Đừng thờ ơ với con trẻ

Thứ năm, ngày 06/05/2010

Những ngày gần đây, bên cạnh những sự kiện kinh tế - chính trị xảy ra trên cả nước còn có một vấn đề xã hội đã và đang tiếp tục được mọi người quan tâm theo dõi. Đó là việc một cháu bé 14 tuổi ở Cà Mau bị hai vợ chồng người chủ nơi cháu giúp việc bạo hành một cách dã man trong một thời gian dài mới bị phát hiện.

Có lẽ không ai trong mỗi chúng ta không cảm thấy xót xa cho cậu bé ấy khi thấy những vết thương mưng mủ, chi chít trên tấm thân còm cỏi, khuôn mặt đầy vẻ khổ sở, đầy vẻ chịu đựng ấy. Cái ác phải được trừng trị, phải được xử lý nghiêm khắc, những người làm tổn thương người khác về tinh thần hay về thể xác đều phải bị nghiêm trị, hơn nữa nạn nhân ở đây lại là trẻ em, là đối tượng mà pháp luật của Nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm và có nhiều chính sách, chế độ chăm lo, bảo vệ. Đôi vợ chồng ác đức ấy rồi đây không chỉ bị pháp luật xử lý nghiêm khắc mà tiếng xấu cũng sẽ tồn tại chưa biết đến bao giờ. Vấn đề còn lại chúng ta muốn nói là trách nhiệm của những người làm cha, làm mẹ khi đã gián tiếp đẩy con em mình rơi vào những hoàn cảnh thương tâm như vậy.

Thường những gia đình gặp phải chuyện không may: cha hoặc mẹ mất sớm, người còn lại đi tìm hạnh phúc mới hoặc do không hòa hợp nhau gia đình tan vỡ, những người cha người mẹ lại đi bước nữa và thường những đứa trẻ được gửi cho ông bà nội hoặc ông bà ngoại nuôi dưỡng. Thiếu sự quan tâm chăm sóc của các đấng sinh thành, nhiều đứa trẻ có gia đình không hạnh phúc như vậy thường rơi vào vòng xoáy của tệ nạn xã hội hay gặp những bi kịch trong cuộc sống, mà cuộc đời của cậu bé 14 tuổi Nguyễn Hào Anh - nạn nhân trong vụ bạo hành dã man trên là một trường hợp điển hình.

Gia đình tan vỡ khi cha bỏ đi, mẹ lấy chồng khác rồi sinh em bé, cậu bé Hào Anh và người em sinh đôi phải về sống cùng ông bà ngoại. Bất hạnh xảy ra khi vuông tôm của ông ngoại bị mất trắng, ông lại bị bệnh nặng, gia đình rơi vào cùng cực, cậu bé ấy được mẹ mình gửi đi giúp việc cho gia đình một người quen đã 2 năm để lấy tiền và 6 tháng gần đây cậu bé liên tục bị hành hạ với những đòn roi như thời Trung cổ. Có lẽ nhiều người sẽ như tôi không khỏi bất nhẫn khi được biết mẹ của bé Hào Anh đã nhiều tháng liền không đến thăm con mà chỉ hỏi thăm qua điện thoại, khi bà muốn đưa con đi nơi khác làm công nhưng ông chủ trại tôm giống không cho, thế là thôi, khi cậu bé bị hành hạ tơi tả với thương tích đầy người, sức khỏe suy kiệt, cuộc sống khổ sở, thiếu thốn trong một thời gian dài mà gia đình không hay biết. Và khi nhìn hình ảnh người mẹ vào bệnh viện chăm sóc cho con tôi cứ nghĩ với hoàn cảnh gia đình như vậy chắc hẳn bà mẹ phải có vẻ lam lũ, đau khổ lắm nhưng không, người mẹ ấy có vẻ mặt viên mãn, trang phục không có vẻ gì là nghèo khổ cả... Phải chăng do chỉ chú ý tới hạnh phúc mới mà có những người mẹ, người cha thiếu sự quan tâm chăm sóc những đứa con với người chồng, người vợ cũ do chính mình rứt ruột sinh ra. Phải chi người mẹ ấy để ý một chút, quan tâm thăm nom con một chút thay vì chỉ biết nhận những đồng tiền do con đi làm thuê mang lại mà không để ý đến những khổ cực, vất vả của con mình khi phải lao động sớm, khi thiếu tình thương yêu của cha mẹ, khi có những lúc vì nhớ mẹ cậu bé ấy đã khóc ướt gối... Mong sao tất cả những người làm cha, làm mẹ như chúng ta dù trong hoàn cảnh nào vẫn hãy quan tâm đến con trẻ, dành cho con những gì tốt đẹp nhất để xã hội ngày càng ít đi những đứa trẻ rơi vào hoàn cảnh như cậu bé Hào Anh. Để các em được hưởng 10 quyền cơ bản của mình theo quy định của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, đó là; quyền được chăm sóc nuôi dưỡng; quyền sống chung với cha mẹ; quyền được chăm sóc sức khỏe; quyền được học tập; quyền được tiếp cận thông tin, bày tỏ ý kiến và tham gia hoạt động xã hội; quyền vui chơi giải trí...

VÕ HƯƠNG