Gác tình thân, cha con cùng ra trận…
(BDO) Hưởng ứng lời kêu gọi của chính quyền địa phương và các cấp, hàng trăm y, bác sĩ về hưu cũng như đang hoạt động tại các cơ sở y tế tư nhân đã xung phong vào tuyến đầu chống dịch. Đặc biệt, trong số đó, có không ít trường hợp là cả vợ chồng, có trường hợp cả cha và con cùng động viên nhau tham gia vào tuyến đầu.
Bác sĩ Nguyễn Văn Hoa đang tham gia điều trị cho bệnh nhân tại Trung tâm Y tế huyện Phú Giáo
Cha con bác sĩ Nguyễn Văn Hoa ở huyện Phú Giáo là một trong số đó. Bác Sĩ Hoa là bác sĩ chuyên khoa 1, công tác tại huyện Phú Giáo được 30 năm nay. Khi vừa về hưu được vài tháng thì xảy ra dịch bệnh, bác sĩ Hoa đã quay lại với công việc hàng ngày. “Lúc đầu tôi xung phong vào tuyến đầu theo lời kêu gọi của Chủ tịch nước cũng như lãnh đạo địa phương, đó là trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Tuy nhiên khi tôi quay lại, những đồng nghiệp công tác chung nhiều năm tại Phú Giáo biết tôi tuổi đã cao, cũng có bệnh nền nên không yên tâm để tôi vào khu điều trị Covid-19, họ giao công việc nhẹ hơn là đi tiêm ngừa Covid-19, khám sàng lọc. Hôm nào không đi thì trực chiến tại Trung tâm Y tế huyện Phú Giáo để khám và điều trị các bệnh thông thường. Mình đảm nhiệm việc này để thay cho các bác sĩ trẻ, họ xung phong vào khu điều trị Covid-19”, bác sĩ Hoa nói.
Bác sĩ Hoa cho rằng mình đảm nhận việc nhẹ nhưng thật sự không nhẹ chút nào. Bởi hơn tháng nay, ngày nào cũng đi sớm về khuya để chăm sóc bệnh nhân, đi khám sàng lọc, tiêm ngừa Covid-19 theo phân công địa phương rất vất vả. Tuy nhiên, bác sĩ Hoa tâm sự: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai...; hàng ngàn y, bác sĩ từ các tỉnh, thành đã xung phong vào vùng dịch trong 2 tháng qua, bản thân mình cũng là 1 bác sĩ chuyên khoa, còn sức khỏe sao có thể ngồi yên ở nhà, nhìn quê hương bị dịch bệnh hoành hành. Bản thân tôi cũng từng nghĩ, nếu không may mà phải hy sinh cho nghề nghiệp thì cũng xứng đáng thôi, không có gì hối tiếc”.
Trước đó, con gái bác sĩ Hoa là bác sĩ Nguyễn Trần Thiên Phúc (25 tuổi), công tác tại Khoa nội tiêu hóa Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức cũng đã xung phong vào vào tuyến đầu chống dịch tại TP.Hồ Chí Minh.
Theo tháp điều trị 5 tầng bệnh Covid-19 của TP.Hồ Chí Minh, bác sĩ Phúc đang làm việc tại tầng 4, thuộc tầng dành cho bệnh nhân nặng. “Đã nhiều tháng qua, Phúc không được về nhà, do công việc rất nặng nhọc nên lâu lâu mới có thời gian gọi điện về nhà hỏi thăm bố mẹ vài câu. Mình làm bố cũng chỉ biết cầu mong cho con có đủ sức khỏe, nghị lực để vượt qua trong giai đoạn này. Do chăm sóc người bệnh nặng trong thời gian dài, nên cháu Phúc cũng đã có nhiều kinh nghiệm điều những ca bệnh nặng. Có thời gian, bố con tôi vẫn trao đổi với nhau về chuyên môn. Từ kinh nghiệm của cháu, tôi cũng học hỏi thêm, truyền đạt lại cho các y, bác sĩ tại địa phương, để ứng phó với những ca bệnh nặng được tốt hơn”, bác sĩ Hoa chia sẻ.
Theo tiếng gọi con tim, nhiều gia đình làm nghề y trên địa bàn tỉnh đã gác lại công việc, niềm hạnh phúc riêng tư để xung phong vào tuyến đầu, bất chấp hiểm nguy. Vợ chồng của bác sĩ trẻ Nguyễn Thế Hiền, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Y tế TX.Bến Cát cũng không đứng bên lề cuộc chiến chống dịch. Do có con nhỏ, vợ chồng bác sĩ Hiền thay phiên để tham gia công việc. Thời gian gần đây, khi dịch bệnh trên diễn biến phức tạp, cả 2 vợ chồng gửi lại con nhỏ cho người thân chăm sóc để lao vào cuộc chiến chống dịch. Mỗi ngày phải rảo khắp các xã, phường để lấy mẫu, tiêm ngừa Covid-19 và cả khâu điều trị. Bác sĩ Hiền tâm sự: “Ngày trước tôi xin nghỉ việc Nhà nước ra ngoài làm, để có thêm thời gian học tập, nâng cao kiến thức nghề nghiệp. Tuy nhiên, khi địa phương cần thì chúng tôi quay lại ngay, đó không chỉ là công việc mà còn là trách nhiệm của bản thân với quê hương, với nghề nghiệp mình đã lựa chọn...”.
Quang Tám