Đừng quên đo độ cận!

Thứ ba, ngày 17/06/2014

Nhiều người bị cận thị thường ít khi để ý đến lịch tái khám do bác sĩ hẹn. Có người đến khi độ cận tăng đến mức thấy mờ mới vội vàng đi đo lại độ cận và cắt kính, bác sĩ Huỳnh Trần Dương Giang, Trưởng khoa Mắt Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho rằng phải đo mắt khúc xạ thật cẩn thận để chăm sóc mắt tốt hơn…

 

Khám mắt ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Theo khuyến cáo của bác sĩ, người bị cận thị nên đi đo mắt mỗi 3 - 6 tháng để kịp thời điều chỉnh số kính. Với bệnh nhân đeo kính sát tròng cần được kiểm tra giác mạc 3 tháng một lần, phải ngưng sử dụng kính nếu có bất thường trên giác mạc hoặc có phản ứng của mắt với kính.

Không nên đeo kính quá lâu mà không đổi độ bởi như thế sẽ làm cho mắt điều tiết nhiều hơn, thị lực yếu dần đi. Có 2 nguyên nhân chính gây bệnh cận thị là do bẩm sinh và mắc phải. Bệnh bẩm sinh do yếu tố di truyền, cha mẹ cận thị thì con cũng bị cận thị. Loại này có đặc điểm là độ cận cao, có thể trên 20 diop, độ cận tăng nhanh cả khi đã ở tuổi trưởng thành, có nhiều biến chứng như thoái hóa hắc võng mạc, xuất huyết hoàng điểm, bong hoặc xuất huyết thể pha lê, rách hay bong võng mạc… Cận thị nhẹ hay trung bình dưới 6 diop, tăng dần từ tuổi học đường đến trưởng thành, tuổi thành niên rồi cố định. Đeo kính phân kỳ thì thị lực trở lại bình thường. Nếu cận thị nhẹ diễn biến bình thường nơi người có sức khỏe bình thường, độ cận sẽ không thay đổi cho đến lúc lớn tuổi, lúc đó lão thị sẽ làm giảm số diop, khi đọc sách có thể hạ số kính hoặc bỏ kính.

Cận thị nặng thường trên 7 diop, dù đeo kính thị lực vẫn không đạt được mức bình thường, mắt trông lớn có vẻ như hơi lồi, đáy mắt có nhiều suy biến nơi mạch mạc và võng mạc.

Bệnh nhân bị cận thị dù nặng hay nhẹ phải nên đi đo khúc xạ ở bệnh chuyên khoa để điều chỉnh độ của kính cho phù hợp. Có khi mắt vừa cận, vừa bị loạn thị cần đo kỹ để bác sĩ điều trị chọn đúng độ kính thích hợp. Bệnh nhân cũng nên cắt kính đeo ở cửa hàng uy tín để tránh tình trạng chất lượng của kính không bảo đảm.

 

 H.CẦN