Falko Goetz – khi thuyền trưởng lạc đường
Hôm qua, lần đầu tiên kể từ khi trở về từ Jakarta, ông Goetz mở lời về thất bại của U23 Việt Nam. Ông thừa nhận đó là một sự vỡ mộng và ước gì mình hiểu biết hơn về bóng đá Đông Nam Á, các đối thủ cũng như chính cầu thủ của mình.
HLV Goetz bị vỡ mộng tại SEA Games 26.
Khi ông Goetz đòi hỏi vượt quá đáp ứng của học trò
Falko Goetz đến từ Đức. Ông đem theo cá tính mạnh mẽ và thứ “kỷ luật sắt” nổi tiếng của người Đức. Goetz nhanh chóng gây dấu ấn của mình ở đội U23 bằng hàng loạt quy định ngặt nghèo về giờ giấc sinh hoạt. Tuân thủ nguyên tắc “lao động tìm thành công”, Goetz cho học trò tập nặng, tới mức người khỏe như Trọng Hoàng còn phải cảm thán: đến bữa cơm cầm đôi đũa còn run tay. Phương pháp quản quân của Goetz nhận được sự chia sẻ bởi “kỷ luật sắt” được xem là chọn lựa đúng đắn cho các cầu thủ Việt Nam vốn ít tự giác, thiếu chuyên nghiệp.
Tới Indonesia, ông Goetz vẫn giữ nguyên nếp sinh hoạt, tập luyện như quãng thời gian chuẩn bị ở Việt Nam. Không tiếp xúc với báo chí, không dùng điện thoại trên xe, trong giờ ăn… có cảm giác U23 Việt Nam của Goetz giống như một trại lính. Chỉ có điều, phương pháp quản quân tưởng như hợp lý của Goetz lại không cho đáp án tốt. Rất dễ nhận ra khoảng cách giữa các cầu thủ trên đất Indonesia. Nhóm cầu thủ Nghệ An, nhóm Thanh Hóa – Hà Nội và phần còn lại, thường ngồi ăn riêng một bàn. Trên sân, hiếm gặp hình ảnh học trò của Goetz niềm nở tươi cười và hầu như quên bắt tay đồng đội vào sân thay người.
Bản thân ông thầy người Đức không có sự thân thiện với học trò. Ngoài những lúc chỉ giáo trên sân tập, Goetz hầu như không gần gũi học trò. Trên sân, ông nhiều lần nổi cáu ở những thời điểm nhạy cảm như khi bị Philippines dẫn trước, bị Myanmar cầm hòa, bị Lào quần cho tơi tả ở hiệp một và bất lực trước Indonesia, Myanmar ở hai trận đấu cuối cùng. Cũng khác hẳn với người tiền nhiệm Calisto, Goetz không có thói quen nhận lỗi. Sau các trận đấu, đối diện với những câu hỏi về hạn chế, ông nói rằng mình chỉ là HLV, việc của mình là truyền đạt, còn trên sân là việc của cầu thủ. Với các trợ lý, ông thầy người Đức thường hành xử một chiều. Ông không nghe các ý kiến đóng góp vể chiến thuật, chọn người dù nhiều lần các cộng sự đề nghị thay đổi cách chơi của đội.
Thể hình nhỏ, thể lực yếu nên ở hai trận đấu cuối cùng khi U23 Việt Nam thường xuyên thua trong các pha tranh chấp tay đôi, tì đè hoặc đua tốc độ. Hạn chế này theo nhiều tuyển thủ, bắt nguồn từ “thực đơn tập luyện” quá nặng của Goetz. Trên đất Indonesia, Goetz từng nhiều lần cho U23 Việt Nam tập luyện nguyên buổi trưa. Ở những ngày không ra sân tập, ông bắt học trò vào phòng tập tạ. Tập nặng trong thời điểm thi đấu là điều tối kỵ nhưng ông Goetz dường như đã quên điều này.
Từ thời H.Calisto năm 2008 tới Goetz, tuyển Việt Nam chơi với sơ đồ một tiền đạo, thiên về phòng ngự - phản công với những pha đan bóng ngắn. Cách chơi này với đỉnh cao là cúp vô địch Đông Nam Á 2008, được thừa nhận là phù hợp nhất với bóng đá Việt Nam. Ông Goetz khi bắt tay vào việc đã phế bỏ những dấu ấn của người tiền nhiệm. Ông cho U23 Việt Nam chơi với hai tiền đạo và chọn cách tấn công bằng những pha lên bóng ở hai biên. Thiếu thể lực, thể hình không đủ để dứt điểm những quả bóng tầm cao, lối đá biên của Goetz phá sản hoàn toàn ở SEA Games 26. Nhìn lại cả 7 trận trên đất Indonesia, thật khó để tìm ra đâu là chiến thuật của U23 Việt Nam. Chính việc loại bỏ lối chơi giúp Việt Nam đăng quang AFF Cup 2008 là nguyên nhân khiến nhiều cổ động viên và giới chuyên môn phản ứng.
Goetz nhiều lần than thở ông không có tiền đạo tốt. Vì thế U23 Việt Nam phải chú trọng tuyến giữa làm cú đấm từ xa và đẩy các tiền vệ lên chơi tiền đạo. V-League và hạng Nhất đang thịnh trào lưu dùng tiền đạo ngoại, các chân sút nội vì thế mất chỗ đứng. Thực tế, Goetz vẫn có vài sự lựa chọn. Sau giải U21 quốc tế báo Thanh Niên đã có nhiều ý kiến đề nghị Goetz cho cặp tiền đạo Hữu Khôi – Minh Tuấn cơ hội. Minh Tuấn được chọn nhưng Goetz bỏ qua Hữu Khôi. Tuy nhiên, tiền đạo người Đà Nẵng lại không thể góp mặt buổi nào do chấn thương nặng.
Ông Goetz đã hiểu các học trò hơn
Sau thất bại, trong cuộc phỏng vấn với VTV1, ông cho rằng thực tế mà nói đội quân lần này của ông không thể và không có khả năng vô địch.
Những gì xảy ra với ông Goetz ở SEA Games là những dữ kiện thực liên tục vỡ ra trước mắt ông với tốc độ của từng trận đấu. Năng lực của các tuyển thủ, những điều chỉnh sai lầm của ông dẫn đến bế tắc, ức chế và cuối cùng là tan vỡ đội hình U23 Việt Nam, một không khí thi đấu khắc nghiệt thuộc dạng nhất thế giới ở Gelora Bung Karno và những nền bóng đá đang tiến bộ của Malaysia, Indonesia, Myanmar... của vùng Đông Nam Á. Ông thừa nhận Việt Nam không thể triển khai lối chơi và tạo sức ép được lên một đối thủ hơn về thể lực, thể hình và dày dạn kinh nghiệm như U23 Indonesia. Còn thất bại trước Myanmar là do các cầu thủ đã mất hết tinh thần sau trận bán kết.
Ông nói: "Nếu có điều ước, tôi ước mình có thêm nhiều thông tin về các đối thủ, hiểu biết về bóng đá Đông Nam Á. Tôi muốn biết nhiều hơn khả năng, đặc điểm của các cầu thủ để có bài tập phù hợp và cải thiện."
Kỳ trăng mật của ông Goetz tại Việt Nam đã hết. SEA Games 26 đã khiến ông Goetz hiểu được thực trạng của bóng đá Việt Nam. Ông Lê Thế Thọ, thành viên Hội đồng HLV quốc gia cho rằng, điều mà ông Goetz không biết là ông đang phải đối diện với một "sức ỳ" của một nền bóng đá.
Dù thế nào, nếu muốn làm tốt nhiệm vụ thuyền trưởng của mình, ông Goetz sẽ phải học hỏi để hiểu được cầu thủ Việt Nam với nền tảng kiến thức bóng đá, thể lực và năng lực tư duy chiến thuật. Từ những dữ liệu thật này, ông mới có thể tìm được một lối chơi hợp lý cho các cầu thủ Việt Nam. Chỉ khi đó, vị thuyền trưởng mới không lạc đường.
Theo VNE