Duy trì vườn cây đặc sản hữu cơ, góp phần bảo vệ môi trường

Thứ hai, ngày 05/06/2023

(BDO)  Nhiều nông dân trên địa bàn tập trung trồng cây ăn trái đặc sản theo hướng hữu cơ để nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng đồng thời góp phần bảo vệ môi trường. Vườn măng cụt 70 năm tuổi của gia đình anh Vương Hoàng Lâm, phường An Thạnh, TP.Thuận An là một trong những điển hình, cây sinh trưởng tốt, trái ngọt đậm đà hương vị “măng cụt Lái Thiêu”.

 Anh Vương Hoàng Lâm bên vườn măng cụt chăm sóc theo phương pháp hữu cơ của gia đình

 Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi bước chân vào vườn măng cụt của gia đình anh Vương Hoàng Lâm khá rộng rãi, thoáng mát. Đặc biệt, vườn măng cụt của gia đình anh Lâm được trồng so le với khoảng cách khá rộng, tới 10m. Anh Lâm giải thích, cách trồng như vậy sẽ giúp tận dụng được hết không gian. Nếu 2 cây trồng ngang hàng khi cây lớn nhánh sẽ chạm nhau, nhánh ở dưới bị khuất nắng sẽ tự động chết. Với diện tích hơn nửa mẫu nhưng vườn nhà anh Lâm chỉ trồng 75 gốc măng cụt, cây nào cũng tán rộng sum suê, xanh tốt.

Anh Lâm bồi hồi tâm sự, để có vườn măng cụt đầy sức sống như ngày hôm nay là nhờ công sức và tâm huyết của ông ngoại đã gầy dựng nên. Ngày xưa nơi đây là ruộng lầy, rất nhiều phèn, ông ngoại của anh dùng xuồng chống ra sông lớn, chờ nước cạn hốt bùn về lấp ruộng lầy. Cứ như vậy sau vài năm thì lấp cạn được chỗ lầy và chắt mương ra cho xổ phèn, rồi bắt đầu trồng măng cụt, khoảng trống giữa 2 cây măng cụt trồng chanh, lấy lợi nhuận từ chanh để nuôi măng cụt.

“Thời đó không có phân hóa học, toàn phân hữu cơ. Sau này gia đình tận dụng tro, phân bò, phân gà ủ khoảng 1 - 2 năm rồi bón cho cây, bón thêm vôi để trung hòa phèn. Phân hữu cơ cây “ăn” chậm nhưng có tính ổn định, cây không bị “bốc” lên quá nhanh sau đó hụt chất dinh dưỡng dẫn đến suy. Dù vườn măng cụt đã lâu năm nhưng cây không bị suy kiệt, rễ cây khỏe. Một trong những lợi ích của phương pháp hữu cơ là chất lượng trái rất tốt, độ ngọt và đường ổn định”, anh Lâm cho biết thêm.

Để bảo vệ môi trường cũng như sức khỏe của người trong gia đình, anh Lâm vẫn dùng phương pháp truyền thống để làm cỏ, không xịt thuốc. Anh cho rằng cây măng cụt cơ bản ít sâu, nếu giữ môi trường sạch thì loài thiên địch sẽ phát triển, sẽ diệt được những con sâu có hại. Nhờ trồng phương pháp hữu cơ nên vườn măng cụt của gia đình anh Lâm cho ra trái to tỷ lệ rất cao, trung bình vườn thu hoạch 100kg, đạt khoảng 70% măng lớn.

Năm nay măng cụt được mùa, anh Lâm ước tính mỗi cây sẽ cho thu hoạch khoảng 150kg/vụ, Nhiều người đã biết đến chất lượng măng cụt của gia đình nên hái tới đâu bán hết tới đó. Do số lượng trái ra nhiều hơn mọi năm, nên sau vụ thu hoạch anh Lâm sẽ dùng phân vi sinh chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để dưỡng cây, chăm sóc bổ sung đầy đủ dinh dưỡng.

Anh Lâm là một trong số ít người thuộc thế hệ sau này đang ra sức giữ gìn, phát huy vườn cây ăn trái đặc sản truyền thống của địa phương. Với tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ như hiện nay, việc giữ được vườn măng cụt nguyên sơ thật đáng quý. Khi môi trường đang ngày càng ô nhiễm làm gia tăng hậu quả, việc trồng trọt theo phương pháp hữu cơ sẽ giúp giảm thiểu đưa chất độc hại vào môi trường, cân bằng hệ sinh thái.

 Theo ông Đặng Tấn Lộc, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP.Thuận An, trước đây chưa có phân hóa học người nông dân hoàn toàn trồng theo hướng hữu cơ. Sau này đối với cây ăn trái thì phân hữu cơ vẫn là chủ yếu, hiệu quả của trồng theo phương pháp hữu cơ là cây phát triển tốt và có tính bền vững hơn, góp phần bảo vệ môi trường. Hiện nay, theo đánh giá có khoảng 80% nông dân trồng măng cụt theo hướng hữu cơ, còn lại kết hợp giữa phân hữu cơ và hóa học.

 TIẾN HẠNH