F0 không có nghĩa là dừng lại
(BDO) “Chị giấu tên và đơn vị em đang làm việc nha. Em không muốn gia đình và mọi người phải lo lắng vì em”. Đó là lời dặn của T.T.N., một cô giáo trẻ ở TP.Dĩ An với tôi khi có dịp trò chuyện. Càng tìm hiểu về T.T.N., tôi càng trân quý tấm lòng của các tình nguyện viên (TNV) từng là F0 trong trận chiến chống dịch Covid-19 ở “vùng đỏ”.
T.T.N (người đi đầu) cùng đồng đội đi phát quà trung thu cho các em thiếu nhi trong khu phong tỏa, cách ly ở TP.Dĩ An
Góp sức trẻ vì cộng đồng
T.T.N. không còn nhớ rõ mình đã tham gia làm TNV từ ngày nào. Cô chỉ nhớ là từ những ngày đầu tiên TP.Dĩ An bắt đầu bùng phát dịch. Trước đó, T.T.N. đã có nguyện vọng làm TNV ở TP.Hồ Chí Minh nhưng không được duyệt. Vì thế, khi TP.Dĩ An có thông báo tuyển TNV, T.T.N. đã đăng ký ngay. Lúc đó, trong suy nghĩ của T.T.N. là đất nước đang cần những người trẻ như mình để chiến đấu, nên mình cứ đăng ký để có thể góp phần nhỏ vào cuộc chiến này.
Ban đầu, T.T.N. được phân công vào đội truy vết các F0 và F1, rồi nhập liệu tại Trung tâm Y tế TP.Dĩ An. Ban ngày đi làm, tối về T.T.N lại làm bài cá nhân vì vẫn còn đi học thêm. Những ngày làm ở Trung tâm Y tế TP.Dĩ An đối với T.T.N rất vất vả và đôi khi căng thẳng vì các F0 không khai báo hết được quá trình di chuyển cũng như tiếp xúc với ai. Đội truy vết của T.T.N. phải gọi điện liên tục, đôi khi mất nửa ngày cho một F0. Tuy vậy T.T.N. luôn thấy xứng đáng vì có như vậy thì mới truy hết được các F1 và khoanh vùng để dịch lây lan ra cộng đồng thêm nữa.
Với T.T.N., các bạn tình nguyện ở TP.Dĩ An rất hòa đồng. Đôi khi gặp những ca quá khó để liên lạc hoặc không thể truy ra lịch trình di chuyển, mọi người sẽ cùng giúp đỡ nhau hoàn thành công việc. Tuy vất vả nhưng nhờ tình cảm mọi người dành cho nhau, cũng như từ lực lượng y tế, T.T.N có thêm nhiều động lực để vươn lên.
F0 không có nghĩa là dừng lại
Sau một thời gian, khi số ca bệnh tăng cao, T.T.N. được chuyển sang bộ phận hỗ trợ lấy mẫu cộng đồng. Vào lần đi lấy mẫu ấy, T.T.N. đã không may mắc Covid-19 và được đưa vào điều trị tại khu cách ly ở trường Tiểu học Tân Đông Hiệp C. “Thật sự khi thấy test lên 2 vạch mình rất lo. Lo vì sợ lây cho người nhà, đồng đội và lo vì liệu còn có thể hòa cùng dòng người ngày hết dịch hay không. Nhưng ngay khi nhìn thấy ánh mắt của các đồng đội đang lo lắng cổ vũ cho mình thì mình tự nhủ phải cố lên để vượt qua”, T.T.N. xúc động kể lại.
Do T.T.N. có triệu chứng nhẹ nên khi được đưa vào đến khu cách ly, cô giáo trẻ này đã cố gắng truyền thêm năng lượng tích cực đến những F0 cùng phòng để mọi người bớt suy nghĩ lo lắng mà mau khỏi bệnh. “Mình may mắn khi bản thân là một trong những ca bệnh có triệu chứng nhẹ, chỉ ho sốt vài hôm rồi khỏi bệnh nên mình cố gắng giúp mọi người đặt thêm thuốc men, vật dụng cá nhân từ ngoài vào vì đôi khi có những người quá lo lắng vội vã mà chưa kịp mang theo gì. Mình cố gắng giúp mọi người thoải mái nhất có thể”, T.T.N. tâm sự.
Với suy nghĩ F0 không có nghĩa là dừng lại, sau khi vừa ra khỏi khu điều trị, T.T.N. đã lập tức đăng ký với Thành đoàn Dĩ An để tiếp tục tham gia chống dịch. Và cũng từ đó, cô giáo trẻ vẫn tham gia như trước nhưng mang trong mình niềm tin lớn hơn là “Chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch”.
Năm học mới đã bắt đầu, nhà trường đã có lời nhắn các giáo viên tạm ngưng hỗ trợ để phục vụ công tác dạy học. T.T.N. cho biết cô sẽ sắp xếp bố trí công việc và tiếp tục chống dịch với quyết tâm sẽ cùng đồng đội chiến đấu cho đến khi hết dịch. Kể cho chúng tôi nghe với ánh mắt rưng rưng lệ, T.T.N. nghẹn ngào: “Vào những ngày chuẩn bị cho năm học mới, em nhận được tin có rất nhiều bé không thể học vì điều kiện thiếu thốn, đặc biệt có một tin khiến em và các đồng đội rơi nước mắt là rất nhiều em đã trở thành trẻ mồ côi. Giá như có thể, em sẽ nhận nuôi hết các bé, nhưng khả năng không thể, nên chỉ có thể gửi đến các em nhỏ những phần quà hôm trung thu và ngày ngày chiến đấu để các em dù mất gia đình nhưng còn những tấm lòng tốt bên cạnh”.
MINH HIẾU