Festival Huế 2010: Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển
Đây là lần thứ 6 tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức festival. Theo Ban tổ chức, so với các kỳ festival trước đây, Festival Huế 2010 được tổ chức quy mô hơn, không gian văn hóa được mở rộng hơn và thu hút nhiều quốc gia tham gia nhất…
Quy mô hoành tráng
Với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”, Festival Huế 2010 diễn ra từ ngày 5 đến 13-6 là hoạt động trong chương trình quốc gia hướng đến kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Với đặc trưng của một “festival văn hóa”, Festival Huế 2010 là nơi quy tụ nhiều chương trình, loại hình nghệ thuật nghệ thuật truyền thống và đương đại của xứ Huế nói riêng, đất nước Việt Nam nói chung, đặc biệt là nghệ thuật cung đình Huế. Là nơi gặp gỡ của các di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, trong đó có các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam, như: Nhã nhạc cung đình Huế, Quan họ Bắc Ninh, ca trù.
Các họa sĩ đang hoàn chỉnh tác phẩm để chuẩn bị cho hoạt động vẽ tranh đường phố “Ký ức từ Thăng Long đến cố đô Huế”, diễn ra trên đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu. Điểm mới của festival Huế năm nay là sự góp mặt của gần 50 chương trình nghệ thuật mang đậm sắc thái văn hóa của 28 quốc gia đến từ 5 châu lục trên thế giới. Ngoài Pháp là đối tác chính, Festival Huế 2010 còn có sự tham gia các đoàn nghệ thuật các nước, như: Nga, Cu ba, Anh, Ấn Độ, Mông Cổ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Lào, Campuchia… Các chương trình được tổ chức trên một không gian rộng mở, từ trung tâm thành phố Huế đến các thị trấn, thị tứ, các khu đô thị mới của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Trong đó, trung tâm Đại Nội là “hạt nhân” của các kỳ festival Huế với 7 sân khâu ngoài trời và một số địa điểm trong nhà. Khu vực này quy tụ các chương trình nghệ thuật đặc sắc của các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế. Tại các huyện, như: A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc, Hương Thủy, Phú Vang, Phong Điền, Quảng Điền đều được bố trí một số chương trình nghệ thuật của các đoàn trong và ngoài nước biểu diễn.
Hội tụ nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc
Điểm nhấn của Festival Huế 2010 là lễ khai mạc diễn ra đêm 5-6 tại quảng trường Ngọ Môn với nhiều chương trình nghệ thuật văn hóa đặc sắc, được dàn dựng hết sức công phu, có nhiều đoàn nghệ thuật, nghệ sĩ trong nước và quốc tế tham gia. Đây là đêm tôn vinh các giá trị truyền thống và sự giao lưu tỏa sáng của các di sản văn hóa đại diện cho 5 châu lục, của văn hóa Việt, văn hóa Huế. Chính sự lung linh đa sắc màu văn hóa này nên đêm khai mạc được xem là “Đêm của di sản”.
Festival Huế 2010 tiếp tục tái hiện nhiều lễ hội cung đình độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của vùng đất Cố đô Huế. Trong đó phải kể đến Lễ tế Nam Giao, diễn ra vào tối 9-6 tại Đàn Nam Giao. Lễ tế Nam Giao là một lễ hội truyền thống của triều Nguyễn trước đây, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Bên cạnh đó, lễ hội “Cuộc thao diễn thủy binh thời các chúa Nguyễn” diễn ra vào tối 7-6, là một lễ hội mang đậm sắc thái và giàu tính sáng tạo tại Festival Huế lần này. Lễ hội sẽ phô diễn sức mạnh quân sự, kỹ thuật, kỹ năng của các thủy binh thời các chúa Nguyễn thông qua tài thao lược của quân binh, tướng sĩ, cũng như việc trang bị, khí tài, khí cụ và thuyền chiến...
Không khí Festival Huế 2010 thêm phần sinh động bởi những cánh diều bay sắp đặt trên cầu Tràng Tiền.
Đêm hội “Hành trình mở cỏi” với hình thức sân khấu hóa diễn ra vào ngày 10-6 tại Kỳ đài, Phu Văn Lâu cũng không kém phần hấp dẫn. Đêm hôi sẽ tái hiện lại các sự kiện, vóc dáng lịch sử ngày xưa, tập trung khai thác diễn trình mở cỏi của các chúa Nguyễn trong mối liên hệ với truyền thống của dân tộc và tình cảm của các nước đối với đất Thăng Long với hàng ngàn năm lịch sử. Chương trình sân khấu hóa “Huyền thoại sông Hương” diễn ra vào ngày 6 và ngày 12-6 khai thác những huyền thoại và giới thiệu vẻ đẹp của dòng sông Hương thơ mộng, trữ tình đã trở thành đề tài của thi ca bao đời nay, là một phần không thể thiếu của vùng đất văn hóa và con người xứ Huế. Bên cạnh đó, chương trình “Đêm hoàng cung”, “Đêm phương Đông”, lễ hội áo dài “Vọng thiên niên”, vẻ đẹp Việt “Hơi thở của nước”… sẽ giới thiệu đến du khách gần xa về những sinh hoạt văn hóa trong cung điện Huế xưa, những nét đẹp trang phục của các dân tộc Châu Á cũng như vẻ đẹp dịu dàng của người phụ nữ Việt Nam.
Trong khuôn khổ 9 ngày diễn ra Festival Huế 2010, ngoài các chương trình do các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế biểu diễn, còn có các chương trình hưởng ứng festival, các chương trình xã hội hóa có chủ đề, chủ điểm tập trung, như: festival khoa học “Y học với đời sống cộng đồng”, chương trình festival dành cho thiếu nhi “Những khối vuông mùa hạ”, “festival thơ Huế”... Bên cạnh đó là hàng loạt các cuộc triển lãm nghệ thuật diễn ra ở nhiều nơi, góp phần làm phong phú thêm chương trình Festival Huế 2010, như: triển lãm ảnh Hà Nội - Huế- Sài Gòn xưa; mỹ thuật Huế nhìn từ các tác phẩm điêu khắc cung đình; triển lãm mỹ thuật “Mùa tháng sáu”; triển lãm mỹ thuật - nhiếp ảnh “Từ Cố đô đến Cố đô” do Hội Văn học nghệ thuật Huế, Hà Nội, Phú Thọ, Ninh Bình, Thanh Hóa tổ chức; vẽ tranh đường phố “Ký ức từ Cố đô Thăng Long đến Cố đô Huế”; nghệ thuật sắp đặt “Vì một hành tinh xanh”… Những hoạt động này diễn ra cả ngày lẫn đêm, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân và du khách trong, ngoài nước.
HỒNG THUẬN