Đường dây lừa mua bán nông sản bị triệt phá: Vạch trần thủ đoạn tinh vi chiếm đoạt tiền tỷ
(BDO) Giám đốc Công an tỉnh vừa khen thưởng ban chuyên án triệt phá đường dây chuyên lừa mua bán nông sản để chiếm đoạt. Bước đầu điều tra, công an xác định thủ đoạn của các đối tượng này khá tinh vi nhằm chiếm đoạt nông sản trị giá hàng tỷ đồng của các nạn nhân.
Đường dây lừa mua bán nông sản
Cơ quan công an cho biết đã bắt khẩn cấp 4 đối tượng thực hiện 6 vụ lừa đảo chiếm đoạt nông sản với giá trị hàng hóa 4,5 tỷ đồng. Bốn đối tượng bị bắt gồm Lê Duy Kiều (SN 1974), Đinh Thị Lĩnh (SN 1977), Nguyễn Hữu Thủy (SN 1968) cùng ngụ TX.Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước và Trần Thị Đào (SN 1986) ngụ Phú Giáo, Bình Dương.
Theo điều tra ban đầu, khoảng cuối năm 2017, các đối tượng trên đã gọi điện thoại liên hệ với đại lý nông sản ở các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng… để đặt hàng thu mua cà phê, hạt tiêu, hạt điều... Sau khi tìm được nguồn hàng, các đối tượng yêu cầu chủ hàng chở đến các kho hàng đã được thuê sẵn trên địa bàn tỉnh Bình Dương để giao hàng. Khi hàng đã xuống kho, các đối tượng này dùng nhiều thủ đoạn để đưa chủ hàng đi khỏi kho như mời đi ăn cơm, đi uống nước… để chờ rút tiền và thanh toán một phần nhỏ giá trị hàng hóa để làm tin. Sau khi chủ hàng rời khỏi kho, lúc này một nhóm đối tượng khác sẽ cho người đến kho và bốc hàng chở đi nơi khác. Với thủ đoạn trên, các đối tượng đã lừa trót lọt 6 vụ với tổng số tiền hàng hóa hơn 4,5 tỷ đồng chia nhau tiêu xài.
Các nghi phạm liên quan đến đường dây lừa mua bán nông sản hiện đang bị tạm giam phục vụ công tác điều tra
Một thành viên ban chuyên án cho biết các đối tượng trong đường dây này xuất thân là những người buôn bán nông sản. Sau thời gian hành nghề, thấy được sơ hở của những thương lái mua bán nông sản trong việc giao hàng nên họ cấu kết với nhau để lừa người bán. Ban đầu chỉ là thủ đoạn mua nông sản trả trước một phần tiền, sau đó họ đánh liều thực hiện các phi vụ lừa táo bạo.
Theo điều tra ban đầu, các đối tượng này có sự phân công vai trò cụ thể. Đối tượng Nguyễn Hữu Thủy là người ứng tiền trước mua nông sản, thuê xe chở nông sản, sau khi đã lừa được người bán nông sản thì Thủy trực tiếp đi tìm nơi bán, lấy tiền chia cho cả nhóm. Trong khi đó Lê Duy Kiều và vợ là Đinh Thị Lĩnh tìm các nhà kho cho thuê để đưa nông sản đến tạo điều kiện cho đồng bọn thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thủ đoạn tinh vi
Trước đó, trong 6 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn tinh vi là thông qua số điện thoại các đại lý nông sản tại các tỉnh Bình Phước, Gia Lai. Đắk Lắk…, một nhóm đối tượng đã đặt mua hàng tiêu, điều, cà phê để chuyển về nhà kho đã thuê tại Bình Dương rồi thực hiện hành vi lừa đảo. Thủ đoạn của các đối tượng là sau khi nhận hàng đưa vào nhà kho, chúng tìm cách trì hoãn việc thanh toán. Chúng viện cớ chưa kịp rút tiền, đợi người thân mang tiền đến thanh toán, rồi tìm cách mời nạn nhân đi ăn cơm, uống cà phê để chờ rút tiền thanh toán, hoặc thanh toán cho nạn nhân một phần nhỏ giá trị hàng hóa làm tin để kìm chân nạn nhân. Trong lúc này, một nhóm đối tượng khác sẽ dùng phương tiện đến nhà kho để bốc dỡ hàng đi nơi khác tiêu thụ; trong khi đó đối tượng tiếp xúc với nạn nhân sẽ tìm cách lẩn trốn, bỏ đi. Khi nạn nhân nghi ngờ quay lại nhà kho mới biết kho do các đối tượng thuê và không rõ danh tính, lai lịch. Đến lúc này nạn nhân chỉ còn biết đến cơ quan công an để trình báo.
Một số vụ việc cụ thể như khi ông Đinh Tiến D. chủ một đại lý bán nông sản tại tỉnh Bình Phước, nhận được điện thoại của một người tự xưng là Thảo và đặt mua 20 tấn cà phê với giá 37.5000 đồng/kg, trị giá 746 triệu đồng. Đối tượng yêu cầu ông D. giao hàng tại một nhà kho ở TX.Tân Uyên rồi sẽ thanh toán tiền mặt tại đây. Đến 12 giờ trưa cùng ngày, ông D. cùng tài xế đích thân dùng xe bán tải chở số cà phê giao tại địa chỉ cho bà Thảo. Tại đây, đối tượng Thảo mời ông D. và tài xế đi ăn cơm trưa và kêu tài xế của bà Thảo về nhà lấy tiền thanh toán. Tuy nhiên, sau đó tài xế quay lại chỉ mang số tiền 240 triệu đồng để thanh toán và hẹn 16 giờ chiều cùng ngày sẽ chuyển trả toàn bộ số tiền còn lại. Ông D. quay lại nhà kho thì phát hiện số cà phê vừa giao đã được chuyển đi mất, liên lạc với bà Thảo thì điện thoại đã tắt máy.
Có nhiều trường hợp mặc dù các nạn nhân đã đề cao cảnh giác nhưng vẫn bị lừa. Bà Đào Thị H., chủ doanh nghiệp chuyên kinh doanh nông sản ở Bình Phước nhận được cuộc điện thoại của một người giới thiệu tên Thảo đặt mua 20 tấn hạt tiêu và yêu cầu giao hàng về ấp 5, xã Vĩnh Tân, TX.Tân Uyên. Bà H. đích thân cùng tài xế chở số tiêu đến giao theo yêu cầu. Tuy nhiên, sau khi hàng đã xuống kho thì bà Thảo lại nói bận công việc nên sẽ quay lại thanh toán tiền sau.
Đến 12 giờ 30 phút cùng ngày, bà H. nhận được điện thoại của bà Thảo hẹn đến trước cổng Khu du lịch Đại Nam để nhận tiền thanh toán. Bà H. cử tài xế ở lại kho thì thấy một chiếc xe bán tải đến kho mang 11 bao hạt tiêu trị giá 55 triệu đồng chở đi. Khi bà H. liên lạc với bà Thảo thì người phụ nữ này bảo mang tiêu đi bán cho khách, hẹn đến tối sẽ trả tiền. Đến hẹn, chờ mãi không thấy bà Thảo đến, bà H. liền gọi điện thoại nhưng không liên lạc được nên đã đến trình báo sự việc với với cơ quan công an...
Trước việc liên tiếp xảy ra các vụ lừa chiếm đoạt nông sản, Công an Bình Dương đã xác lập chuyên án nhằm triệt phá đường dây này. Sau thời gian vào cuộc quyết liệt, lực lượng công an đã bắt giữ 4 đối tượng liên quan phục vụ công tác điều tra. Vụ việc hiện đang được điều tra mở rộng.
NHÓM P.V