Frieslandcampina Việt Nam: 15 năm - phát triển vượt bậc
>>Video clip FrieslandCampina Việt Nam:15 năm chung sức cùng Việt Nam
Những con số ấn tượng
Ông Trần Quốc Huân, Phó Tổng Giám đốc FrieslandCampina Việt Nam nhớ lại, từ ngày mới thành lập công ty chỉ có chưa đầy 60 nhân viên nhưng đến nay đã lên tới gần 1.200 nhân viên và tạo ra việc làm gián tiếp cho khoảng trên 15.000 người. Con số này một phần cho thấy có một sự phát triển vượt bậc của công ty, trong khi dây chuyền sản xuất đều là công nghệ tự động hóa. Con người là nhân tố cơ bản đầu tiên, nên vấn đề đào tạo và phát triển nguồn nhân lực được công ty đặc biệt quan tâm. Vì thế, ngân sách dành cho lĩnh vực này khá cao với mức trung bình 24 tỷ đồng/năm.
Đóng gói sản phẩm tại công ty
Để trở thành một trong những đơn vị hàng đầu trong ngành sữa của Việt Nam hiện nay, 15 năm qua FrieslandCampina Việt Nam đã đầu tư hơn 135 triệu USD để nâng cấp công nghệ và mở rộng hoạt động sản xuất nhà máy. Năm 2009, công ty đã đầu tư 30 triệu USD để xây dựng nhà máy thứ 2 ở Hà Nam và năm 2010 lại tiếp tục đầu tư thêm 10 triệu USD để nâng cấp nhà máy tại Bình Dương. Không những thế, FrieslandCampina Việt Nam còn đầu tư trên 13 triệu USD cho chương trình khuyến nông phát triển ngành sữa. Thông qua chương này để tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho hàng trăm ngàn lượt nông dân tham gia. Nhờ đó, hiện nay công ty đã phát triển được hơn 2.400 trang trại và hộ nông dân cung cấp sữa, mỗi năm tạo ra hơn 60 triệu kg sữa tươi, chiếm khoảng 20 - 25% lượng sữa tươi của cả nước sản xuất được. Quan trọng hơn, chất lượng sữa ngày càng được nâng cao và hiệu quả trong chăn nuôi cũng tốt hơn, góp phần vào việc phát triển ngành chăn nuôi bò sữa Việt Nam. Hàng năm, công ty cung cấp cho thị trường Việt Nam hơn 1,5 tỷ khẩu phần sữa với những nhãn hiệu quen thuộc như Dutch Lady, Friso, Yomost, Fristi, Completa...
Bên cạnh đó, đời sống công nhân lao động cũng thường xuyên được quan tâm, ngoài thực hiện đầy đủ các chính sách và quy định của Nhà nước công ty còn điều chỉnh mức tăng lương cao hơn mức tăng của lạm phát 3%. Thu nhập bình quân của người lao động từ 4,5 triệu đồng/người/tháng vào năm 2006 nay đã được tăng lên 11,6 triệu đồng vào năm 2010. Công tác bảo vệ môi trường cũng được công ty đặc biệt quan tâm và đặt lên hàng đầu với số tiền hơn 16 tỷ đồng đầu tư cho việc xử lý nước thải, giảm thiểu khí độc vào không khí...
Tích cực hỗ trợ cộng đồng
Đây là một trong những lĩnh vực khá nổi bật của FrieslandCampina Việt Nam với những chương trình quen thuộc như “Khuyến học đèn đom đóm”, chương trình phát triển ngành sữa, cứu trợ đồng bào lũ lụt, chăm sóc sức khỏe cộng đồng... Trong đó, chương trình “Khuyến học đèn đom đóm” được khởi xướng từ năm 2002 dành cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên toàn quốc. Tính đến nay, chương trình này đã trao tặng hơn 20.000 suất học bổng trị giá hơn 12 tỷ đồng, xây dựng được 8 ngôi trường tại những địa bàn khó khăn của cả nước.
Với những thành tích trong hoạt động sản xuất - kinh doanh và hỗ trợ cộng đồng, công ty đã vinh dự được nhận nhiều danh hiệu cao quý từ Trung ương đến địa phương như Huân chương Lao động hạng nhì và ba, bằng khen, giấy khen và cờ thi đua của các bộ ngành...
TRUNG ĐỒNG
Ông PHẠM VĂN VƯỢNG, quản lý bộ phận sản xuất: Công nhân làm việc ngày càng tốt hơn
Từ tháng 3-2009, công ty đã áp dụng mô hình quản lý mới do Công ty FrieslandCampina Hà Lan hướng dẫn, chất lượng sản phẩm tốt hơn, chất lượng làm việc của công nhân cũng ngày càng tốt hơn, so với trước thì hiệu quả tăng đáng kể. Mô hình mới này có thể hiểu nôm na là xây dựng những trụ cột để hoàn thành một cách hiệu quả nhất trong công việc, trong đó chú ý đến đối tượng công nhân, làm cho người ta có ý thức tốt và họ nghĩ rằng máy móc đó, sản phẩm đó là của họ...
Ông Huỳnh Minh Quang, bộ phận quản lý chất lượng: Tất cả các sản phẩm đều được kiểm định chặt chẽ
Công ty xây dựng một hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm hoàn chỉnh, khép kín từ đồng cỏ đến nhà máy và đến các nhà phân phối rồi người tiêu dùng. Có hệ thống kiểm soát rủi ro, chương trình đánh giá các nhà bán lẻ và lấy ý kiến của người tiêu dùng. Tất cả các sản phẩm trước khi bán ra thị trường đều phải có hồ sơ đăng ký chất lượng với Bộ Y tế và phải đạt yêu cầu thì mới được cấp. Chất lượng sản phẩm của công ty cũng được kiểm định bởi hệ thống bảo đảm chất lượng của các cơ quan trong nước và cả toàn cầu.
Ông LƯU VĂN TÂN, phụ trách chương trình phát triển bò sữa: Hỗ trợ người chăn nuôi phát triển bền vững
Chiến lược phát triển ngành sữa của công ty là muốn tạo lập một giá trị chung cho cộng đồng, trong đó có chương trình hỗ trợ người chăn nuôi bò sữa phát triển bền vững. Công ty đã kết hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phát triển vùng chăn nuôi bò sữa. Công ty cũng đầu tư kỹ thuật, bảo đảm đầu ra để người chăn nuôi an tâm. Đồng thời, tổ chức huấn luyện, hỗ trợ dịch vụ thú y miễn phí. Nhìn chung, hiện nay, người chăn nuôi bò sữa còn gặp khó khăn do chưa có quy hoạch cụ thể nên các chính sách hỗ trợ cũng hạn chế trong việc tiếp cận. Chương trình phát triển ngành sữa của công ty tạo thuận lợi nhiều hơn cho người chăn nuôi bởi họ được hỗ trợ các dịch vụ kỹ thuật, được tập huấn, được chi trả tiền sữa khuyến khích theo chất lượng. Chương trình cũng thiết lập hệ thống thu mua sữa toàn diện, kiểm soát và bảo đảm chất lượng từ đồng cỏ đến nhà máy.
K.TÂN (ghi)