FTA Việt Nam - Hàn Quốc có hiệu lực: Cộng đồng doanh nghiệp Bình Dương đón chờ cơ hội mới
Ngày 20-12-2015, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) đã chính thức có hiệu lực, qua đó mở ra nhiều triển vọng thu hút đầu tư, trao đổi thương mại giữa hai nước. Tại Bình Dương, làn sóng đầu tư mới từ Hàn Quốc được kỳ vọng sẽ giúp tỉnh nhà phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ đạt được nhiều thành công hơn nữa trong thời gian tới.
(BDO) VKFTA mở ra cảnh cửa tăng cường trao đổi thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Trong ảnh: Sản xuất sợi cotton tại Công ty KyungBang Việt Nam (TX.Bến Cát) Ảnh: TRỊNH BÌNH
Nhiều cơ hội làm ăn
Ngày 5-5-2015, VKFTA được ký kết tại Hà Nội. Sau đó, đại diện 2 bên đã có những bước đi mạnh mẽ để thúc đẩy hiệp định sớm có hiệu lực. Ngày 16-12, Bộ Ngoại giao 2 nước đã thống nhất VKFTA chính thức có hiệu lực vào ngày 20-12- 2015.
Theo đó, 2 bên cam kết sẽ tạo điều kiện khai thác các ưu đãi thương mại, đầu tư mà hai nước dành cho nhau trong hiệp định này, qua đó góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư song phương.
Bộ Công thương cho biết, sau khi VKFTA có hiệu lực, hai bên sẽ thành lập Ủy ban hỗn hợp cấp bộ trưởng và các tiểu ban chức năng về thương mại hàng hóa, hải quan, phòng vệ thương mại, các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS)... để rà soát, giám sát quá trình thực hiện VKFTA. Từ đó, VKFTA sẽ mở ra nhiều cơ hội làm ăn cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước Việt Nam và Hàn Quốc.
Năm 2014, Hàn Quốc vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam sau Trung Quốc và Mỹ. Xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 7,1 tỷ USD; nhập khẩu của Việt Nam từ Hàn Quốc lên tới 21,7 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Hàn Quốc là dệt may (2,14 tỷ USD), hàng thủy sản (654 triệu USD), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (395 triệu USD), gỗ và sản phẩm gỗ (489 triệu USD)…
Ở chiều ngược lại, các mặt hàng có giá trị nhập khẩu lớn nhất từ Hàn Quốc trong năm 2014 và những tháng qua của năm 2015 gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (5,05 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (3,1 tỷ USD); vải các loại (1,8 tỷ USD); điện thoại các loại và linh kiện (1,7 tỷ USD)…
Về đầu tư, tính đến ngày 20-10-2015, Hàn Quốc đã vượt Nhật Bản để dẫn đầu các nước đầu tư vào Việt Nam với 4.777 dự án, tổng vốn đầu tư đạt 43,6 tỷ USD. Riêng tại Bình Dương, Hàn Quốc là nhà đầu tư đứng thứ 3 với 515 dự án, tổng số vốn 2 tỷ USD.
Theo ông Park Jin Ku, Chủ tịch Chi hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Bình Dương, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc hiện rất quan tâm đến tỉnh Bình Dương nhờ môi trường đầu tư nơi đây ngày càng được cải thiện và chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện hỗ trợ nhà đầu tư trong sản xuất và kinh doanh. Như vậy, khi VKFTA chính thức có hiệu lực, không chỉ kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Bình Dương và Hàn Quốc tăng cao mà còn thúc đẩy làn sóng đầu từ Hàn Quốc tại địa phương tăng mạnh hơn nữa.
Và những thách thức
Khi VKFTA có hiệu lực, Hàn Quốc sẽ loại bỏ thuế nhập khẩu đối với hơn 95% hàng hóa từ Việt Nam theo lộ trình đã thỏa thuận từ trước. Trong khi đó, có 90% hàng hóa nhập khẩu từ Hàn Quốc vào Việt Nam sẽ được gỡ bỏ thuế trong vòng 15 năm kể từ mốc 20-12- 2015. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến hết tháng 11-2015, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hàn Quốc đạt 33,6 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2014.
Ông Phú Hữu Minh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư cho biết, trong những tháng đầu năm 2015, nhiều tập đoàn của Hàn Quốc đã tiếp tục đến tìm hiểu môi trường đầu tư của tỉnh nhà; đã có 25 dự án mới và 14 dự án của doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động trên địa bàn tỉnh tăng vốn được cấp phép với tổng vốn đầu tư hơn 134 triệu USD.
Đáng chú ý, đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc đang tăng mạnh vào ngành sản xuất công nghiệp phụ trợ mà tỉnh Bình Dương đang mời gọi đầu tư như: Công ty TNHH Castec Vina sản xuất cơ khí phụ tùng xe hơi, phụ tùng điện tử với vốn đầu tư 14,4 triệu USD; Công ty TNHH NPC Toda đầu tư 30 triệu USD xây nhà máy tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II để sản xuất sản phẩm nhựa...
Một số dự án Hàn Quốc có vốn đầu tư lớn tại Bình Dương hiện nay như: Công ty TNHH Lốp Kumho Việt Nam đầu tư 128,3 triệu USD để sản xuất vỏ xe ô tô; Công ty TNHH DCT Partners Việt Nam đầu tư dự án khách sạn, trung tâm thương mại, chung cư cao tầng với tổng vốn 100 triệu USD; Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina đầu tư vào sản xuất bánh kẹo với tổng vốn 60 triệu USD...
Ông Choi Jae Ho, Giám đốc Công ty TNHH Panko Vina, là doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Bình Dương hơn 13 năm với 4 lần tăng vốn lên 60 triệu USD cho biết: “Việc VKFTA chính thức có hiệu lực sẽ mở ra cánh cửa rộng mở cho nhà đầu tư 2 nước tăng cường trao đổi thương mại cũng như rót vốn đầu tư sản xuất tại Bình Dương.
Cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc đón chờ hiệp định này từ rất lâu rồi. Tôi được biết, hiện nay nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc đang chuẩn bị kế hoạch sang Việt Nam mở rộng đầu tư, tìm kiếm thị trường mới ngay sau khi VKFTA có hiệu lực”.
Không chỉ cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc háo hức trước VKFTA mà doanh nghiệp trong nước tại Bình Dương cũng rất vui mừng trước cơ hội lớn này. Bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội May mặc Bình Dương bày tỏ: “Từ lâu chúng tôi đã xuất khẩu mặc hàng quần áo sang thị trường Hàn Quốc và đạt được những thành công nhất định. Chính vì thế, ngay từ khi VKFTA được ký kết vào tháng 5-2015, các doanh nghiệp may mặc ở Bình Dương đã chuẩn bị kế hoạch tăng cường tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu sang thị trường giàu tiềm năng này”.
Được biết, các lĩnh vực thế mạnh khác của Bình Dương là điện tử, gỗ, giày da… cũng nhanh chân tìm hiểu, đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chủ lực sang thị trường Hàn Quốc. Ông Lương Ngọc Kim, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Bình Dương cho biết: “Việc VKFTA chính thức có hiệu lực sẽ là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu gỗ sang Hàn Quốc. Tuy nhiên, cơ hội cũng đi kèm với thách thức, cụ thể là làn sóng đầu tư ồ ạt của doanh nghiệp Hàn Quốc vào Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung ở ngành này. Chính vì thế, trong thời gian tới rất cần sự đồng thuận, hỗ trợ từ các cơ quan, ban ngành để giúp đỡ doanh nghiệp địa phương có điều kiện thuận lợi khi làm ăn với đối tác Hàn Quốc”.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, đến tháng 11- 2015, cả nước có 1.855 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 13,55 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2014. Tính chung trong 11 tháng năm 2015, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 20,22 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2014.
Hiện đã có 57 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 6,3 tỷ USD, chiếm 31,6% tổng vốn đầu tư tại Việt Nam. Malaysia đứng vị trí thứ hai với số vốn là 2,53 tỷ USD, chiếm 12,5% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Nhật Bản đứng vị trí thứ ba với số vốn đầu tư là 1,72 tỷ USD, chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.
KHÁNH VINH