Gác chuyện gia đình, xung phong vào “vùng đỏ”

Thứ hai, ngày 11/10/2021

(BDO) Họ từng mang nỗi ám ảnh về cái chết khi xung quanh đã có người quen ra đi vì dịch bệnh. Vượt qua nỗi sợ hãi và giới hạn của bản thân, họ đã trở thành tình nguyện viên và xông pha vào cuộc chiến “chống dịch như chống giặc”. Có người đã trở thành F0 khi đang thực hiện nhiệm vụ nhưng vẫn mong muốn đóng góp cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của tỉnh Bình Dương.


Lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh cảm ơn và chia tay các bạn tình nguyện viên là công nhân sau thời gian tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh trở về địa phương tiếp tục công việc

Lao vào “vùng đỏ”

Chị Vũ Thị Thu Hà (sinh năm 1970, Chủ tịch Công đoàn trường Mầm non Tuổi Xanh) là tình nguyện viên có thâm niên trong cuộc chiến chống dịch tại Bình Dương. Bước ra từ “ổ dịch” tại khu phố 7, phường Chánh Nghĩa (TP. Thủ Dầu Một), thay vì lo lắng “cố thủ” trong nhà thì chị Hà lại đăng ký làm tình nguyện viên để giúp bà con xóm mình nói riêng và người dân trên địa bàn tỉnh nói chung.

Thời điểm Bình Dương bắt đầu thực hiện phương án “khóa chặt, đông cứng” tại 11 phường thuộc 2 địa bàn TX.Tân Uyên và TP.Thuận An, chị Hà có mặt trong đoàn tình nguyện viên đi lấy mẫu xét nghiệm tại TP.Thuận An. Trong những ngày đi lấy mẫu xét nghiệm “thần tốc”, sàng lọc F0 tại các địa phương, chị thường động viên, trấn an tâm lý cho người dân. Việc này giúp họ từ bỏ ý định trốn xét nghiệm khi được gọi đi lấy mẫu.

Khi Bình Dương chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, chị Hà vẫn không cho phép mình được nghỉ ngơi. Những ngày đầu tháng 10, chị tiếp tục đăng ký làm tình nguyện viên hỗ trợ nhập dữ liệu tại các điểm tiêm vắc xin trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một. Chị tâm sự: “Khi chứng kiến nhiều người nhiễm Covid-19, trái tim tôi mách bảo phải làm gì đó để giúp mọi người. Vì thế tôi đã đăng ký trở thành một tình nguyện viên. Tôi nghĩ giúp được gì thì giúp. Mình còn thở, còn có sức khỏe thì cứ đóng góp một phần nhỏ để giúp khu phố, bà con mình cùng vượt qua khó khăn”.

Cũng như chị Hà, anh Nguyễn Quang Phước (sinh năm 1989, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã An Thái, huyện Phú Giáo) là một trong hai cán bộ xã đăng ký làm tình nguyện viên với mong muốn đóng góp chút sức lực cho công tác phòng chống dịch bệnh của tỉnh nhà. Rồi đến một ngày anh Phước cảm thấy cơ thể có dấu hiệu bất ổn. Qua xét nghiệm, anh bị nhiễm Covid-19. Hiện anh Phước đang điều trị tại khu cách ly xã Phước Hòa (huyện Phú Giáo). Anh Phước chia sẻ: “Những ngày làm tình nguyện viên tại “vùng đỏ” đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng khó phai. Tôi đã chứng kiến nhiều hoàn cảnh khó khăn trong đại dịch. Tôi ấn tượng nhất là trường hợp người mẹ là nữ công nhân phải rời đứa con thơ để đi cách ly vì nhiễm bệnh. Vì không có người thân nên đứa bé phải nhờ một người quen trông giùm. Bản thân tôi phải rời xa vợ con, cha mẹ già, cũng rất nhớ thương gia đình. Tôi cố gắng điều trị thật tốt để sớm trở về với gia đình; trở về với địa phương vận dụng kỹ năng đã được tập huấn và thực hành thời gian qua để chung tay cùng địa phương đẩy lùi dịch bệnh”.

Khi công nhân làm tình nguyện viên

Để chung tay cùng các lực lượng tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã huy động hơn 1.000 tình nguyện viên với lực lượng nòng cốt là cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động trong tỉnh. Lực lượng đã phân chia thành nhiều tổ, thực hiện nhiều nhiệm vụ như hỗ trợ tiêm vắc xin, lấy mẫu, chuyển phát lương thực, nhu yếu phẩm, trực chốt, nhập liệu...

Từ ngày 20 đến 30-9, LĐLĐ tỉnh đã vận động 5 công đoàn cấp trên và 3 công đoàn cơ sở kêu gọi được 560 tình nguyện viên chia làm 180 đội xuống hỗ trợ cho 3 địa phương “vùng đỏ” thực hiện xét nghiệm “thần tốc”, sàng lọc F0 ra khỏi cộng đồng. Tính đến ngày 6-10, lực lượng tình nguyện viên này đã hoàn thành việc hỗ trợ địa phương và trở về nhà hoặc nhà trọ.

Trong hàng trăm tình nguyện viên là công nhân có vợ chồng chị Phan Thị Kim Lụa (sinh năm 2000, quê An Giang) và anh Nguyễn Văn Sỹ (sinh năm 1998, quê Kiên Giang) đều là công nhân Công ty Thông Dụng (phường An Phú, TP.Thuận An). Khi dịch bệnh vừa bùng phát, đứa con của họ đã nhiễm Covid-19. Để chăm sóc cho con nhỏ trong thời gian điều trị, chị Lụa chấp nhận vào khu cách ly, bất chấp nguy cơ lây nhiễm. Kết quả, chị Lụa đã nhiễm Covid-19. Sau khi khỏi bệnh, chị và chồng gửi con cho người thân chăm sóc để đăng ký làm tình nguyện viên tham gia lấy mẫu xét nghiệm trên địa bàn TP.Thuận An và TX.Tân Uyên.

Trong quá trình đi làm “tình nguyện”, một lần nữa chị Lụa lại bị nhiễm Covid-19. Do bệnh không chuyển biến nặng nên chị Lụa tự cách ly tại nhà. Riêng anh Sỹ vẫn tiếp tục cùng đoàn đi lấy mẫu xét nghiệm cho đến khi chiến dịch kết thúc. “Khi con tôi vừa nhiễm bệnh, vợ chồng tôi lo lắng đủ thứ. Chính vì vậy tôi hiểu được cảm giác của những người nhiễm bệnh họ lo lắng như thế nào. Tôi muốn làm tình nguyện viên để giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm điều trị với họ. Trước đây, tôi chưa bao giờ nghĩ một ngày vợ chồng tôi lại mặc đồ bảo hộ và đi xét nghiệm cho người khác. Vậy mà chúng tôi đã làm được. Tôi thấy vui và ý nghĩa lắm”.

Ông Lưu Thế Thuận, Trưởng ban Tuyên giáo LĐLĐ tỉnh, cho biết: “Với những tình nguyện viên là công nhân này, trước đó một ngày họ còn chưa biết gì về việc lấy mẫu xét nghiệm, còn sợ sệt những người mặc đồ bảo hộ. Nhưng chỉ một ngày sau họ đã trở thành một nhân viên y tế thực sự. Trong quá trình tham gia chiến dịch, họ vừa chủ động chống dịch cho bản thân vừa tuyên truyền các quy định phòng, chống dịch bệnh và trấn an những đồng nghiệp của mình. Sự hỗ trợ của họ là rất đáng quý”.

Bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, cho biết: “Mặc dù biết là đi vào nơi nguy hiểm và làm những việc mà một người công nhân chưa từng làm bao giờ, nhưng họ vẫn xung phong, điều đó mới đáng quý. Tôi muốn gửi lời cảm ơn đến các bạn. Các bạn đã làm đẹp thêm hình ảnh của người công nhân trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tôi cũng mong muốn với những thao tác, kỹ thuật y tế có được trong thời gian đi hỗ trợ vừa qua sẽ được các bạn tiếp tục vận dụng tại công ty hoặc khu nhà trọ khi có yêu cầu. Hiện nay, để Bình Dương trở về trạng thái “bình thường mới”, thời gian tới mong các bạn thực hiện nghiêm thông điệp “5K” của Bộ Y tế, tuân thủ các quy định phòng, chống dịch bệnh, đồng hành cùng với công ty khôi phục lại sản xuất, ổn định cuộc sống đừng để hoài phí công sức chống dịch của chúng ta đã làm trong thời gian qua”.

BÀ TRƯƠNG THỊ BÍCH HẠNH, ỦY VIÊN THƯỜNG VỤ, TRƯỞNG BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY: Biểu dương những nỗ lực, đóng góp của các tình nguyện viên

Tính đến ngày 19-9, đã có 57 đoàn chi viện cho Bình Dương với 3.309 người, gồm 658 bác sĩ, 1.126 điều dưỡng/y sĩ/kỹ thuật viên; 1.521 sinh viên. Trong đợt dịch bùng phát thứ 4 này, tất cả các lực lượng đều vào cuộc. Riêng trong tháng 9 vừa qua có thêm lực lượng mới là các tình nguyện viên là công nhân lao động, với trên 1.500 người tham gia hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh. Họ đã được tập huấn và thực hiện việc test nhanh Covid-19 trong thời gian thực hiện nhiệm vụ tại các địa phương. Đây cũng là lực lượng sẽ cùng với Tổ Covid cộng đồng tham gia phòng, chống dịch bệnh tại doanh nghiệp, địa bàn khu phố và các khu nhà trọ ở địa phương khi có yêu cầu.

Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh và các địa phương rất trân trọng những nỗ lực, đóng góp của các bạn tình nguyện viên trong cuộc chiến đẩy lùi đại dịch Covid-19 những tháng qua. Tuy đã bước qua giai đoạn “bình thường mới” nhưng chúng ta không được chủ quan mà cần thực hiện đúng thông điệp “5K” của Bộ Y tế, nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh mọi lúc mọi nơi. Sau khi trở về địa phương, doanh nghiệp, đơn vị công tác, mong các bạn sẽ tiếp tục giữ vững tinh thần tình nguyện, sẵn sàng phối hợp cùng địa phương, doanh nghiệp, đơn vị thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.

TÂM TRANG