Gần 3.500 ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân gửi đến Quốc hội
(BDO)
Toàn cảnh phiên khai mạc. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đọc Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân gửi tới Quốc hội.
Theo báo cáo, chuẩn bị Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp được 3.463 ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội. Trong đó, 1.004 ý kiến, kiến nghị của cử tri được phản ánh qua các Đoàn đại biểu Quốc hội; 2.459 ý kiến, kiến nghị của nhân dân được phản ánh qua hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên Mặt trận ở Trung ương.
Cử tri, nhân dân cả nước phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vai trò điều hành, quản lý của Nhà nước. Mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, song tình hình kinh tế-xã hội những tháng đầu năm 2018 tiếp tục đạt được những kết quả tích cực.
Cử tri, nhân dân ghi nhận, đánh giá cao những đổi mới của Quốc hội, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đáp ứng nguyện vọng của cử tri, nhân dân; vui mừng nhận thấy sự khẩn trương, nghiêm túc của Chính phủ trong việc chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, chủ động, sáng tạo, hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội; chăm lo tốt hơn đời sống nhân dân; xử lý "trúng" những vấn đề phức tạp, "điểm nóng" gây bức xúc trong xã hội; nỗ lực, quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cử tri, nhân dân vẫn còn nhiều băn khoăn, lo lắng về một số vấn đề như: Trong nước, nền kinh tế vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, việc cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn chậm, năng suất lao động thấp, năng lực cạnh tranh chưa cao. Tình trạng thua lỗ, thất thoát ở nhiều doanh nghiệp, dự án của Nhà nước; một số nơi kỷ luật, kỷ cương bị buông lỏng.
Bên cạnh đó, thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến khó lường, có xu hướng tác động xấu hơn đến sản xuất, đời sống của nhân dân.
Tình trạng vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, phòng, chống cháy, nổ, sự xuống cấp về đạo đức trong xã hội, tình trạng tội phạm, bạo lực gia đình, bạo lực học đường, xâm hại trẻ em... diễn biến phức tạp, gây nhiều lo lắng, bất an trong nhân dân.
Thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế
Cử tri, nhân dân hoan nghênh Chính phủ, nhiều bộ, ngành đã quan tâm thực hiện cải cách, đơn giản hóa các thủ tục, điều kiện sản xuất kinh doanh, tăng cường tính công khai, minh bạch trong môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân.
Tuy nhiên, cử tri, nhân dân phản ánh còn một số bộ, ngành, chính quyền địa phương chưa thực sự quyết tâm cải cách hành chính hoặc thực hiện còn chậm và kết quả chưa rõ nét. Cử tri, nhân dân đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt cải cách thủ tục hành chính.
Người đứng đầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp cần xác định rõ trách nhiệm thực hiện, thường xuyên báo cáo, công khai kết quả thực hiện để cử tri, nhân dân biết, giám sát.
Cử tri, nhân dân phấn khởi trước những kết quả đạt được của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, cử tri, nhân dân một số địa phương phản ánh việc nông dân "không còn thiết tha" với đồng ruộng, môi trường kinh doanh nông nghiệp chưa hấp dẫn, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất còn hạn chế, công nghiệp chế biến phát triển chậm.
Cử tri, nhân dân đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các cơ quan hữu quan tiếp tục đẩy mạnh việc cơ cấu lại nền nông nghiệp, quy hoạch các vùng sản xuất, quan tâm hỗ trợ việc chuyển giao khoa học-kỹ thuật; mở rộng thị trường tiêu thụ; kịp thời thông tin về thị trường cho nông dân; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao; tổ chức thực hiện hiệu quả hơn các chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp; phát triển, nâng cao chất lượng các hợp tác xã kiểu mới để thực sự là hạt nhân trong chuỗi liên kết, thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân.
Cử tri, nhân dân băn khoăn, lo ngại trước tình trạng sản xuất, lưu thông hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường; buôn lậu qua biên giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Tình trạng sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ, gây hại cho sức khỏe nhân dân.
Cử tri, nhân dân đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền các địa phương tăng cường công tác quản lý thị trường, kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất, lưu thông và sử dụng; làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm.
Các cơ quan chức năng sớm rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật theo hướng cụ thể các điều cấm và tăng nặng hơn mức xử phạt các vi phạm, khắc phục tình trạng chồng chéo, không rõ trách nhiệm trong phân công quản lý an toàn thực phẩm, tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật.
Lên án hành vi thiếu chuẩn mực đạo đức
Cử tri, nhân dân phản ánh tình trạng sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thuốc giả, thuốc kém chất lượng hoặc không rõ nguồn gốc, trong đó có cả thuốc kháng sinh, thuốc chữa bệnh ung thư giả vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ, gây bức xúc trong nhân dân.
Cử tri, nhân dân đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất thuốc, quản lý chặt chẽ nhập khẩu và kinh doanh thuốc trên thị trường, xử lý nghiêm các vi phạm.
Cử tri, nhân dân phản ánh, bức xúc về tình trạng người nhà bệnh nhân có hành vi bạo lực đối với bác sỹ, nhân viên y tế. Cử tri đề nghị Bộ Y tế, Bộ Công an, chính quyền địa phương, các cơ sở y tế khẩn trương có giải pháp để đảm bảo an ninh, an toàn trong các cơ sở khám, chữa bệnh; nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của đội ngũ bác sỹ, nhân viên y tế.
Cử tri, nhân dân ghi nhận những nỗ lực đổi mới của ngành giáo dục trong việc dạy-học; chấn chỉnh công tác xét duyệt, công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư. Tuy nhiên, cử tri, nhân dân phản ánh chất lượng dạy - học ở một số cơ sở giáo dục, trường học còn hạn chế, chạy theo thành tích. Việc quản lý đào tạo sau đại học, cấp, quản lý bằng, chứng chỉ còn lỏng lẻo. Còn nhiều hạn chế trong công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng và tổ chức thi trung học phổ thông.
Cử tri, nhân dân đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm hơn nữa việc nâng cao chất lượng đào tạo ở tất cả các cấp học, quản lý chặt chẽ hơn trong đào tạo, cấp chứng chỉ đào tạo; khẩn trương rà soát, chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức kỳ thi trung học phổ thông, tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2018.
Cử tri, nhân dân một số địa phương lo lắng về thái độ, hành vi ứng xử của một số học sinh, giáo viên, phụ huynh đã làm xấu hình ảnh người thầy và truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc.
Cử tri đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chú trọng giáo dục đạo đức nghề nghiệp, chuẩn mực sư phạm cho giáo viên, có giải pháp cụ thể phối hợp giữa gia đình, nhà trường, các cơ quan, tổ chức để giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên.
Các bộ, ngành có liên quan, các đoàn thể, chính quyền các địa phương tăng cường tuyên truyền để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, cộng đồng, lên án mạnh mẽ những hành vi thiếu chuẩn mực đạo đức; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Xử lý nghiêm hành vi gây ô nhiễm môi trường
Cử tri, nhân dân ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ trong chỉ đạo chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai, tài nguyên. Tuy nhiên, cử tri, nhân dân tiếp tục phản ánh về công tác quản lý đất đai của một số địa phương chưa chặt chẽ, các dự án quy hoạch chưa được công khai, việc thu hồi đất thiếu minh bạch...
Cử tri đề nghị lãnh đạo chính quyền địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tăng cường đối thoại, triển khai các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, đảm bảo đúng quy định về quản lý nhà nước và quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.
Cử tri đánh giá cao việc Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương chấn chỉnh, xử lý tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép, chặt phá, hủy hoại rừng. Tuy nhiên, cử tri, nhân dân vẫn lo lắng, bất bình trước nạn khai thác cát, sỏi không phép, trái phép tiếp tục hoành hành ở một số địa phương. Việc chặt phá, hủy hoại rừng tự nhiên vẫn diễn ra công khai ở một số nơi.
Cử tri, nhân dân cho rằng những vụ việc trên xảy ra trong thời gian dài mà không được xử lý triệt để là có dấu hiệu của sự bao che, tiếp tay của một số cán bộ ở địa phương, là biểu hiện của "lợi ích nhóm," đề nghị cần có biện pháp xử lý kiên quyết, nghiêm minh.
Cử tri, nhân dân ở nhiều địa phương lo lắng, bức xúc trước tình trạng ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm các dòng sông như lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy, sông Cầu, sông Đồng Nai-sông Sài Gòn. Việc xả rác thải sinh hoạt, chất thải trong sản xuất, chăn nuôi và ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp, các làng nghề, khu dân cư vẫn chưa được khắc phục.
Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng có giải pháp kịp thời để giải quyết triệt để tình trạng nêu trên; phát hiện, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức, cơ sở vi phạm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Quản lý chặt việc sử dụng ngân sách, tài sản công
Cử tri, nhân dân tiếp tục thể hiện sự tin tưởng, kỳ vọng vào quyết tâm chính trị, hành động quyết liệt của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí. Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã được xử lý nghiêm, không có "vùng cấm," kể cả đối với cán bộ lãnh đạo cao cấp, cán bộ đương chức hay cán bộ đã nghỉ hưu.
Cử tri, nhân dân mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở các cấp, các ngành, các địa phương, cơ sở, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, thường xuyên của cả hệ thống chính trị.
Cử tri, nhân dân phản ánh tình trạng lãng phí vẫn xảy ra trong một số lĩnh vực; đề nghị Chính phủ chỉ đạo quản lý chặt chẽ việc sử dụng ngân sách, tài sản công; nâng cao trách nhiệm, ý thức của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Bảo đảm trật tự, an toàn xã hội
Cử tri, nhân dân đánh giá cao nỗ lực, sự quyết tâm của các cơ quan chức năng trong bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, cử tri, nhân dân nhiều địa phương còn lo lắng trước tình trạng tội phạm giết người, cướp của, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng ma túy vẫn diễn biến phức tạp; đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an, các bộ, ngành chức năng, chính quyền địa phương có các biện pháp kiên quyết, kịp thời đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, cuộc sống bình yên của nhân dân; quan tâm hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân và cộng đồng.
Công tác bảo đảm an ninh mạng, quản lý công nghệ thông tin còn bộc lộ hạn chế, sơ hở để tội phạm công nghệ cao lợi dụng, thể hiện rõ nhất là vụ đánh bạc qua mạng Internet, liên quan đến nhiều đối tượng ở nhiều địa phương, thu giữ hàng ngàn tỷ đồng.
Cử tri, nhân dân bất bình trước hành vi của một số cán bộ công an, kể cả cán bộ cấp cao thiếu tinh thần trách nhiệm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn tiếp tay cho tội phạm.
Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an và các bộ, ngành chức năng tiếp tục tăng cường hơn công tác quản lý thông tin, bảo đảm an ninh mạng, khẩn trương rà soát, chấn chỉnh để chấm dứt tình trạng này.
Cử tri, nhân dân lo lắng, bất an trước tình trạng cháy, nổ xảy ra liên tiếp ở các khu chung cư, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, hộ gia đình, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng về người, tài sản. Cử tri đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống cháy, nổ; rà soát, kiểm tra những cơ sở, dự án, khu chung cư, nhà cao tầng về phòng cháy, chữa cháy.
Các bộ, ngành làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, chủ các cơ sở, doanh nghiệp, ban quản trị, ban quản lý các khu chung cư, nhà cao tầng, nhất là của các cơ quan quản lý về công tác phòng, chống cháy, nổ và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Cử tri, nhân dân hoan nghênh việc Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo dừng các dự án chung cư, căn hộ nhà cao tầng ở khu vực trung tâm các thành phố lớn, phát triển các khu đô thị vệ tinh để điều phối, bố trí lại dân cư nhằm giảm tải áp lực về hạ tầng giao thông…
Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo chính quyền các tỉnh, thành phố tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch phù hợp, quản lý chặt chẽ việc cấp phép xây dựng, giám sát việc thực hiện các dự án, công trình xây dựng, xử lý nghiêm đối với các trường hợp chung cư xây dựng sai phép, sai quy hoạch, tránh tình trạng "việc đã rồi" mới giải quyết, khắc phục hậu quả.
Kiện toàn hệ thống chính trị
Cử tri, nhân dân quan tâm, hoan nghênh việc thực hiện các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII), nhất là Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW; mong muốn việc thực hiện sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế cần có lộ trình, đảm bảo sự đồng bộ, tính khả thi và liên thông trong hệ thống chính trị; cần tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả thí điểm trước khi thực hiện trong cả nước.
Cử tri, nhân dân ủng hộ quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc rà soát, phát hiện, thu hồi các quyết định bổ nhiệm cán bộ sai quy trình, thiếu tiêu chuẩn, đồng thời kỷ luật nghiêm đối với nhiều cán bộ vi phạm. Tuy nhiên, việc làm trái các quy định về công tác cán bộ, thực hiện bổ nhiệm sai quy trình, thiếu tiêu chuẩn còn tồn tại ở một số ngành, địa phương.
Cử tri, nhân dân đề nghị Đảng, Nhà nước chỉ đạo quyết liệt hơn đối với việc kiểm tra, rà soát công tác cán bộ trong cả nước; xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm, công khai để nhân dân biết, giám sát.
Cử tri, nhân dân hoan nghênh Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 Khóa XII đã thông qua các Nghị quyết quan trọng, nhất là Nghị quyết về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp; mong muốn Đảng, Nhà nước chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết này để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu của đất nước trong giai đoạn tới; chú trọng việc kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, xử lý nghiêm các sai phạm.
Cử tri, nhân dân còn phản ánh, lo ngại về một số vấn đề như: Một số nhóm, cá nhân với danh nghĩa "Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ" lôi kéo, tuyên truyền những nội dung mê tín dị đoan, trái thuần phong mỹ tục, gây mất an ninh, trật tự xã hội, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân ở một số địa phương.
Một số đối tượng lợi dụng chính sách đối với người có công, người bị nhiễm chất độc da cam để "trục lợi." Nhiều sinh viên tốt nghiệp chưa có việc làm. Nhiều vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng...
Để các Nghị quyết của Đảng sớm đi vào cuộc sống
Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Quốc hội, Chính phủ khẩn trương thể chế hóa, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương Đảng, nhất là các Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 5, 6, 7 (Khóa XII) về phát triển kinh tế, tổ chức và cán bộ, về cải cách chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, để các Nghị quyết của Đảng sớm đi vào cuộc sống như mong đợi của cử tri, nhân dân.
Quốc hội, các đại biểu Quốc hội phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm đối với những vấn đề quan trọng được đưa ra thảo luận tại Kỳ họp. Quốc hội tiếp tục đổi mới công tác tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội theo hướng tăng cường tiếp xúc thường xuyên, tiếp xúc chuyên đề, theo đối tượng, trực tiếp ở cơ sở để đông đảo cử tri có điều kiện gặp gỡ, tiếp xúc, thể hiện tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của mình.
Quốc hội, Chính phủ có chính sách, cơ chế và chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp tăng cường quan tâm tới nông nghiệp, nông dân, nông thôn; hỗ trợ chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân; quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh; mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu nông sản; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là đầu tư cho nông nghiệp sạch, công nghệ cao; phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới.
Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt cải cách hành chính, giảm thủ tục, giảm thời gian giải quyết, đơn giản hóa thủ tục hành chính đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở, ở mọi cấp, ngành, cơ quan, đơn vị. Các bộ, ngành, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố cần sớm hoàn thành bộ tiêu chuẩn đánh giá mức độ cải cách hành chính. Thực hiện công khai, minh bạch, tăng khả năng tiếp cận của người dân và doanh nghiệp. Xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ từ tư duy đến hành động.
Đảng, Nhà nước tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện các giải pháp mạnh mẽ, hiệu quả hơn về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; chỉ đạo các cơ quan bảo vệ pháp luật kiên quyết xử lý nghiêm những người có hành vi tham nhũng, lãng phí; tăng cường hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, lãng phí; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, chính quyền các cấp.
Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền địa phương nghiêm túc rà soát, điều chỉnh các quy hoạch, tổ chức quản lý, thực hiện nghiêm các quy hoạch đô thị, cấp phép xây dựng; kiên quyết xử lý dứt điểm các vi phạm thời gian qua.
Các bộ, ngành tăng cường kiểm tra chất lượng, công tác quản lý các dự án khu chung cư, nhà cao tầng; phòng, chống cháy, nổ, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân và cộng đồng; làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các vi phạm của chủ đầu tư, cơ quan quản lý để xảy ra cháy, nổ.
Về tình trạng khai thác cát, sỏi không phép, trái phép, chặt phá rừng, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, có giải pháp mạnh mẽ hơn, làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương còn để xảy ra vi phạm; xử lý nghiêm, kiên quyết hơn đối với những cá nhân, tổ chức thiếu trách nhiệm, bao che cho các đối tượng vi phạm./.
Theo TTXVN