Đường Hồ Chí Minh trên biển - Kỳ tích lịch sử
(BDO) 60 năm trước, ngày 23-10-1961, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam đã quyết định thành lập Đoàn 759 làm nhiệm vụ vận chuyển chiến lược trên biển chi viện chiến trường để đáp ứng được yêu cầu vận chuyển vũ khí, hàng hóa chi viện cho chiến trường Nam bộ và Nam Trung bộ. Đường Hồ Chí Minh trên biển với những chiến công hiển hách, đi vào lịch sử dân tộc đã chứng minh đây là một trong những phát kiến xuất sắc nhất của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Tàu không số trên đường vận chuyển vũ khí vào miền Nam (ảnh tư liệu)
Những con tàu không số
60 năm đã trôi qua kể từ ngày chiếc “Tàu không số” đầu tiên rời bến, vận chuyển hàng hóa, vũ khí cho chiến trường miền Nam, nhưng những câu chuyện huyền thoại về lòng dũng cảm, mưu trí, về ý chí cách mạng của những người lính hải quân trên con đường Hồ Chí Minh trên biển vẫn luôn khiến người ta ngưỡng mộ. Bán đảo Đồ Sơn, TP.Hải Phòng chính là nơi xuất phát của chuyến tàu đầu tiên chi viện chiến trường. Đây là nơi khuất gió, kín đáo, ba chiều là núi, chỉ có một hướng duy nhất ra biển. Đêm 11-10- 1962, chiếc tàu gỗ mang tên “Phương Đông 1” chở 30 tấn vũ khí đã xuất bến Đồ Sơn và sau đó cập bến Vàm Lũng (Cà Mau) an toàn. Tiếp đó, 3 tàu gỗ khác là “Phương Đông 2”, “Phương Đông 3”, “Phương Đông 4” tiếp tục xuất phát từ Đồ Sơn chở vũ khí vào chiến trường tiếp sức cho cuộc chiến đấu của quân và dân Khu 9.
Từ những thành công ban đầu, Trung ương quyết định khẩn trương xây dựng bến tàu ở Đồ Sơn (ký hiệu K15) bảo đảm cho Đoàn 759 có thể đưa tàu lớn vào lấy hàng. Đến ngày 15-5-1963, bến tàu K15 đã hoàn thành. Từ đây, K15 trở thành “mốc số 0” của con đường vận chuyển chiến lược trên biển Đông, cung cấp vũ khí cho chiến trường. Bến tàu K15 nằm dưới chân ngọn núi cuối cùng của bán đảo Đồ Sơn, là nơi khuất gió, kín đáo, ba chiều là núi, chỉ có một hướng duy nhất ra biển. Trên bến có một cầu tàu hình chữ T, dài 60m, rộng 6m, tải trọng 10 tấn, kết cấu cọc bằng bê tông, ghép khung dầm. Hiện nay, di tích còn lại của bến tàu K15 là những trụ bê tông cầu cảng, một số nền móng kho hàng, bể nước... Năm 2003, bến tàu K15 được công nhận là di tích lịch sử cấp thành phố, năm 2008 được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Theo những nhân chứng của đoàn tàu không số kể lại, khác với các chiến sĩ không quân, lục quân “tìm địch mà đánh”, nhiệm vụ của người chiến sĩ hải quân trên tàu không số ngày ấy là tìm cách tránh địch để bảo vệ hàng hóa. Vì phải giữ bí mật, tuyệt đối không để địch phát hiện ra tuyến vận tải đặc biệt này, mỗi tàu đều được cài sẵn những khối lớn thuốc nổ ở mũi, thân và đuôi tàu với các loại kíp nổ tức thì được khởi động bằng tay và bằng điện. Các thủy thủ đoàn đều được đơn vị tổ chức “lễ truy điệu sống” trước khi khởi hành phòng khi bị địch phát hiện, các chiến sĩ trên tàu sẽ tự kích nổ tàu để giữ bí mật.
Tàu không số cũng chọn những lúc thời tiết xấu nhất để khởi hành, càng là giông tố, bão bùng, càng là lúc thuận lợi cho những nhiệm vụ bí mật. Bởi vậy, mỗi lần tàu không số xuất phát là mỗi lần thử thách ý chí và tinh thần của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Trong những tình huống khó khăn, vừa phải vượt sóng to, gió lớn, vừa phải đấu trí với địch để bảo vệ tàu, các cán bộ, chiến sĩ trên tàu đã nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, giữ vững quyết tâm chiến đấu, mưu trí, linh hoạt, kiên trì, bền bỉ vượt qua mọi nguy hiểm, thực hiện đúng ý định, chủ trương, phương châm chỉ đạo của cấp trên.
Tầm nhìn chiến lược
Đầu năm 1960, cùng với phong trào Đồng khởi Bến Tre, phong trào cách mạng của các tỉnh đồng bằng Nam bộ chuyển mạnh lên thế tiến công và trở thành cao trào đồng khởi rộng khắp. Trước tình hình đó, yêu cầu cấp bách là phải nhanh chóng vận chuyển vũ khí, hàng hóa để chi viện cho chiến trường Nam bộ và Nam Trung bộ. Lúc này, tuyến đường bộ trên dãy Trường Sơn, Đoàn 559 đã mở và hoạt động có hiệu quả, nhưng chưa vươn tới các địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng. Tổng Quân ủy tiếp tục chỉ đạo Bộ Tổng Tham mưu khẩn trương nghiên cứu đề án mới về xây dựng và tổ chức lực lượng vận tải biển chi viện cho chiến trường Nam bộ và Khu 5.
Đường Hồ Chí Minh trên biển là một thành công lớn, một bước phát triển mới của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, là sự kết hợp hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần để tạo nên sức mạnh to lớn và bền vững. Những chiến công và bài học kinh nghiệm của đường Hồ Chí Minh trên biển mãi mãi là niềm tự hào của quân và dân ta nói chung, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam nói riêng, nhất định sẽ trường tồn và phát huy tác dụng to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. |
Từ giữa năm 1961 đến giữa năm 1962, những người lãnh đạo của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ở các tỉnh Bến Tre, Cà Mau, Trà Vinh và Bà Rịa đã cử 5 con thuyền gỗ từ miền Nam ra miền Bắc để báo cáo tình hình, xin tiếp tế vũ khí và sau đó trực tiếp vận chuyển vũ khí cũng như dẫn đường cho các tàu tiếp tế giả dạng tàu đánh cá từ Bắc vào Nam. Những chuyến thuyền từ Nam bộ vượt biển ra Bắc thành công là một trong những cơ sở quan trọng để xúc tiến việc thành lập đoàn vận tải thủy tiếp tế vũ khí cho miền Nam. Ngày 23-10-1961, Bộ Tổng Tư lệnh ra Quyết định số 97/ QP do đồng chí Trung tướng Hoàng Văn Thái, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng ký thành lập Đoàn 759 vận tải thủy, do đồng chí Trung tá Đoàn Hồng Phước làm đoàn trưởng.
Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, khẳng định quyết định thành lập Đoàn 759 thể hiện tầm nhìn chiến lược và sáng tạo của Bộ Chính trị mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh, đánh dấu mốc lịch sử quan trọng, mở ra bước phát triển mới của tuyến đường vận tải chiến lược trên biển chi viện cho chiến trường miền Nam. Đường Hồ Chí Minh trên biển với những chiến công hiển hách, đi vào lịch sử dân tộc đã chứng minh đây là một trong những phát kiến xuất sắc nhất của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau này, ngày 23-10 trở thành Ngày truyền thống của Đoàn 759 trước đây, Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân ngày nay, đồng thời là Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển.
Đường Hồ Chí Minh trên biển là một thành công lớn, một bước phát triển mới của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, là sự kết hợp hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần để tạo nên sức mạnh to lớn và bền vững. Những chiến công và bài học kinh nghiệm của đường Hồ Chí Minh trên biển mãi mãi là niềm tự hào của quân và dân ta nói chung, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam nói riêng, nhất định sẽ trường tồn và phát huy tác dụng to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Sau hơn 2 năm thành lập, ngày 29-1-1964, Bộ Quốc phòng quyết định đổi phiên hiệu Đoàn 759 thành Đoàn 125, trực thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân. Trong suốt 15 năm làm nhiệm vụ vận tải chiến lược quân sự trên biển (1961-1975), Đoàn 759, Đoàn 125 đã huy động được gần 1.900 lượt tàu thuyền, vận chuyển hơn 152.000 tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật, thuốc chữa bệnh và hơn 80.000 cán bộ, chiến sĩ từ Bắc vào Nam. Những con tàu ấy đã vượt hàng ngàn hải lý, khắc phục hơn 4.000 quả thủy lôi, chống chọi với hơn 20 cơn bão, chiến đấu hơn 30 lần với tàu địch, đánh trả 1.200 lần máy bay địch tập kích, bắn rơi 5 chiếc và bắn cháy nhiều tàu xuồng của địch. 15 năm ấy, những chuyến tàu lặng lẽ vượt sóng gió, vượt hiểm nguy và tai mắt kẻ thù, chở nặng vũ khí, hàng hóa cùng nghĩa tình miền Bắc đến với chiến trường miền Nam. |
THU THẢO