F0 khỏi bệnh cần tiêm vắc xin ngừa Covid-19

Thứ tư, ngày 23/03/2022

(BDO) Khỏi bệnh nhưng vẫn có thể tái nhiễm

Rất nhiều người sau khi mắc Covid-19 thì chủ quan cho rằng mình có kháng thể cực mạnh, lại đã tiêm vắc xin nên không lo bị tái nhiễm. Tuy nhiên, trên thực tế có không ít trường hợp mắc Covid-19 điều trị khỏi, trong vòng hơn 1 tháng lại tiếp tục bị tái nhiễm lần 2. Đó là trường hợp của anh N.V.B. ở phường Bình Hòa, TP.Thuận An. Anh B. bị nhiễm Covid-19 vào đầu tháng 1-2022 và 1 tuần sau thì khỏi. Anh B. chủ quan cho rằng mình đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin lại mới mắc Covid-19 nên kháng thể sẽ rất mạnh và không đi tiêm thêm vắc xin ngừa Covid-19. Gần đây anh B. thấy người hơi mệt, sốt nhưng không bị mất vị giác, nghĩ rằng đó là biểu hiện của hậu Covid-19 nên không đi khám. Tại bệnh viện, qua test nhanh anh B. phát hiện mình tiếp tục bị dương tính. Lúc đầu anh B. không tin, đi test lại thì vẫn 2 vạch, hỏi bác sĩ thì được lý giải hoàn toàn có khả năng tái dương tính. Tuy nhiên lần sau tái dương tính không nặng như lần trước, chỉ hơi ho một chút và 4 ngày đã âm tính.

Theo hướng dẫn cập nhật mới nhất của Bộ Y tế, người sau khi mắc Covid-19, được điều trị khỏi bệnh (hồi phục) và hoàn thành việc cách ly y tế theo quy định cần sớm được tiêm chủng vắc xin Covid-19, bao gồm các liều vắc xin cơ bản và mũi tiêm nhắc lại (mũi 3).

Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết mặc dù F0 khỏi bệnh đã có mức độ miễn dịch nhất định nhưng vẫn có nguy cơ tái nhiễm Covid-19. Đặc biệt là khi tình hình dịch bệnh vẫn còn đang diễn biến phức tạp. F0 mới khỏi bệnh có khả năng tái nhiễm nhiều lần, nhất là người chưa tiêm vắc xin. Trong khi kháng thể có được sau khi nhiễm bệnh đã có hiệu quả, các cơ quan y tế khuyến khích F0 khỏi bệnh vẫn nên tiêm vắc xin. Vì tiêm chủng cung cấp thêm một lớp bảo vệ, làm giảm nguy cơ tái nhiễm và ngăn chặn sự lây lan của vi rút. Các chuyên gia nhận định, khi nhiễm Covid-19, cơ thể sẽ tạo ra miễn dịch, nhưng không phải miễn dịch nào cũng có tính chất bền vững vì sẽ luôn có sự suy giảm nồng độ kháng thể trong máu. Chưa kể với những biến chủng mới của Covid-19 gần đây sẽ thâm nhập vào các tế bào trong cơ thể rất nhanh mà kháng thể chưa kịp đáp ứng lại được. Ai cũng có khả năng tái nhiễm Covid-19, thậm chí tái nhiễm nhiều lần nếu không tuân thủ nguyên tắc phòng ngừa dịch bệnh.

SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 biến đổi không ngừng, càng lây nhiễm nhiều thì tốc độ biến đổi càng nhanh. Kết quả nhiều nghiên cứu cho thấy, có tỷ lệ bệnh nhân gặp biến chứng nghiêm trọng sau tái nhiễm Covid-19, điều này phụ thuộc vào thời điểm mắc bệnh quá gần nhau và cơ địa bệnh nền của mỗi bệnh nhân. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho rằng lý do chính F0 khỏi bệnh có khả năng tái nhiễm là lượng kháng thể sinh ra sau khi khỏi bệnh không đủ mạnh để bảo vệ cơ thể. Việc xuất hiện thêm các biến chủng mới nguy hiểm hơn cũng được xem là nguyên nhân của tình trạng tái dương tính đối với bệnh nhân Covid-19. Thời gian qua, nhiều biến thể đáng lo ngại như biến thể Alpha (B.1.1.7), biến thể Beta (B.1.315), biến thể Gamma (P.1), biến thể Delta (B.1.617.2) và mới đây nhất là biến thể Omicron (B.1.1.529) được phát hiện. Các chủng này đều có khả năng lây lan nhanh chóng với các vi rút đột biến nguy hiểm. Vì thế, khả năng nhiễm một chủng khác đối với những người từng nhiễm Covid-19 là hoàn toàn có thể. Người nhiễm Covid-19 đã khỏi bệnh cần tiêm vắc xin ngừa Covid-19.

Cần tiêm vắc xin ngừa Covid-19

Theo hướng dẫn cập nhật mới nhất của Bộ Y tế, người sau khi mắc Covid-19, được điều trị khỏi bệnh (hồi phục) và hoàn thành việc cách ly y tế theo quy định cần sớm được tiêm chủng vắc xin Covid-19, bao gồm các liều vắc xin cơ bản và mũi tiêm nhắc lại (mũi 3).

Bác sĩ Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: Với những người chưa tiêm vắc xin hoặc sức khỏe yếu sẽ dễ bị tái nhiễm Covid-19 hơn so với những người khác. Đặc biệt, nhóm người trên 65 tuổi, người hay sử dụng thuốc ức chế miễn dịch và người có nhiều bệnh lý nền, bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường cũng thuộc nhóm nguy cơ cao tái nhiễm Covid-19. Chuyên gia khuyến cáo, những người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh phải tiêm vắc xin ngừa Covid-19 ngay sau đó. Bởi việc tiêm chủng giúp tăng cường sự bảo vệ ở những người đã phục hồi sau khi mắc Covid-19.

Sau khi khỏi bệnh, cơ thể vẫn cần hồi phục sau đợt tấn công của vi rút, do đó cần tăng cường miễn dịch để chống lại các đợt tấn công mới của vi rút gây bệnh. Hiện nay, những dữ liệu có sẵn không cung cấp bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy tiêm chủng sau khi nhiễm SARS-CoV-2 là có vấn đề hoặc dẫn đến nguy hiểm. Các nghiên cứu để được cấp phép các loại vắc xin bao gồm những người đã từng bị nhiễm SARS-CoV-2, cho thấy những người này thích ứng với vắc xin tương đương những người không mắc bệnh trước đó. Thực tế đã có nhiều vắc xin hơn và có đầy đủ quan sát về sự vô hại của vắc xin đối với người khỏi bệnh nên việc tiêm chủng có thể tiến hành ngay sau khi khỏi bệnh Covid-19.

Người đã nhiễm Covid-19 cần phải tiêm vắc xin ngừa Covid-19 đầy đủ bởi tiêm vắc xin không chỉ để bảo vệ một cá nhân nào đó mà là bảo vệ cả cộng đồng. Việc tiêm vắc xin để đạt được miễn dịch cộng đồng cần có sự tham gia của những người từng nhiễm Covid-19. Ngoài ra, những người đã từng mắc SARS-CoV-2 vẫn phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, khử khuẩn, giữ khoảng cách… để ngăn chặn Covid-19 lây lan trong cộng đồng.

 F0 khỏi bệnh cần tiêm vắc xin ngừa Covid-19 để tăng kháng thể bảo vệ trước các biến chủng. Trong ảnh: Tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho người dân TP.Thủ Dầu Một

HOÀNG LINH

Từ khóa: