trình kỹ thuật cạo mủ... Những vấn đề vượt quá thẩm quyền giải quyết của nông trường sẽ được ghi nhận nghiêm túc để chuyển đến lãnh đạo công ty và các cơ quan liên quan xem xét giải quyết và thông báo cho CNLĐ.

Chính nhờ sự gần gũi thường xuyên với CNLĐ đã giúp lãnh đạo nông trường nắm bắt tình hình CNLĐ cũng như hoạt động sản xuất của các đơn vị. Mặt khác, cũng qua các cuộc gặp gỡ, lãnh đạo nông trường và CNLĐ thấu hiểu, chia sẻ để cùng đồng lòng thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Trong 3 năm gần đây, NTCS Bến Súc đều thực hiện vượt kế hoạch sản lượng được giao, tỷ lệ công nhân khai thác được xếp loại kỹ thuật A, B chiếm trên 95%. Cùng với tiền lương, các chế độ, chính sách đều được nông trường quan tâm thực hiện đầy đủ, chính xác, kịp thời cho người lao động theo quy định của công ty.

Duy trì, nâng cao hiệu quả mô hình

Mô hình “Gần công nhân, sát công nhân, lắng nghe và chia sẻ với công nhân” được thực hiện trong toàn công ty từ nhiều năm nay và mang lại kết quả tích cực. Hàng quý, Ban lãnh đạo công ty (thường trực Đảng ủy, Ban Tổng giám đốc, thường trực các tổ chức đoàn thể, trưởng các phòng chuyên môn); Ban lãnh đạo cơ sở đã tổ chức gặp gỡ trực tiếp CNLĐ, nghe trình bày các ý kiến, đề xuất, kiến nghị. Sau đó, lãnh đạo các đơn vị liên quan sẽ trả lời các ý kiến. Kết quả trả lời sẽ có hiệu lực thực hiện ngay sau buổi gặp gỡ với CNLĐ. Ngoài ra, mỗi tháng 2 lần, Ban Tổng giám đốc và các phòng chuyên môn tổ chức đi kiểm tra thực tế vườn cây, nhà máy ở hiện trường sản xuất, lắng nghe các ý kiến đề xuất của đơn vị cơ sở và được giải quyết tại hiện trường.

Song song đó, các tổ chức đoàn thể trong công ty cũng thường xuyên tổ chức các buổi gặp gỡ đoàn viên, tham quan vườn cây, trao đổi tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên; sau đó tổng hợp kết quả gặp gỡ, báo cáo cho Đảng ủy, Ban Tổng giám đốc công ty giải quyết theo chương trình công tác và báo cáo kết quả giải quyết cho các đơn vị cơ sở để thông báo đến CNLĐ.

Theo Đảng ủy công ty, qua thực hiện mô hình “Gần công nhân, sát công nhân, lắng nghe và chia sẻ với công nhân”, toàn công ty đã tổ chức đối thoại định kỳ hàng chục lần (thông qua hội nghị người lao động các cấp và đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo với CNLĐ), có hàng ngàn lượt CNLĐ tham gia với hàng trăm ý kiến được Ban lãnh đạo các cấp trả lời thỏa đáng. Qua các cuộc gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với CNLĐ, lãnh đạo công ty lắng nghe và giải quyết kịp thời các ý kiến, kiến nghị chính đáng, hợp pháp của công nhân; quan tâm giải quyết đầy đủ, kịp thời tiền lương, thưởng và các chế độ, chính sách của công nhân; chăm lo đời sống tinh thần của CNLĐ thông qua việc tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ - thể dục thể thao, ngày hội văn hóa công nhân cao su Dầu Tiếng. Qua đó, chia sẻ với những công nhân khó khăn bằng những phần quà, suất trợ cấp, những ngôi nhà mái ấm công đoàn, hỗ trợ cho công nhân vay vốn trả góp không tính lãi suất để sửa chữa nhà... Từ đó, CNLĐ tích cực phấn đấu, thi đua trong lao động sản xuất, cộng đồng, gắn kết trách nhiệm cùng công ty vượt qua những khó khăn, thách thức để công ty luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được giao.

Xuất phát từ quan điểm nhất quán và sâu sắc của Ban Chấp hành Đảng bộ công ty, đó là CNLĐ là nguồn tài sản vô cùng quý giá; là lực lượng chính giúp cho công ty hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh, tạo ra doanh thu, lợi nhuận, hoàn thành các nghĩa vụ đối với Nhà nước; trong thời gian tới, Đảng ủy công ty sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo duy trì và nâng cao chất lượng mô hình “Gần công nhân, sát công nhân, lắng nghe và chia sẻ với công nhân”. Việc thực hiện mô hình sẽ chú trọng giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở; ghi nhận những ý kiến từ CNLĐ và đề ra các quy định và các chính sách phù hợp với điều kiện làm việc, sinh hoạt của người lao động, chia sẻ các khó khăn với người lao động, tạo được sự tin tưởng, gắn bó của CNLĐ với sự lãnh đạo của Đảng ủy công ty.

Thông qua mô hình “Gần công nhân, sát công nhân, lắng nghe và chia sẻ với công nhân” đã phát huy được truyền thống đoàn kết nội bộ, tạo sự đồng thuận trong CNLĐ, sự đồng hành và chia sẻ giữa CNLĐ và công ty, giữa công ty và CNLĐ; từ đó làm cho CNLĐ yên tâm gắn bó với công ty, sẵn sàng cùng công ty vượt qua khó khăn, thách thức. Ngược lại, công ty có điều kiện chăm lo phúc lợi xã hội cho người lao động, tạo nhiều chính sách phù hợp với điều kiện làm việc và sinh hoạt của CNLĐ và cộng đồng.

TRÍ DŨNG