Fitch nâng triển vọng tín nhiệm Việt Nam lên “tích cực”

Thứ năm, ngày 23/01/2014

  Ảnh minh họa (Nguồn: TTXVN)

Fitch Ratings vừa nâng mức đánh giá triển vọng tín nhiệm của Việt Nam từ “ổn định lên “tích cực” bởi những chuyển biến kinh tế trong thời gian qua.

Cụ thể, theo báo cáo vừa được Fitch Ratings chính thức thông báo ngày hôm nay (23-1), hãng này đánh giá chỉ số xếp hạng nhà phát hành ngoại tệ và nội tệ (IDR) dài hạn giữ ở mức B+, tuy nhiên triển vọng cho chỉ số trên đã nâng lên “tích cực thay vì “ổn định” trước đó.

Ngoài ra, trần xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam được Fitch xếp ở mức B+ trong khi xếp hạng IDR ngắn hạn bằng ngoại tệ của Việt Nam ở mức “B”.

Một trong những lý do hãng này nâng mức triển vọng Việt Nam bởi kinh tế vĩ mô trong nước đang có dấu hiệu tích cực hơn. Nền kinh tế Việt Nam đã bắt đầu hồi phục sau một thời gian dài thực hiện các biện pháp “thắt lưng buộc bụng”  vào đầu năm 2011 theo Nghị quyết số 11 để làm “mát” nền kinh tế.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam đã tăng khoảng 5,4% so với năm 2012 và Fitch dự báo GDP sẽ tiếp tục tăng trưởng lần lượt khoảng 5,7%  và 5,9% trong hai năm tiếp theo. Trong khi đó, lạm phát đã giảm nhẹ về khoảng 6,6% năm 2013 so với 9,1% năm 2012 hay 18,7% năm 2011.

Cũng theo ước tính của Fitch, Việt Nam đang có mức thặng dư tài khoản vãng lai lớn, vào khoảng 5% GDP trong khi các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở mức 6,8% GDP đang tiếp tục giúp mở rộng sản xuất trong nước.

Mặc dù có những đánh giá khả quan nhưng theo Fitch,  ngân hàng vẫn là một trong ngành "yếu" trong đánh giá về tín dụng ở Việt Nam. Việc thực hiện Thông tư số 02 trong đó có việc phân loại và trích lập quỹ dự phòng nợ xấu đã bị trì hoãn tới tháng 6-2014.

Tuy nhiên, báo cáo của Fitch cho rằng, việc giải quyết nợ xấu đang bắt đầu được giải quyết với sự ra đời của Công ty quản lý tài sản quốc gia.

Fitch Ratings cũng nhận định Việt Nam sẽ tiếp tục kiên trì với những chính sách nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng GDP bền vững và giữ mức lạm phát thấp như hiện tại. Ngoài ra, hãng này ước tính, nguồn vốn dành cho tái cơ cấu ngành ngân hàng sẽ được nới rộng hơn trong thời gian tới và ở mức khoảng 10% GDP./.

Theo TTXVN