“Đương sự không cung cấp mẫu giọng nói để giám định là có vấn đề”
Trong nhiều vụ án dân sự, đôi khi chỉ có một chứng cứ để làm sáng tỏ vụ án đó là băng ghi âm. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS) thì băng ghi âm được xem là nguồn chứng cứ nhưng không hề có quy định nào bắt buộc đương sự phải cung cấp mẫu giọng nói để cơ quan chức năng giám định. Từ đó, ngoài việc xét xử vụ án gặp nhiều khó khăn còn làm ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự trong vụ án. Dưới đây là một trường hợp điển hình.
Căn nhà của bà L. hiện nay đã do bà C. đứng tên
Vay nợ hay bán nhà?Tháng 12-2009, do thiếu vốn làm ăn nên bà L. ở An Thạnh, TX.Thuận An có gặp bà C. ở cùng phường để hỏi chuyện vay vốn. Theo yêu cầu của bà C., để được vay 300 triệu đồng thì bà L. phải ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) để làm tin thì bà C. mới đồng ý cho vay. Vì cần tiền gấp nên vợ chồng bà L. đã ra Văn phòng công chứng ký hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ cho bà C.
Tuy nhiên, khi nhận tiền thì bà L. chỉ nhận được 250 triệu đồng. Số tiền còn lại, bà C. nói là phải trừ 30 triệu đồng tiền môi giới và 20 triệu đồng là tiền lãi của tháng thứ nhất (lãi suất 6%/tháng!). Hai bên thỏa thuận, khi nào bà L. có tiền trả lại thì sẽ ra văn phòng công chứng để hủy hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ và thực tế bà L. cũng chưa giao đất cho bà C. Trên khu đất này có một căn nhà hiện đang do bà K.A là chị ruột của bà L. ở.
Do việc làm ăn gặp khó khăn, cộng với lãi suất cho vay quá cao nên bà L. không có khả năng trả tiền cho bà C. Ngày 25-12-2012, bà C. đã làm đơn khởi kiện bà L. ra tòa để yêu cầu phải giao đất. Lúc này, bà L. mới tá hỏa khi biết rằng: khu đất của mình hiện đã được bà C. đứng tên. Tại phiên tòa dân sự sơ thẩm vừa diễn ra mới đây, HĐXX sơ thẩm đã chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà C. và buộc bà L. phải giao QSDĐ và căn nhà cho bà C. Không đồng ý với bản án này, bà L. đã làm đơn kháng cáo.
Theo bà L., việc bà ký hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ cho bà C. chỉ là hình thức để được bà C. cho vay tiền chứ thực chất không phải là ý chí của bà; bởi khu đất này có giá gần 1 tỷ đồng thì làm sao lại chỉ bán với giá 300 triệu đồng? Bên cạnh đó, bà L. còn cung cấp cho tòa án một đĩa CD ghi lại những đoạn hội thoại giữa bà và bà C. liên quan đến việc thỏa thuận trả nợ đối với số tiền đã vay. Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm chứng cứ này đã không được làm rõ.
Trong đơn kháng cáo, bà L. có yêu cầu giám định nội dung băng ghi âm các cuộc nói chuyện giữa bà và bà C. Tuy nhiên, bà C. không chịu cung cấp giọng nói để làm cơ sở giám định!
“Không cung cấp mẫu giọng nói để giám định là có vấn đề”!
Đó là nhận định của luật sư Trần Như Lực, Đoàn Luật sư TP.HCM. Theo luật sư Lực: Căn cứ quy định tại Điều 82, Bộ luật TTDS - sửa đổi, bổ sung năm 2011 thì băng ghi âm là tài liệu nghe được và được coi là một nguồn chứng cứ. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 83 về xác định chứng cứ, băng ghi âm chỉ được coi là một chứng cứ khi thỏa mãn điều kiện sau đây: Các tài liệu nghe được, nhìn được được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản xác nhận xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó.
Đối chiếu với quy định trên thì băng ghi âm của bà L. chỉ được coi là chứng cứ khi bà C. thừa nhận giọng nói trong băng ghi âm đúng là của mình hoặc có kết luận giám định của cơ quan thẩm quyền xác nhận “đó là giọng nói của bà C.”.
Trở lại vụ án dân sự này, có thể thấy băng ghi âm mà bà L. cung cấp là chứng cứ quan trọng nhất để làm sáng tỏ vụ án; vì các tình tiết khác đều chống lại bà L. Do đó, cũng có thể vì biết được quy định trên nên bà C. đã không cung cấp mẫu giọng nói của mình để giám định.
Tuy nhiên, theo luật sư Lực thì trong trường hợp bà C. không chịu hợp tác thì căn cứ quy định tại điều 85 Bộ luật TTDS; thẩm phán thụ lý vụ việc này có quyền ra quyết định trưng cầu giám định giọng nói trong băng ghi âm. Nếu bà C. không hợp tác theo quyết định của thẩm phán thì có lẽ bà C. đã “có vấn đề”; bởi nếu bà C. hoàn toàn “trong sáng” thì không có bất cứ lý do gì mà phải từ chối giám định giọng nói theo yêu cầu của tòa.
NHÂN QUANG