F0 giảm mạnh, đẩy nhanh bao phủ vắc xin

Thứ năm, ngày 07/10/2021

(BDO) Những tín hiệu đáng mừng

Theo biểu đồ tình hình dịch, trong khoảng 10 ngày trở lại đây (từ ngày 27-9 đến nay) số ca F0 đang giảm mạnh và giảm dần qua từng ngày. Cụ thể, ngày 27-9, toàn tỉnh ghi nhận 3.793 ca thì ngày 30-9 là 2.103 ca, ngày 3-10 là 1.283 ca, ngày 5-9 là 1.107 ca và ngày 6-10 là 852 ca. Trung bình mỗi ngày giảm từ 100 đến 300 ca. Tính trong giai đoạn từ ngày 18-9 đến ngày 26-9, toàn tỉnh ghi nhận 26.530 ca mắc nhưng từ 27-9 đến ngày 5-10 chỉ còn 17.766 ca, giảm 8.764 ca sau gần 20 ngày. Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế, cho biết tỷ lệ ca F0 đang giảm dần là một tín hiệu đáng mừng, việc chống dịch đang ở mức độ có hiệu quả rất tốt; đặc biệt khi tỉnh thực hiện kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch trong trạng thái “bình thường mới”.

Công nhân lao động trên địa bàn phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một vui mừng khi được tiêm vắc xin ngừa Covid-19. Ảnh: MINH DUY

“Đây là kết quả của chiến lược thu hẹp “vùng đỏ”, mở rộng, bảo vệ “vùng xanh”, kiểm soát ngăn chặn nguồn lây, chuỗi lây nhiễm mới gắn với quá trình truy vết chính xác, xét nghiệm thần tốc. Tỉnh sẽ có tổng kết nhưng thời điểm này vẫn còn quá sớm để khẳng định. Tuy nhiên, cả hệ thống chính trị tỉnh đã rất cố gắng để ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta; trong đó nhân tố quan trọng dẫn đến sự giảm mạnh số ca mắc gần đây là do tốc độ tiêm vắc xin nhanh cho người dân trong tỉnh. Số ca mắc giảm không có nghĩa là mọi người lơ là, chủ quan mà cần thực hiện nghiêm hơn nữa nguyên tắc “5K” của Bộ Y tế, quét mã QR tại các địa điểm đến” tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương nói.

Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 200.435 bệnh nhân xuất viện, khỏi bệnh, chiếm 90% tổng số ca nhiễm (218.812 ca). Điển hình như ngày 28-9, toàn tỉnh có 4.993 bệnh nhân xuất viện, cao gấp hơn 2 lần số bệnh nhân nhập viện là 2.314 bệnh nhân.

Cùng với số ca nhiễm giảm mạnh, số trường hợp F0 mới có triệu chứng cần phải nhập viện điều trị cũng giảm dần, số bệnh nhân xuất viện ngày càng tăng. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 200.435 bệnh nhân xuất viện, khỏi bệnh, chiếm 90% tổng số ca nhiễm (218.812 ca). Điển hình như ngày 28-9, tỉnh có 4.993 bệnh nhân xuất viện, cao gấp hơn 2 lần số bệnh nhân nhập viện là 2.314 bệnh nhân. Các ngày sau đó số bệnh nhân nhập viện cũng giảm dần, ngày 1-10 là 1.276 bệnh nhân, ngày 3-10 là 1.057 và ngày 5-10 là 637 bệnh nhân. Cùng với quyết tâm “bóc tách” tất cả các trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng, ngành y tế tỉnh quyết tâm sắp xếp, điều phối 3 tầng thu dung điều trị, phát huy vai trò của trạm y tế lưu động tại cộng đồng và trạm y tế lưu động trong doanh nghiệp.

Lần đầu tiên, các trạm y tế triển khai gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0 không có triệu chứng, không yếu tố nguy cơ với gói thuốc điều trị tại nhà nhằm tạo điều kiện tốt nhất để người bệnh phục hồi sức khỏe, đồng thời giảm áp lực cho các khu thu dung điều trị, Bệnh viện dã chiến tầng 1. Các bệnh viện thuộc tầng 2 tiếp tục được đầu tư, tăng cường nguồn oxy và các trang thiết bị phù hợp, nhất là các thuốc điều trị đặc hiệu theo hướng dẫn của Bộ Y tế nhằm giúp giảm các trường hợp chuyển nặng, nguy kịch, giảm áp lực cho các bệnh viện tầng 3. 2 bệnh viện tầng 3 là Khu điều trị Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Hồi sức cấp cứu tỉnh tiếp tục được duy trì, góp phần đáp ứng nhu cầu hồi sức tích cực cho các trường hợp nguy kịch trong giai đoạn dịch bệnh còn diễn biến phức tạp như hiện nay.

Đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin mũi 2

Để tăng miễn dịch cộng đồng, chung sống với dịch Covid-19, hiện tỉnh đang đẩy mạnh tốc độ tiêm vắc xin mũi 2 cho người dân. Việc đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng là một trong những lý do làm giảm ca nhiễm. Để sớm khôi phục sản xuất, tỉnh vẫn đang đẩy mạnh ưu tiên tiêm vắc xin mũi 2 ngừa Covid-19 cho công nhân, người lao động. Đây là điều kiện quan trọng giúp các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất trong thời gian tới.

Trạm y tế lưu động Cụm công nghiệp Phú Chánh tổ chức tiêm vắc xin mũi 2 ngừa Covid-19 cho người lao động tại doanh nghiệp. Ảnh: ĐỖ TRỌNG

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế, cho hay từ một địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp, độ bao phủ vắc xin không nhiều nhưng đến nay, hơn 95% người dân từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin ngừa Covid-19, trong đó có nhiều công nhân lao động. Lũy kế đến ngày 5-10, toàn tỉnh đã tiêm được 2.319.808 liều vắc xin các loại trong tổng số 3.386.250 liều được phân bổ; trong đó có 2.040.734 người tiêm mũi 1 và 279.074 người tiêm mũi 2. Để bảo đảm độ bao phủ rộng, có những thời điểm Bình Dương đẩy mạnh tốc độ tiêm chủng đạt hơn 100.000 mũi tiêm/ngày như trong đợt tiếp nhận 750.000 liều vắc xin Vero Cell, toàn tỉnh chỉ tiến hành tiêm trong khoảng 5 ngày đã hết số vắc xin được phân bổ nhưng bảo đảm an toàn tiêm chủng.

Theo thông tin từ Sở Y tế, hiện các địa phương đang thực hiện kế hoạch tiêm vắc xin đợt 46 với 324.600 liều vắc xin Vero Cell. Toàn bộ số vắc xin này tỉnh đã phân bổ cho các địa phương, cụ thể TP.Dĩ An là địa phương được phân bổ nhiều nhất với 67.000 liều, kế đến là TP.Thủ Dầu Một (62.000 liều), TX.Tân Uyên (55.000 liều), TX.Bến Cát (40.000 liều), TP.Thuận An (30.600 liều), huyện Bắc Tân Uyên, huyện Dầu Tiếng cùng 15.000 liều, huyện Phú Giáo, huyện Bàu Bàng cùng 18.000 liều. Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện các địa phương đang tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, huy động sự vào cuộc của Trạm Y tế lưu động. Trong đó, trong 2 ngày 4 và 5-10, các trạm y tế lưu động trên địa bàn tỉnh đã tiêm được hơn 17.000 liều vắc xin Vero Cell.

Chị Hồ Huệ Hòa, công nhân Công ty TNHH Hang Lan (phường Phú Chánh, TX.Tân Uyên):
Tôi cùng gần 200 công nhân lao động khác đang làm việc theo phương án “3 tại chỗ” tại công ty. Khi được công ty thông báo danh sách công nhân được ưu tiên tiêm trước, tôi rất vui mừng và phấn khởi khi được tiêm mũi 2 đúng thời gian sau khi đã được tiêm mũi 1. Công ty đã trang bị thuốc hạ sốt đầy đủ và tăng khẩu phần ăn bồi dưỡng nên CNLĐ đã nhanh chóng lấy lại sức khỏe và làm việc bình thường. Từ nay tôi và các đồng nghiệp sẽ an tâm hơn và có động lực để tiếp tục làm việc.
Anh Phạm Như Công, công nhân tại Công ty TNHH Wanek (KCN VSIP II, phường Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một):
Hôm 4-10 vừa qua tôi đã được tiêm mũi 2 vắc xin ngừa Covid-19 nên yên tâm hơn về sức khỏe để tiếp tục làm việc. Tôi mong những người lao động khác cũng sẽ sớm được tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa Covid-19 để bảo vệ sức khỏe tốt hơn và an tâm làm việc, gắn bó với DN. Cảm ơn các cấp lãnh đạo tỉnh đã tổ chức cho chúng tôi được tiêm vắc xin mũi 2 đúng thời gian.
Chị Phạm Thị Phượng, công nhân làm việc tại Công ty TNHH Cheng Chia Wood (phường Tân Vĩnh Hiệp, TX.Tân Uyên):
Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, trong khi thường xuyên làm việc trong môi trường tập thể nên bản thân tôi cảm thấy hơi lo lắng và mong sớm được tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa Covid-19. Nay được tiêm mũi 2, sức khỏe được bảo vệ tốt hơn, tôi sẽ tập trung làm việc tốt hơn vào thời gian tới, đồng thời sẽ vẫn tiếp tục thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo đúng khuyến cáo của ngành y tế.

KIM HÀ

Từ khóa: