Được” và “mất”!
(BDO) Theo số liệu của Tòa án Nhân dân tỉnh, trong 6 tháng đầu năm, tòa án hai cấp của tỉnh đã thụ lý 8.557 vụ, việc. Trong đó án hôn nhân và gia đình chiếm tỷ lệ 44%. Tòa án hai cấp đã giải quyết 2.647/3.788 vụ, việc hôn nhân gia đình, đạt tỷ lệ 69,88%. Nhiều nhất là các loại việc yêu cầu ly hôn. Nguyên nhân ly hôn chủ yếu do mâu thuẫn vợ chồng về quan điểm, lối sống.
Theo số liệu này thì cứ mỗi ngày hệ thống tòa án của tỉnh thụ lý hơn 20 vụ, việc hôn nhân gia đình. Có nghĩa là cũng chừng ấy gia đình có nguy cơ đổ vỡ. Có lẽ ai cũng nhận thấy được hệ quả của những vụ ly hôn là gia đình tan nát, nhưng người chịu thiệt thòi nhất chính là những đứa con khi chúng phải rơi vào hoàn cảnh phải chọn lựa: Cha hoặc mẹ.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ly hôn có xu hướng gia tăng hiện nay. Theo đánh giá của Tòa án Nhân dân tỉnh thì trong số các vụ, việc đã được giải quyết từ đầu năm đến nay thì nguyên nhân do mâu thuẫn về quan điểm, lối sống là 1.861 vụ, việc (chiếm tỷ lệ 49,12%); do nguyên nhân khác là 443 vụ, chiếm 11,69%.
Trong một lần trao đổi với hai hòa giải viên ở một xã đang phát triển của của huyện Bắc Tân Uyên, tôi được nghe các cô nói về việc hòa giải các vụ việc hôn nhân gia đình với nhiều tâm tư. Theo các cô, khi kinh tế phát triển, kéo theo đó đời sống người dân cũng có những tác động nhất định và sẽ ảnh hưởng đến đời sống gia đình. Nếu một thành viên trong gia đình không “tỉnh táo” trước những tác động bên ngoài thì sẽ dẫn đến va chạm không đáng có hàng ngày. Dần dần các va chạm này sẽ lớn và trở thành những mâu thuẫn không thể giải quyết được. Hậu quả là vợ chồng kéo nhau ra tòa.
Trong quá trình làm công tác hòa giải, chính các cô đã chứng kiến nhiều đôi vợ chồng trẻ phát sinh mâu thuẫn vì những việc nhỏ nhặt dẫn đến “động tay, động chân”. Bức xúc, vợ về nhà mẹ đẻ; chồng bỏ mặc. Mâu thuẫn ngày càng thêm căng thẳng nếu hai gia đình không đứng ra giải quyết mà luôn bảo vệ “phần đúng” của con mình!
Trong quá trình tham gia hòa giải nhiều vụ việc hôn nhân gia đình, một hòa giải viên cho biết thực ra các vụ việc này luôn có hướng giải quyết. Thứ nhất hai gia đình phải có sự hợp tác. Thứ hai, vụ việc được phát hiện sớm để ngăn không cho tình hình trở nên xấu hơn. Tiếp theo nữa là khơi gợi được sợi dây gắn kết tình cảm của đôi vợ chồng ấy... Muốn làm được những việc ấy thì ngay từ cơ sở, các hòa giải viên phải là những người tham gia từ đầu. Phải nắm chắc sự tình, biết lắng nghe đương sự giải bày để giải quyết vấn đề một cách có tình, có lý, từ đó giúp người trong cuộc thấy cái mình “được” nhiều hơn “mất” nếu hạnh phúc gia đình được hàn gắn.
Để những vụ, việc ly hôn giảm, có lẽ mỗi thành viên trong gia đình là nhân tố vun đắp cho hạnh phúc của mình; song song đó rất cần sự chung tay của các ban ngành, đoàn thể để kịp thời phát hiện, hóa giải những mâu thuẫn thường ngày.
L.T.PHƯƠNG