Festival Gốm sứ Bình Dương - Việt Nam 2010: Nơi hội tụ của “Thế giới sắc màu”
Kỳ 3: Gốm sứ Bình Dương vươn tầm quốc tế
Về Bình Dương, vấn vương nghề... gốm sứ
Mỗi khi nhắc đến những ngành nghề truyền thống của Bình Dương là mọi người đều nghĩ đến các nghề gốm sứ (GS), sơn mài, điêu khắc gỗ mỹ thuật... Trải qua nhiều thăng trầm biến đổi, bao vất vả khó khăn, những khắc nghiệt của nền kinh tế thị trường, trong khi chúng ta đều có cùng nỗi lo các nghề sản xuất sơn mài, điêu khắc gỗ mỹ thuật truyền thống bị mai một, thì ngược lại dù đến nay số đơn vị, cơ sở sản xuất ít hơn nhiều so với cách đây 10, 15 năm nhưng như là tích lũy những tinh hoa của nghề, nên nghề sản xuất GS ở Bình Dương vẫn tồn tại và có những bứt phá bất ngờ.
Công nhân gốm sứ Bình Dương. Ảnh: TRẦN TÌNHNhiều tài liệu nghiên cứu về nghề GS ở Bình Dương đều ghi: Nhờ được thiên nhiên ưu đãi về nguyên liệu chính để sản xuất gốm là đất (đặc biệt là đất ở các khu vực Bình Đức, Bình Đáng (Thuận An) hay vùng Chánh Lưu, Chánh Phú Hòa (Bến Cát)... nên nghề làm gốm ở Bình Dương đã có từ cách đây khoảng 200 năm. Những sản phẩm của nghề đã gắn liền với đời sống, sinh hoạt... của người dân Bình Dương và sau đó theo chân các thương lái có mặt ở khắp các vùng, miền, tỉnh, thành trong nước và vươn ra xuất khẩu.
Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Làng nghề Việt Nam - Trưởng đại diện phía Nam Nguyễn Lực:
Quả là ngành GS Bình Dương đã làm nên những kỳ tích, không những đứng đầu về sản lượng sản xuất trong cả nước mà trong năm 2009, khi nước ta vẫn còn bị ảnh hưởng của đợt khủng hoảng kinh tế toàn cầu, kim ngạch xuất khẩu của ngành GS cả nước chỉ đạt 123 triệu USD thì trong đó kim ngạch xuất khẩu của ngành GS Bình Dương đã chiếm đến 99 triệu USD - một con số đầy ấn tượng...
Chủ tịch Hiệp hội GS tỉnh Bình Dương, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Long I Lý Ngọc Minh:
Hiện ước tính toàn tỉnh còn khoảng 200 đơn vị, cơ sở sản xuất GS, nhưng theo tôi thực tế chỉ còn khoảng 120 cơ sở, trong đó số cơ sở còn sản xuất được là khoảng 80 và trong số này số đơn vị, cơ sở hoạt động có hiệu quả, xuất khẩu được là chỉ từ 20 - 30 cơ sở... Song, chính những cơ sở này đã làm nên kỳ tích...
Vào thời kỳ hưng thịnh, toàn tỉnh có khoảng trên, dưới 500 đơn vị, cơ sở sản xuất GS, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người, mỗi năm xuất khẩu hàng triệu sản phẩm. Trong đó, đa số các cơ sở tập trung ở các địa phương như Hưng Định, Lái Thiêu (Thuận An), Tân Phước Khánh (Tân Uyên), Tương Bình Hiệp, Chánh Nghĩa (TX.TDM)... Từ các địa phương này đã xuất hiện những “làng nghề” GS rất nổi tiếng cho đến hôm nay như Tân Phước Khánh, Lái Thiêu, Chánh Nghĩa.
Có thể nói từ những khối đất vô hồn, qua bàn tay khéo léo, tinh tế của những người thợ gốm tài hoa hàng trăm, hàng ngàn, rồi hàng triệu sản phẩm GS dân dụng, gốm sứ mỹ thuật cao cấp với những kiểu dáng đa dạng, sắc sảo, ý nghĩa... ra đời ngày càng đưa tiếng tăm của GS Bình Dương vang xa và cũng chính GS đã tạo nên một nét đẹp truyền thống của đất và người Bình Dương.
Có lẽ những ai đã sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Bình Dương và cả những người yêu mến mảnh đất Bình Dương đều thuộc lòng câu vè: “Ai về chợ Thủ, bán hũ, bán ve / Bán bộ đồ chè, bán cối đâm tiêu”. Ngành sản xuất GS đã đóng góp cho xã hội những nghệ nhân tài hoa nổi tiếng trong và ngoài nước như Lý Ngọc Minh, Dương Văn Long, Từ Trung Hiếu, Lý Ngọc Bạch... Và dù nghề làm GS không kém phần nhọc nhằn, vất vả nhưng những nghệ nhân, những người thợ tài hoa... của nghề GS trong tỉnh vẫn không ngừng miệt mài nghiên cứu, ấp ủ và sáng tạo cho đời những sản phẩm tinh xảo đầy trí tuệ.
Chìm - nổi một thời!
Còn nhớ, những năm 80 là giai đoạn nghề làm GS đang thời hưng thịnh nhất, nhưng rồi với đà đổi mới, mở cửa giao lưu của đất nước, có một thời gian dài trên thị trường Việt Nam và thị trường Bình Dương tràn ngập sản phẩm GS của các nước Nhật, Đức, Ý, Trung Quốc... được nhập khẩu vào, nhất là GS Trung Quốc đã làm ngành GS trong nước, trong tỉnh lao đao vì không cạnh tranh nổi về giá cả, chất lượng. Bởi với cách sản xuất truyền thống từ trước đến nay: chủ yếu các công đoạn đều làm bằng tay, lại đốt lò bằng củi... nên sản phẩm GS Bình Dương có giá thành cao, chất lượng lại không ổn định, tỷ lệ hao hụt trên mỗi kỳ lò nhiều đã làm nhiều cơ sở phải lâm vào hoàn cảnh khó khăn: thiếu vốn sản xuất mà sản phẩm không tiêu thụ được, trong khi nợ ngân hàng chồng chất. Nhiều đơn vị, cơ sở không trụ nổi phải ngưng hoạt động, số khác hoạt động cầm chừng, nhiều lao động của ngành phải chuyển qua kiếm sống bằng những ngành nghề khác, mặc dù trong lòng họ vẫn yêu mến cái nghề mà mình đã gắn bó nhiều năm...
Nghề làm gốm ở Bình Dương. Ảnh: HÀ HỮU NẾTTrong tình hình đó, đã có số ít đơn vị, cơ sở cầm cự được, vượt qua khó khăn và từng bước phát triển vượt bậc nhờ mạnh dạn cải tiến, đổi mới công nghệ, trang thiết bị, nghiên cứu bổ sung, thay đổi mẫu mã sản phẩm, hướng tới việc cung ứng những gì thị trường cần chứ không chỉ là kinh doanh những gì mình có. Song song đó là việc khai thác, tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước...
Vươn xa nghề truyền thống
Thật vậy, từ sự đột phá khởi đầu của Công ty TNHH Minh Long I với việc chuyển đổi hệ thống nung sản phẩm bằng gas thay cho việc nung sản phẩm bằng củi truyền thống từ trước đến nay đã khuấy động nên phong trào sử dụng lò gas để nung sản phẩm ở Bình Dương, vừa góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vừa góp phần vực dậy một ngành nghề truyền thống đang trong giai đoạn gặp nhiều khó khăn.
Không chỉ thay đổi thiết bị nung bằng gas mà Minh Long I, Minh Long II rồi Cường Phát... còn thổi hồn dân tộc vào trong từng sản phẩm thông qua những hình ảnh chú mục đồng ngồi trên lưng trâu thổi sáo, cánh cò quê hương, lũy tre làng, bà mẹ quê, chiếc lu mái vú hay khắc họa những giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống của người Việt Nam qua những bộ sản phẩm thể hiện tình cha con, tình thầy trò, 54 dân tộc anh em... Nhiều đơn vị còn trang bị hoặc cải tiến nhiều thiết bị máy móc hiện đại, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm sản xuất, mẫu mã sản phẩm từ các nước nổi tiếng trong ngành sản xuất GS và lựa chọn áp dụng cho đặc thù của đơn vị mình.
Nhờ vậy, trong khi hiện nay ngành GS trong nước đang bị cạnh tranh mạnh mẽ bởi hàng GS sản xuất từ Trung Quốc và các nước trong khu vực thì ngành GS Bình Dương vẫn ổn định được thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, từ chỗ chỉ quan tâm thị trường ngoài nước thì 2 - 3 năm trở lại đây, hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động, các doanh nghiệp sản xuất GS của Bình Dương cùng với sự ổn định thị trường xuất khẩu đã quay về phát triển và mở rộng thị trường trong nước. Trong đó riêng thương hiệu gốm sứ Minh Long I đã đón đầu và tiên phong thực hiện cuộc vận động này.
Hiện nay, mỗi năm ngành sản xuất GS của Bình Dương phục vụ cho thị trường trên 100 triệu sản phẩm GS các loại, đặc biệt là GS công nghiệp và mỹ nghệ, tạo công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động. Để tạo thêm điều kiện phát triển, ổn định sản xuất - kinh doanh cho ngành, tỉnh cùng với các ngành chức năng như Sở Công Thương... đã tạo điều kiện cho ngành thành lập Hiệp hội GS Bình Dương vào tháng 3-2010 nhằm mục đích tập hợp các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong hoạt động GS, các nhà cung ứng nguyên vật liệu có liên quan, các tổ chức hoặc cá nhân đầu tư công sức và trí tuệ vào việc phát triển ngành GS theo đúng chủ trương, luật pháp của Nhà nước cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của hội viên, chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý sản xuất - kinh doanh và lao động; hợp tác, liên kết các hội viên trong hiệp hội về kinh doanh, nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước...; đồng thời tổ chức các lớp dạy nghề GS.
Đặc biệt nhất, hiện các ngành, các cấp trong tỉnh đang ráo riết chuẩn bị cho việc khai mạc Festival GS Việt Nam - Bình Dương 2010, sự kiện được Chính phủ chọn là một trong những hoạt động chính thức mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng nhằm tôn vinh, giới thiệu nghề GS truyền thống của Việt Nam và của Bình Dương với người dân trong tỉnh, trong nước và thế giới, là dịp để các doanh nghiệp trong ngành GS gặp gỡ, giao thương, trao đổi kinh nghiệm về sản xuất - kinh doanh cũng như hội nhập quốc tế...
VÕ HƯƠNG