Duy trì và phát triển cây cao su: Cần sự nỗ lực từ nhiều phía...

Thứ năm, ngày 18/09/2014

(BDO) Thời gian gần đây, giá mủ cao su giảm nên nhiều nhà vườn ở các tỉnh miền Đông Nam bộ đã chuyển đổi cây cao su sang trồng và nuôi cây, con khác. Nhưng ở Bình Dương, người trồng cao su vẫn duy trì vườn cây, bởi họ ý thức được thiệt hại của “điệp khúc” trồng - chặt. Để duy trì vườn cây, các ngành chức năng trong tỉnh đã có những giải pháp giúp đỡ nông dân phát triển bền vững.

 

Nhiều gia đình vẫn gắn bó với cây cao su. Trong ảnh: Nông dân Hoàng Tuấn An ở xã Tân Hiệp, huyện Phú Giáo khai thác mủ tại vườn cao su của gia đình Ảnh: Đ.TUÂN

Không từ bỏ “vàng trắng”

Hơn 34 năm lên Bình Dương lập nghiệp nhưng đời sống của các hộ đồng bào dân tộc Chăm ở xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng chỉ ổn định khi có vườn cao su cho khai thác. Ông Kho Sanh, Phó Giáo cả người Chăm chia sẻ: “Ở quê nhà (Sóc Trăng), đời sống nhiều gia đình đồng bào Chăm gặp nhiều khó khăn. Để thoát khỏi cảnh nghèo đói, chúng tôi đến Bình Dương để mưu sinh. Ban đầu, bà con khai hoang trồng cây ăn trái, hoa màu nhưng không đủ ăn. Sau đó, được ngành chức năng và địa phương hỗ trợ vốn, kỹ thuật nên các gia đình chuyển đổi sang trồng cao su. Cao su cho năng suất cao, giá ổn định giúp đời sống bà con khấm khá”.

Anh Phạm Văn Hùng ở xã Bình Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên: “Cái gì cũng có một thời hưng - thịnh, nếu cứ chạy theo điệp khúc chặt - trồng có lẽ sẽ không bao giờ đổi đời được. Bài học này nhiều người đã gặp phải. Giờ đây, tôi quyết tâm giữ vườn và trồng xen canh các cây ngắn hạn để lấy ngắn nuôi dài, chứ không quay lưng với “vàng trắng”.

Sự thay đổi của các hộ trồng hồ tiêu, điều ở huyện Phú Giáo là minh chứng rõ nhất cho việc đổi đời nhờ cao su. Những khu vực trồng tiêu trước đây nay được phủ bằng màu xanh bạt ngàn của cao su. Điển hình như gia đình ông Nguyễn Văn Tròn (xã Tam Lập, huyện Phú Giáo), vươn lên trở thành nông dân sản xuất giỏi với 11 ha cao su, 4 ha điều và 1 ha cây ăn trái. Nay giá cao su giảm chỉ bằng 2/3 của năm 2013 nhưng thu nhập của gia đình ông Tròn vẫn cao hơn so với điều, tiêu trước đây.

Khi so sánh hiệu quả kinh tế giữa các loại cây trồng lâu năm, ông Tròn cho rằng cây cao su vẫn cho thu nhập cao nhất. Nếu tính 1 ha hiện nay, hàng tháng ông thu về 10 triệu đồng; trừ chi phí công cạo, phân bón vẫn lãi 4 - 5 triệu đồng/tháng. Theo ông Tròn, những vườn cao su đã cho thu hoạch sẽ không bị thua lỗ. Khó khăn nhất là những vườn cây đủ tuổi đưa vào khai thác trong năm nay; sản lượng thấp (từ 0,7 đến 0,9 tạ/ha), người trồng còn phải đầu tư tô, máng, màng chắn và tiền thuê công nhân giỏi mở miệng cạo đầu tiên. Vì vậy, với giá mủ bình quân 6 tháng đầu năm 2014 là 290 đồng/độ (29 triệu đồng/tấn mủ khô), những vườn cao su mới đưa vào khai thác năm đầu tiên sẽ có phần bị lỗ.

Hỗ trợ bà con duy trì vườn cây

Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 6 tháng đầu năm 2014, diện tích cao su chặt, thanh lý và chuyển đổi của cả nước là 3.856 ha; trong đó có 3.123 ha cao su già cỗi hoặc bị bão, gió lốc làm gãy đổ, không thể phục hồi. Diện tích cao su kiến thiết cơ bản bị chặt đều nằm trên phần đất xấu, không phù hợp để phát triển. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho rằng, cần thông tin để nông dân hiểu rõ bản chất vấn đề, kiên trì không chặt cao su, đặc biệt ở vùng trọng điểm quy hoạch Đông Nam bộ.

Bên cạnh việc trồng, giữ diện tích cao su, nhiều gia đình trồng cao su trong tỉnh hiện cũng mạnh dạn nuôi, trồng xen canh trên diện tích cao su các loại cây, con giống khác. Gia đình ông Nguyễn Văn Đức ở ấp 4, xã Lạc An, huyện Bắc Tân Uyên đã trồng xen canh cây dó bầu lấy trầm hương với diện tích cao su, bước đầu đã mang lại hiệu quả. Cây dó bầu dễ trồng, dễ chăm sóc; quá trình chăm sóc cho cây cao su đã chăm sóc luôn cho cây dó bầu. Cùng với đó, các mô hình chăn nuôi dưới vườn cao su mang lại hiệu quả cũng được nhiều gia đình thực hiện, như: Mô hình nuôi gà lạnh của hộ ông Lê Thành Nguyên ở xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng; mô hình nuôi bồ câu Pháp của anh Lê Hoài Khanh ở xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng…

Để hỗ trợ bà con trồng cao su trong điều kiện khó khăn hiện nay, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các chi hội nông dân tích cực vận động nhân dân không chặt bỏ cao su; bên cạnh đó phối hợp với ngành chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn trồng cây xen canh, hướng dẫn giải pháp giảm giá thành sản xuất… Ông Phạm Văn Bông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sở đã đề nghị Chi cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Phòng Kinh tế các huyện, thị, thành phố thực hiện rà soát các giải pháp thiết thực. Cụ thể như quy hoạch phát triển cao su; điều chỉnh quy mô sản xuất; giải pháp giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành; xây dựng mối liên hệ chặt chẽ giữa người, đơn vị sản xuất mủ cao su và các cơ sở, công ty chế biến mủ...

 ĐỖ TUÂN