EU ký hiệp ước mới siết chặt kỷ luật ngân sách
Các nhà lãnh đạo 25 trong số 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 2-3 đã ký Hiệp ước ngân sách mới của EU, theo đó buộc các chính phủ phải thực thi ngân sách cân bằng thông qua "quy tắc vàng" hoặc phải đối mặt với các hình phạt.
Hai nước thành viên EU là Anh và Séc không ký văn kiện này vì lo ngại hiệp ước mới trao quá nhiều thẩm quyền cho Uỷ ban châu Âu (EC) để can thiệp vào chính sách kinh tế của các nước này.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso (phải), Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy (trái). Hiệp ước mới, có tên gọi đầy đủ là Hiệp ước về ổn định, phối hợp và quản lý trong Liên minh tiền tệ và kinh tế (Treaty on Stability, Coordination and Governance in the Economic and Monetary Union), được coi là nền tảng để đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công kéo dài hai năm nay, dẫn tới các gói cứu trợ bắt buộc khổng lồ cho Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ireland.
Phát biểu tại lễ ký, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy tuyên bố Hiệp ước ngân sách mới sẽ giúp củng cố sự liên kết nhằm mục tiêu tạo ra công ăn việc làm mới và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở châu Âu. Ông nhấn mạnh rằng từ nay, về mặt kinh tế, EU đứng vững trên 2 trụ cột là liên minh tiền tệ và liên minh ngân sách.
Chủ tịch EC Jose Manuel Barroso cũng cho rằng việc ký Hiệp ước ngân sách chứng tỏ EU đang chuyển biến từ một liên minh tiền tệ thành một liên minh kinh tế thực sự. Theo ông, EU đang phát đi một tín hiệu chính trị quan trọng với các thị trường và cộng đồng thế giới về sự thống nhất của khối và về hiện trạng của EU. Ông Barroso còn cho rằng việc thông qua Hiệp ước ngân sách làm cho đồng euro trở thành một "đồng tiền không thể đảo ngược," một đồng tiền của toàn EU.
Hiệp ước ngân sách mới, được soạn thảo theo sáng kiến của Đức và Pháp, quy định những hạn chế nghiêm ngặt đối với chính sách tài chính của các nước thành viên khu vực đồng euro nhằm tránh tái diễn một cuộc khủng hoảng nợ như hiện nay.
Theo hiệp ước này, tất cả các nước EU phải tuân thủ "quy tắc vàng" kỷ luật ngân sách là thâm hụt cơ cấu ngân sách không được vượt quá 0,5% GDP. Đối với các nước có mức nợ công thấp, thâm hụt ngân sách không được vượt quá 1% GDP. Nợ của tất cả các nước EU không được vượt quá 60% GDP. Các nước có nợ công cao hơn 60% GDP (hiện có 24/27 nước vượt mức này) phải giảm nợ tối thiểu 5% mỗi năm.
Tất cả các nước ký hiệp ước này phải đưa quy định nói trên vào hiến pháp và quá trình này sẽ do Toà án tư pháp châu Âu giám sát. Các nước chậm trễ trong việc sửa đổi hiến pháp có thể bị phạt tới 0,1% GDP và khoản tiền này được chuyển vào Quỹ bình ổn tài chính của EU.
EC sẽ theo dõi mức thâm hụt ngân sách và nợ quốc gia. Nếu thâm hụt ngân sách của một nước trong năm vượt ngưỡng 3% GDP, một cơ chế điều chỉnh sẽ tự động vận hành, theo đó EC khuyến nghị nước này thực hiện một gói biện pháp bắt buộc để bình ổn tình hình.
Để Hiệp ước ngân sách mới chính thức có hiệu lực, trong những tháng tới, 25 nước EU đã ký hiệp ước cần phải phê chuẩn văn kiện này. Hiện chỉ có Ireland tuyên bố sẽ đưa hiệp ước ra trưng cầu ý dân. Dự kiến, các nước còn lại sẽ đưa ra quốc hội để xem xét thông qua hiệp ước.
Theo TTXVN