Duy trì đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục

Thứ hai, ngày 02/01/2023

(BDO) Năm 2022 khép lại với ngành giáo dục dù còn bộn bề công việc cần tiếp tục triển khai trong những năm tới nhưng cũng để lại nhiều dấu ấn tích cực. Toàn ngành đã chuyển sang trạng thái bình thường mới, đưa học sinh trở lại trường học tập sau thời gian dài ảnh hưởng của dịch Covid-19; đạt được nhiều thành tích trong đổi mới, nâng cao chất lượng dạy học.


Sinh viên Trường đại học Kinh tế quốc dân học tập tại thư viện điện tử.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc thực hiện kế hoạch năm học 2021-2022 bị đứt đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi theo hướng chỉ còn phần cốt lõi; gần 20 triệu học sinh, sinh viên phải tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến, học qua truyền hình; hơn 70 nghìn sinh viên không thể ra trường đúng hạn. Nhiều nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục không thể tiến hành theo đúng kế hoạch, ảnh hưởng tới chất lượng; tư tưởng, tâm lý của đội ngũ nhà giáo, học sinh và các bậc phụ huynh.

Mở cửa trở lại trường học

Khi tình hình dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, ngày 29/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành kế hoạch tổng thể thích ứng với tình hình dịch Covid-19, tổ chức dạy học an toàn, chất lượng với bảy nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm bảo đảm tổ chức các hoạt động dạy học và thích ứng an toàn với dịch bệnh, củng cố và duy trì chất lượng.

Theo Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, khoảng tháng 4-2022, học sinh ở 63 tỉnh, thành phố đã quay trở lại trường học tập bình thường. Đây là công việc đặt ra nhiều thử thách đối với ngành giáo dục bởi thời điểm đó vắc-xin cho trẻ em hầu như chưa có, ảnh hưởng của dịch còn nhiều cho nên phụ huynh, học sinh rất lo lắng. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự quyết tâm cao, sự phối hợp của Bộ Y tế, ngành giáo dục đã thực hiện việc mở cửa lại trường học, các hoạt động dạy và học của toàn bộ hệ thống trở lại bình thường.

Ngành đã kịp thời lên kế hoạch để vừa bảo đảm an toàn trường học phòng, chống dịch, vừa củng cố kiến thức, kỹ năng; làm tiếp phần việc trong thời gian dịch bệnh chưa thực hiện được như: Việc thực tập, thực tế, thực hành, các hoạt động tiếp xúc đông người; bù đắp kiến thức cho học sinh, khắc phục những lỗ hổng, những thiệt thòi của học sinh trong thời gian dài học trực tuyến.

Khi học sinh mới trở lại trường học, các cơ sở giáo dục đã tổ chức tư vấn, hỗ trợ tâm lý, thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh; tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức phù hợp; tổ chức dạy học các nội dung cơ bản, cốt lõi theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo phù hợp điều kiện của nhà trường và các đối tượng học sinh. Hầu hết các cơ sở giáo dục đều xây dựng phương án kiểm tra, đánh giá trực tiếp, kể cả đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ, bảo đảm nghiêm túc, đúng quy chế, bảo đảm chất lượng dạy học.

Khi mở cửa trường học trở lại, năm 2022, vấn đề xây dựng đội ngũ đáp ứng yêu cầu đổi mới của ngành giáo dục cũng gặp phải không ít thách thức khi tình trạng thiếu giáo viên kéo dài từ nhiều năm trước tiếp tục ảnh hưởng quá trình dạy học. Tình trạng thiếu giáo viên; nhiều địa phương trong nhiều năm không tuyển dụng, tuyển ít hơn số cần; thừa thiếu cục bộ, tăng dân số tự nhiên, chuẩn tỷ lệ giáo viên/lớp, giáo viên/học sinh cũng gây tình trạng thiếu giáo viên. Bên cạnh đó, những tác động của dịch Covid-19 khiến giáo viên bỏ việc, chuyển việc và việc triển khai một số môn học mới trong Chương trình giáo dục phổ thông mới cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng thiếu giáo viên.

Để bảo đảm đủ giáo viên, năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương rà soát để thực hiện tốt các quy định về công tác tuyển dụng, sử dụng tinh giản biên chế, khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên; bảo đảm "có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp", ưu tiên giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng phối hợp các bộ, ngành liên quan xây dựng và trình Chính phủ ban hành nghị quyết thực hiện một số chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do dịch Covid-19. Tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung các quy định để hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với đội ngũ.

Đáng chú ý, Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã phối hợp Bộ Nội vụ trình cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung biên chế giáo viên theo lộ trình đến năm 2026. Bộ Chính trị đã quyết định bổ sung 65.980 biên chế giáo viên cho các địa phương giai đoạn 2022-2026. Trên cơ sở đó, Bộ Giáo dục và Ðào tạo có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố triển khai tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non, phổ thông; trong đó đề nghị tổ chức tuyển dụng 27.850 biên chế giáo viên cho năm học 2022-2023. Đây là dịp giải quyết được vấn đề thiếu giáo viên cho nên các địa phương ráo riết vào cuộc. Vì vậy, kết thúc năm 2022, dù chưa giải quyết được tất cả nhưng đã dần khắc phục những hạn chế, từng bước ổn định tình hình đội ngũ.

Dấu ấn thành tích quốc tế

Đáng chú ý, năm 2022 để lại nhiều dấu ấn về những thành tích trong các cuộc thi, hoạt động quốc tế. Bộ Giáo dục và Đào tạo cử bảy đoàn học sinh giỏi Việt Nam với 38 lượt học sinh tham gia Olympic quốc tế. Kết quả, 100% số học sinh Việt Nam dự thi đều đoạt giải, gồm 13 Huy chương vàng, 12 Huy chương bạc, tám Huy chương đồng và năm Bằng khen (giải Khuyến khích). Các đoàn Việt Nam tiếp tục nằm trong top 10 quốc gia đạt kết quả cao nhất.

Trong đó, Đoàn học sinh Việt Nam xếp thứ 4 trong số 104 quốc gia tại Olympic Toán học quốc tế; xếp thứ năm toàn đoàn tại Olympic Vật lý quốc tế; xếp thứ hai tại kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế; xếp thứ chín tại kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế; đứng thứ ba tại Olympic Tin học châu Á-Thái Bình Dương.Đối với cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2022 (ISEF 2022),Việt Nam có bảy dự án tham dự, trong đó có hai dự án đoạt giải đặc biệt do các tổ chức khoa học-công nghệ và doanh nghiệp trao tặng.

Kết quả của các đoàn Việt Nam tại các kỳ thi Olympic và ISEF tiếp tục khẳng định nỗ lực, cố gắng vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đặc biệt là niềm đam mê khoa học và sự sáng tạo trong học tập, rèn luyện của học sinh. Đây đồng thời là công lao của các trường THPT, sự tận tụy của thầy cô giáo, các nhà khoa học tham gia tập huấn đội tuyển, đưa đội tuyển dự thi; sự quan tâm, chăm lo và động viên, khích lệ kịp thời của các địa phương, các bậc phụ huynh và các tổ chức, đoàn thể dành cho học sinh, thầy cô. Đặc biệt, những thành tích xuất sắc trong các kỳ thi khu vực và quốc tế khẳng định chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước và chiến lược phù hợp của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong đổi mới giáo dục.

Đối với giáo dục đại học, năm 2022 là một bước nhảy vọt khi có tới năm đại diện lọt vào bảng xếp hạng THE (Trường đại học Duy Tân và Trường đại học Tôn Đức Thắng vị trí 401-500; Đại học Quốc gia Hà Nội vị trí 1.001-1.200; Trường đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh vị trí 1.201+); năm cơ sở giáo dục đại học nằm trong bảng xếp hạng trường đại học tốt nhất toàn cầu năm 2022; 10 cơ sở giáo dục đại học nằm trong bảng xếp hạng Webometrics; 11 cơ sở giáo dục đại học trong bảng xếp hạng đại học châu Á (QS Asian University Rankings 2022)...

Đến ngày 30/11, cả nước có bảy cơ sở giáo dục đại học và 374 chương trình đào tạo được đánh giá theo tiêu chuẩn nước ngoài. Các tổ chức đánh giá gồm: Mạng lưới Đảm bảo chất lượng các trường đại học ASEAN (AUN-QA); Ủy ban Văn bằng Pháp (CTI); Hội đồng Kiểm định kỹ thuật và công nghệ Hoa Kỳ (ABET); Hội đồng Kiểm định các trường và chương trình đào tạo về kinh doanh Hoa Kỳ (ACBSP; Quỹ Kiểm định các chương trình quản trị kinh doanh quốc tế (FIBAA); Hiệp hội MBA (AMBA) Hội đồng kiểm định quốc tế các trường đại học đào tạo kinh doanh (IACBE); Mạng lưới kiểm định đào tạo kỹ thuật của châu Âu (ENAEE); Hội đồng cấp cao về đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học Pháp (HCERES); Tổ chức kiềm định các chương trình đào tạo khối kỹ thuật, công nghệ thông tin, khoa học tự nhiên và toán học (ASIIN).

Có thể thấy, dù bước vào năm 2022 với không ít khó khăn sau dịch bệnh nhưng với sự cố gắng, nỗ lực, toàn ngành giáo dục đã đạt được nhiều kết quả trong nâng cao chất lượng dạy học, đổi mới giáo dục. Theo Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, việc khắc phục những ảnh hưởng của dịch bệnh đối với ngành giáo dục không phải trong một năm là xong. Vì vậy, trong năm 2023 và những năm tới, ngành tiếp tục chỉ đạo khắc phục những ảnh hưởng của dịch bệnh đến giáo dục nhằm kiên trì mục tiêu chất lượng; tiếp tục triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá kết quả đạt được ở những khối lớp đã triển khai để có những điều chỉnh phù hợp, kịp thời; đồng thời chỉ đạo thẩm định, phê duyệt đối với sách giáo khoa các khối lớp còn lại. Bộ cũng hoàn tất biên soạn chương trình giáo dục mầm non để phê duyệt, triển khai. Năm 2023, ngành giáo dục sẽ rà soát, phối hợp bộ, ngành, địa phương thực hiện tuyển dụng, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên; thực hiện các bước trình Chính phủ, Quốc hội ban hành Luật Nhà giáo; tổng kết đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Theo NDO