Dưới góc nhìn của chuyên gia: Vì sao “dòng chảy” tín dụng tắc nghẽn?
Ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã khống chế hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với các ngân hàng (NH) thương mại theo từng nhóm, đề ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 15% nhằm đạt mức lạm phát kỳ vọng trong năm 2012. Đến nay, mục tiêu tăng trưởng tín dụng tiếp tục được NHNN hạ xuống còn 8 - 10%. Tín dụng tăng trưởng thấp, trong khi vốn huy động vẫn tăng khá, cho thấy sự tắc nghẽn của “dòng chảy” tín dụng từ hệ thống NH vào nền kinh tế, mà cụ thể là đến các doanh nghiệp (DN) để đưa vào sản xuất. Trao đổi với P.V Báo Bình Dương, tiến sĩ Lê Thẩm Dương (Đại học Ngân hàng TP.HCM) đã có những phân tích chuyên sâu về vấn đề này:
Tăng trưởng tín dụng đạt thấp
Để lý giải vì sao tăng trưởng tín dụng đạt rất thấp so với mục tiêu ban đầu, cần phải nhìn vào tình hình kinh tế vĩ mô cả thế giới và trong nước. Tất cả đều có những biến động bất thường nên các dự báo trở nên khó khăn, khó lường. Thêm nữa, do hậu quả từ sự yếu kém của nền kinh tế nói chung những năm trước để lại cũng như hậu quả rủi ro hệ thống. Những yếu tố này tạo ra một nút thắt quan trọng:
Về phía DN sức “đề kháng” đã hết; một số đã “chết hẳn”, một số “chết lâm sàng”, hàng tồn kho tăng quá cao, tài sản ách tắc, cộng thêm khả năng quản trị hạn chế… dẫn đến chuẩn vay vốn từ các NH không đạt trong khi các NH hạ chuẩn vay là không thể. Chính vì thế, tín dụng khó mà tìm được đầu ra. Sản xuất nhiều mà không tiêu thụ được nên lượng hàng tồn kho tăng cao, DN ngán ngại vay vốn khiến “dòng chảy” tín dụng bị tắc nghẽn (Ảnh: H.N)
Về phía các NH, tỷ lệ nợ xấu tăng quá cao. Vì vậy, nếu NH tiếp tục cho vay, với tình hình khó khăn của nền kinh tế, cụ thể là của DN hiện nay, NH lại phải đối mặt với nợ xấu tiếp tục tăng cao hơn. Không cho vay thì không tăng trưởng tín dụng, nhưng nếu cho vay với chuẩn vay của DN hiện nay thì NH không dám mạo hiểm vì dễ mất vốn. Cái khó là cũng có một số DN đạt chuẩn vay thì họ lại không vay do sức “tiêu hóa” vốn kém. Bởi hàng tồn kho đang chất đống thì DN vay vốn để làm gì? Và, một khi đầu ra của tín dụng cho DN tắc nghẽn, các NH liền tìm phương án đẩy vốn vào khu vực phi sản xuất, xây dựng, bất động sản và tiêu dùng. Tuy nhiên, khi đẩy vốn sang các khu vực này, dù chuẩn vay dễ chịu hơn nhưng lãi suất còn ở mức khá cao, thị trường chưa hấp dẫn, cộng với sức mua của người dân giảm, nên đầu ra tín dụng ở những khu vực này cũng không mạnh!
Doanh nghiệp và ngân hàng đều thiệt!
Để giải quyết nút thắt dòng chảy tín dụng hiện nay cần hướng các giải pháp tập trung vào 3 đối tượng: Nhà nước - ngân hàng - doanh nghiệp. Một mặt, các NH trên thực tế đã hạ lãi suất xuống dưới 15% và tung ra các gói lãi suất thấp; Nhà nước tích cực phát triển thị trường mua nợ để giải quyết nợ xấu, đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng cơ bản, giải ngân thật nhanh nhằm đẩy lượng tiền ra, qua đó giúp cho việc tiếp cận tín dụng tốt hơn; DN trước mắt phải bằng mọi cách giải quyết bài toán hàng tồn kho.
“Tốc độ tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm còn phụ thuộc nhiều vào diễn biến tình hình chung có đột biến bất thường nào không, chẳng hạn như những “cú sốc” tâm lý hay diễn biến giá vàng thế giới lên hay xuống, có thể tác động vào việc gửi tiền hay rút tiền ồ ạt của người dân, gây đảo lộn hệ thống. Nếu không có những “cú sốc” này, cộng với các giải pháp khơi thông tín dụng đã ngấm, đặc biệt là thời điểm cuối năm khi mà quy luật thời vụ cho thấy cầu tăng, hàng tồn kho giảm, lượng DN thành lập mới tăng lên, thì chiều hướng và tốc độ “dòng chảy” tín dụng sẽ tăng theo. Tất nhiên, do các trở ngại còn quá lớn nên mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% trong năm 2012 sẽ khó đạt”.
(Tiến sĩ Lê Thẩm Dương)
Thực tế, với việc hướng các giải pháp vào 3 đối tượng này, tình hình đã có những cải thiện, hàng tồn kho bước đầu có dấu hiệu giảm, gói hỗ trợ lãi suất đang phát huy tác dụng. Tuy vậy, cũng phải thừa nhận liều lượng của các giải pháp này chưa đủ so với yêu cầu từ thực tế. Nợ xấu quá lớn, Nhà nước không giải quyết nổi, trong khi thị trường mua nợ lại chưa hoàn chỉnh. Hàng tồn kho, với tình hình thị trường sụt giảm, cũng chỉ có thể kích thích tiêu thụ, khó giải quyết dứt điểm. Do vậy, khi mà các giải pháp để thông nghẽn cho dòng chảy tín dụng chưa chạy hết công suất thì tín dụng cũng khó mà tăng trưởng theo kỳ vọng.
Các giải pháp khơi thông dòng tín dụng như trên đang được Nhà nước chỉ đạo thực hiện rất tích cực. Tuy nhiên, để cải thiện tình hình, điều quan trọng là làm sao phải kích được cầu lên, hàng tồn kho qua đó mới vơi đi được. Kích cầu phải hướng đến 2 khu vực. Một là kích cho sản xuất, cụ thể là khi các công trình xây dựng khởi công, xi măng, sắt thép tồn kho sẽ giảm; sản xuất đi lên, các DN thành lập mới đi vào hoạt động… cạnh đó phải kích tiêu dùng mạnh lên bằng các chính sách giảm thuế. Ngoài ra, để xử lý nợ xấu, công ty mua bán nợ của Bộ Tài chính phải hoạt động thật hiệu quả. Các địa phương cũng cần tổ chức cho các NH gặp gỡ DN… Thêm vào đó, nếu các quỹ bảo lãnh tín dụng của địa phương phát huy tác dụng sẽ giải quyết được câu chuyện DN thiếu tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, trên hết các NH phải xác định rõ là một khi không giải ngân được thì cả DN và NH đều thiệt! Nếu thực hiện tốt các giải pháp này, tình hình tăng trưởng tín dụng sẽ được cải thiện, dòng vốn sẽ lưu thông vào sản xuất - kinh doanh, góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.
THÀNH SƠN (ghi)