Đường Trường Sơn – Hồ Chí Minh: Con đường huyền thoại
Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh vừa tổ chức họp mặt kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh (19.5.1959 -19.5.2014). Những anh bộ đội Trường Sơn, cô thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên con đườn g huyền thoại năm xưa giờ tóc đã bạc, da đã nhăn nhưng khí thế: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai” vẫn còn vang mãi.
Tất cả vì miền Nam thân yêu
Ngày 19-5-1959, theo Chỉ thị của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thường trực Tổng Quân ủy Trung ương chính thức giao nhiệm vụ cho “Đoàn công tác đặc biệt” mở đường Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam. Biên chế ban đầu của đoàn là 500 cán bộ, chiến sĩ, lấy phiên hiệu là Đoàn 559. Và trong ngày này, tuyến giao liên vận tải quân sự Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ được phát lệnh mở đường. Từ đó đến ngày giải phóng miền Nam (30-4-1975), đường mòn Trường Sơn đã trở thành con đường huyền thoại của lịch sử dân tộc, không chỉ bởi chiều dài của nó vượt đại ngàn miền Trung mà nghị lực lao động, tinh thần chiến đấu, hy sinh của hàng chục vạn con người mở đường đã trở thành biểu tượng sâu sắc của lòng yêu nước.
Các cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn năm xưa vui mừng trò chuyện trong ngày họp mặt kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Ảnh: Q.CHIẾN
Buổi họp mặt kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh diễn ra trong không khí vui tươi, phấn khởi vì mỗi năm, đồng chí, đồng đội trên cùng một con đường huyền thoại năm xưa lại được gặp nhau. Ông Lê Văn Hòa, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh, cho biết vì độc lập - tự do cho dân tộc, vì sự nghiệp thống nhất đất nước có biết bao bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã dũng cảm chiến đấu và hy sinh oanh liệt trên tuyến đường Trường Sơn máu lửa để chống lại cuộc chiến tranh xâm lược điện tử hóa, tự động hóa, hóa học hóa và khí tượng hóa của đế quốc Mỹ. Những con số biết nói khiến biết bao nhiêu người phải giật mình khi nghe đến, đó là trong vòng 16 năm, giặc Mỹ đã thực hiện 733.000 trận oanh kích bằng đủ loại máy bay, hơn 40 triệu tấn bom đạn, hơn 10 triệu lít chất độc hóa học và hàng vạn tấn phương tiện trinh sát điện tử… đã trút xuống tuyến đường Trường Sơn nhằm tiêu diệt lực lượng ta và ngăn chặn cuộc chi viện chiến lược cho miền Nam. Song với tinh thần “Tất cả vì miền Nam thân yêu”, vì sự nghiệp thống nhất đất nước, các lực lượng Trường Sơn đã anh dũng, sát cánh bên nhau suốt từ Bắc vào Nam chiến đấu xả thân, quên mình.
Với các khẩu hiệu “Máu có thể đổ, nhưng đường không thể tắc”, bộ đội Trường Sơn đã làm nên một hệ thống giao thông vĩ đại gồm 5 trục dọc, 21 trục ngang với gần 17.000km đường xe cơ giới. Lực lượng vận tải với 2 sư đoàn ô tô cơ động xứng đáng với danh hiệu “Gan vàng dạ ngọc”, hay “còn người, còn xe, còn hàng” vận chuyển hơn 1 triệu tấn vũ khí, đạn dược, lương thực chi viện cho các hướng chiến trường…
Góp phần quan trọng vào chiến thắng lịch sử năm 1975
Mỗi năm có dịp gặp nhau, những người lính Trường Sơn năm xưa cùng nhau ôn lại những kỷ niệm. Chúng ta sẽ mãi ghi nhớ công ơn của những tướng lĩnh, cán bộ, chiến sĩ bộ đội, lực lượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và nhân dân các dân tộc trên tuyến đường Trường Sơn đã dũng cảm chiến đấu hy sinh làm nên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại.
Ông Ao Sĩ, người tham gia mở đường Trường Sơn, đoạn từ Nam Tây nguyên đến Đông Nam bộ, nhớ lại: Trên đường hành quân, những thành viên trong đoàn không nhớ nổi mình đã vượt qua bao nhiêu khe, suối, núi cao của dãy Trường Sơn hùng vĩ. Đường đi tăm tăm mù mù chẳng biết bao xa, chỉ biết các chiến sĩ giao liên là đồng bào dân tộc thiểu số trả lời rằng: “Có đi có đến, không đi không đến” hay “Đi nhanh đến trước ông mặt trời, đi chậm đến sau ông mặt trời”. Trạm này cách trạm kia thông thường đi từ sáng sớm đến 15, 16 giờ chiều, nhưng cũng có trạm đến nơi là tối mịt.
Một tiết mục văn nghệ do các cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn năm xưa thể hiện tại buổi họp mặt kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Ảnh: Q.CHIẾN
Ông Nguyễn Thanh Tâm, người lính Trường Sơn năm xưa, kể: Để tạo thuận lợi cho miền Nam nhận được sự viện trợ về nhân tài, vật lực của miền Bắc thì nhiệm vụ cấp bách lúc bấy giờ là mở con đường hành lang chiến lược Bắc - Nam, thông suốt từ Trung ương đến chiến trường miền Nam. Trong khi đó, đoạn từ Nam Tây nguyên vào Đông Nam bộ vẫn trong tình trạng chia cắt, còn là một vùng trắng chưa có cơ sở cách mạng trong quần chúng. Vì vậy, Đoàn B.90 ở phía Bắc và C.200 ở phía Nam đã ra đời và làm nhiệm vụ đặc biệt ấy. “Tôi may mắn được ở C.200. Trải qua gần 1 năm trời, Đoàn B.90, Đoàn C.200 và các lực lượng tham gia mở đường hành lang chiến lược mang tên Hồ Chí Minh cuối dãy Trường Sơn nối liền Nam Tây nguyên với Đông Nam bộ mới hoàn thành. Vượt qua bao gian lao vất vả, thiếu cơm lạt muối; có đơn vị bị địch bao vây bắt hụt; có người bị nước lũ cuốn trôi… nhưng cán bộ, chiến sĩ vẫn kiên trì tìm mở đường, xây dựng căn cứ địa, xây dựng cơ sở, từng bước tạo lập một hành lang vận tải chiến lược trong thời điểm cách mạng miền Nam đang chuyển từ khởi nghĩa từng phần sang chiến tranh cách mạng. Trong 16 năm, đoạn đường này đã chuyển hàng ngàn đoàn cán bộ và đơn vị quân đội, hàng ngàn chuyến hàng hóa từ miền Bắc vào đến chiến trường Nam bộ và cực Nam Trung bộ, cung cấp sức người, sức của xây dựng và phát triển tiềm lực kháng chiến, góp phần làm nên thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975”, ông Tâm nói.
Trong suốt 16 năm, hàng chục ngàn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến… không chỉ ngoan cường mở đường, bám đường mà còn kiên cường, dũng cảm chống trả biệt kích, thám báo, đập tan các chiến dịch lớn như: Đường 9 - Khe Sanh (Quảng Trị), cuộc hành quân Lam Sơn 719 và chiến dịch Đường 9 - Nam Lào đãtiêu diệt, bắt sống gần 20.000 tên địch. Nhờ tuyến đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh lịch sử mà quân đội ta đã thực hiện thành công những cuộc hành quân lớn, cùng xe tăng, pháo binh hạng nặng vào tận chiến trường Tây nguyên bất ngờ mở màn chiến dịch Tây nguyên, mởđầu làtrận đánh chiếm thị xã Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắc Lắc (10-3-1975); lần lượt đập tan các sư đoàn, quân khu, quân đoàn ngụy, thần tốc tiến vào Sài Gòn giải phóng hoàn toàn miền Nam, mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân năm 1975, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.
39 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh lại mang trên mình sứ mệnh lịch sử mới, con đường phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; chính thức trở thành một tuyến quốc lộ Bắc - Nam hiện đại phục vụ cho khát vọng vươn lên của một dân tộc trong thời kỳ hội nhập quốc tế và phát triển của đất nước. Năm tháng đi qua nhưng đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh và những tấm gương anh dũng hy sinh của bộ đội Trường Sơn, lực lượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên tuyến đường Trường Sơn mãi mãi đi vào lịch sử như một con đường huyền thoại, một kỳ tích của cuộc kháng chiến cứu nước hào hùng của các thế hệ cha anh trong thế kỷ XX. Và với những con người đã từng đi qua trên tuyến đường máu lửa này thì đó luôn là một kỷ niệm đẹp, dù vẫn tồn tại song hành những ký ức về những trận đói, cơn mưa rừng không dứt hay những cơn sốt rét xanh người nơi rừng thiêng nước độc.
THU THẢO