EU đánh giá tích cực về triển vọng đàm phán hạt nhân Iran

Thứ hai, ngày 21/06/2021

(BDO)

Các đại biểu tham dự vòng đàm phán thứ 6 về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran tại thủ đô Vienna, Áo ngày 12/6/2021. (Ảnh: IRNA/TTXVN)

Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell ngày 20/6 khẳng định Tehran và các cường quốc thế giới vẫn có thể đạt được một thỏa thuận nhằm khôi phục hiệp định hạt nhân năm 2015, hay còn được gọi là Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA), sau khi ông Ebrahim Raisi đắc cử Tổng thống Iran.

Theo ông Borrell, các bên liên quan đang tới “rất gần” một thỏa thuận và có thể giúp khu vực Trung Đông trở nên an toàn hơn, đồng thời giảm bớt những khó khăn với nền kinh tế Iran do các biện pháp trừng phạt dầu mỏ và tài chính mà Mỹ tái áp đặt kể từ khi rời khỏi JCPOA 3 năm trước đây.

Phát biểu trước một nhóm phóng viên ở thủ đô Beirut, Liban, quan chức EU nói: “Chúng tôi đang sắp hết thời gian trong tiến trình đàm phán hiện nay. Chúng tôi đã đầu tư rất nhiều vốn liếng chính trị… vì vậy, tôi hy vọng rằng kết quả của những cuộc bầu cử (ở Iran) sẽ không phải là trở ngại cuối cùng, vốn sẽ khiến tiến trình đàm phán bị đổ vỡ. Như tôi được biết… kết quả này sẽ không gây ra nguy cơ đó.”

Các cuộc thảo luận của Ủy ban chung giám sát JCPOA, khởi động từ tháng Tư vừa qua tại Vienna, với sự tham gia của Iran, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh, Đức và Liên minh châu Âu (EU), nhằm làm cầu nối giữa Tehran và Washington để đưa cả hai nước trở lại tuân thủ thỏa thuận.

Nhờ các cuộc thảo luận của ủy ban này, các cường quốc thế giới và Tehran đã bắt đầu đàm phán về việc hồi sinh thỏa thuận hạt nhân, trong đó Mỹ và Iran đàm phán gián tiếp.

Vòng đàm phán thứ sáu đã được nối lại tại Vienna (Áo) ngày 12/6. JCPOA quy định Iran làm giàu urani ở mức độ 3,67%, thấp hơn nhiều so với mức 90% có thể tạo ra vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt trừng phạt Iran năm 2018, Tehran đã dần thu hẹp các cam kết của mình trong thỏa thuận./.

Theo TTXVN