Gần dân, biết lắng nghe dân
Tuần vừa qua, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tiếp xúc cử tri ở các huyện, thị. Đây là dịp để người dân phát huy quyền làm chủ của mình trong bày tỏ nguyện vọng, đóng góp ý kiến tâm huyết, phản ánh những điều còn trăn trở... Đây cũng là dịp cho các đại biểu tiếp cận, gần dân - sát dân - lắng nghe dân; thông qua đó nắm bắt thực tiễn cuộc sống sinh động, hiểu rõ ý nguyện lòng dân. Tất nhiên, có không ít ý kiến bức xúc của người dân mà đại biểu cần cảm thông, đặt mình trong hoàn cảnh của họ để đồng cảm thì mới tìm ra quyết sách phù hợp với tình hình, tạo tâm lý hài hòa lợi ích chung, riêng, tranh thủ sự đồng thuận của người dân.
Muốn hiểu thì phải nghe và để được nghe thì cán bộ phải biết lắng nghe với thái độ tôn trọng, cầu thị để khuyến khích người dân vượt qua nỗi e dè, sợ sệt để nói. Không ra vẻ kẻ cả bề trên, không phủ định ngay và đừng chụp mũ; đặc biệt cần quan tâm lắng nghe ý kiến có tính phản biện, trái chiều. Phải thực sự lắng nghe để người dân thấy rằng ý kiến của họ được trân trọng và tiếp thu đầy đủ. Bác Hồ đã từng nói: Lòng yêu nước như của quý người ta cất giấu ở trong rương, trong hòm; bổn phận của Đảng là phải động viên, khích lệ, mời gọi để người ta vui lòng trưng bày nó ra, hiến dâng cho đất nước... Chính vì vậy, cả người nghe và người góp ý đều phải chân thành, đúng mực, thể hiện đủ đầy tinh thần trách nhiệm trong cách nói - cách nghe.Bản chất của chế độ ưu việt là thực hiện tốt quyền làm chủ của nhân dân, thế nên coi trọng dân chủ, phản biện xã hội là yếu tố quan trọng để xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp; bởi thế mà Nhà nước đã tạo ra nhiều cơ chế, cách thức khác nhau để người dân phát huy quyền làm chủ của mình. Để ý mà xem, gần đây các chất vấn trong những kỳ họp Quốc hội, HĐND... khá thẳng thắn, sôi nổi, có tính phản biện cao... đã thu hút đông đảo người dân quan tâm, theo dõi sát hoạt động ở nghị trường.
Xã hội ngày càng phát triển tất yếu nảy sinh nhiều ý kiến khác nhau để đấu tranh phát triển là lẽ thường. Lắng nghe ý kiến phản biện là tốt, song cách tổ chức để nghe cũng đừng hình thức “chiếu lệ, qua loa”, nghe xong cần phân tích để có quyết sách vận dụng cho phù hợp và nhất thiết phải có hồi đáp - để người dân thấy rằng ý kiến của họ được tôn trọng, quan tâm sâu sắc. Xem ra “gần dân, biết lắng nghe dân” quả là tiêu chí cần thiết, đối với đội ngũ cán bộ hiện nay trên bước đường xây dựng đất nước.
* THANH NHÀN