Dũng “gàn” làm gạch không nung
(BDO) Đam mê cơ khí và khát khao mang lại công nghệ làm gạch không nung (GKN) độc đáo cho Việt Nam đã khiến anh Nguyễn Chí Dũng, Giám đốc Công ty GKN Ngôi sao Bình Dương (TX.Tân Uyên) hao tài tốn của lẫn tốn… sức khỏe mấy năm liền. Để giờ đây, công nghệ GKN ép tĩnh của anh không chỉ chinh phục thị trường mà còn “mở lối” cho vấn đề xử lý chất thải, tro bay của các nhà máy nhiệt điện, thép... trong cả nước.
Bằng nhiệt huyết và đam mê của mình, anh Nguyễn Chí Dũng đã tối ưu hóa công nghệ ép gạch không nung tĩnh. Trong ảnh: Anh Dũng (trái) trong một lần thuyết trình sản phẩm với cán bộ Sở Khoa học và Công nghệ Bình Dương. Ảnh: KHÁNH VINH
Duyên nợ với máy ép gạch
Nhiều lần gặp anh Dũng “gàn” - cái danh không mấy tự hào khi bạn bè gán ghép cho anh, tôi ngẫm ra có lẽ anh có duyên lẫn nợ với máy ép gạch. Quả thật, không duyên không nợ sao được khi anh bỏ cả cơ nghiệp lẫn tiền đồ để đến với cái máy tưởng như vô tri, vô giác mấy năm trời.
Tốt nghiệp Đại học Bách khoa năm 1993, chàng kỹ sư trẻ Nguyễn Chí Dũng mày mò sáng chế hàng chục loại máy khác nhau, từ máy nông nghiệp đến máy làm thép định hình. Trải qua vài năm, anh tìm được chỗ đứng vững chắc trong một doanh nghiệp chế tạo máy dược phẩm có tiếng tại TP.Hồ Chí Minh. Sau đó, anh lại mở công ty cung cấp máy móc, nguyên vật liệu từ Đức. Rồi anh lập gia đình, mua nhà, tậu được xe hơi ở đất Sài thành - một cuộc sống nhiều người mong muốn.
Đang khởi nghiệp với “vốn liếng” đầy thăng hoa, anh lại bén duyên với máy ép gạch. Một lần, bạn bè rủ anh đi Phú Yên mua cát đưa vào miền Nam để bán. Tuy nhiên, do làm ăn không hiệu quả nên anh cùng mấy người bạn tìm cách ép cát làm bê tông cốt liệu. Sau đó, anh Dũng tìm đến Công ty T.H (TX.Bến Cát) - vốn mạnh số 1 thị trường máy ép GKN khi đó để hỏi mua máy ép gạch bê tông cốt liệu. Sau khi tham quan, tìm hiểu loại máy này, anh phát hiện nhiều khiếm khuyết trong thiết kế, vận hành của các loại máy trên thị trường nên quyết định không mua. Sau đó, anh tìm tòi để có giải pháp khắc phục những khiếm khuyết đó, rồi cái “nghiệp” sáng chế máy ép GKN vận vào anh khi nào không hay biết. Nói “nghiệp” là vì, từ năm 2008 đến nay anh đã bỏ nhiều thời gian, công sức nghiên cứu để sở hữu bằng được công nghệ ép tĩnh GKN. Nói “nghiệp” là vì cũng từng ấy thời gian anh “đốt” ngót nghét hơn 7 tỷ đồng, bán cả nhà để làm bằng được máy ép GKN đạt chuẩn cho thị trường.
Từ lúc anh bắt đầu nghiên cứu tới khi làm thành công máy ép GKN mất 3 năm. Ba năm trời ấy anh tiêu tốn thời gian, tâm sức vào nghiên cứu, đến mức cuộc hôn nhân đầu tiên của anh bị trục trặc. Di chứng của việc ăn không đúng bữa, thức đêm, ngồi lâu, suy nghĩ nhiều đã khiến sức khỏe của anh xuất hiện nhiều dấu hiệu bất ổn. Máy ép GKN làm xong năm 2015, khi chạy thử đã mang lại sản phẩm đầu tiên “đẹp như gái đương xuân”. Lúc này, mọi khó nhọc trong anh dường như tan biến. Thế nhưng, gian nan vẫn chưa “tha” anh. Thời điểm đó, máy ép tĩnh tiêu thụ trên thị trường gặp vô vàn khó khăn do các nhà đầu tư bị mê hoặc bởi năng suất thần tốc của máy ép rung Trung Quốc. Thế rồi anh lại phải chạy đua với một cuộc đua đầy khốc liệt khác: Tìm đầu ra cho sản phẩm.
“Chỉ muốn công bằng”
Nếu thiếu nhà máy, thiếu thực tế sản xuất sẽ khiến sản phẩm làm ra có nguy cơ bị xếp xó vì không thuyết phục được nhà đầu tư. Nghĩ vậy, anh Dũng lại khăn gói về Bình Dương, chọn một khoảnh đất tại phường Thạnh Phước, TX.Tân Uyên mở nhà máy gạch. Sau hơn 2 năm xin chủ trương, xây dựng nhà máy rồi đi vào hoạt động ổn định, giờ đây Công ty GKN Ngôi sao Bình Dương đã dần khẳng định được vị thế trên thị trường vật liệu xây dựng trong và ngoài tỉnh. Công ty GKN Ngôi sao Bình Dương là một trong 4 doanh nghiệp khoa học - công nghệ của tỉnh được Bộ Khoa học - Công nghệ chứng nhận là doanh nghiệp khoa học - công nghệ.
Làm ra máy làm GKN ép tĩnh và có sản phẩm đạt tiêu chuẩn nhưng anh Dũng vẫn chưa hài lòng với viên gạch của mình. Thế rồi anh lại tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu để cho ra đời gạch 7 màu, rồi nghiên cứu ra viên gạch 2 lỗ, 4 lỗ, 6 lỗ, 8 lỗ... nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. Đau đáu với vấn đề ô nhiễm môi trường, nhất là hướng xử lý cho bụi lò nhiệt điện, anh tiếp tục đi tìm nguồn cung cấp tro về làm tiếp ra gạch có chứa xỉ than tro bay nhiệt điện và nhà máy thép. Anh cũng thử nghiệm luôn cả với hạt nix hay bùn đỏ bauxite, bùn đỏ sau khai khoáng titan và xà bần...
Cũng từ ý tưởng mới mẻ và đầy triển vọng này mà anh Dũng được đích thân Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho cán bộ vào tham quan, thẩm định công nghệ tại nhà máy ở TX.Tân Uyên. Rồi cũng chính Bộ trưởng Trần Tuấn Anh mua vé máy bay mời gã “gàn” Bình Dương ra Hà Nội hội kiến.
Hỏi lại chuyện hội kiến với Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, anh Dũng phì cười: “Lần đầu tiên được bộ trưởng mua vé máy bay, mời ra tận Hà Nội, gặp đầy đủ ban bệ của bộ để trình bày ý tưởng, công nghệ tận dụng chất thải làm GKN tôi có hơi lo. Nhưng đã vào chủ đề thì có nhiều vấn đề để nói, đến mức lịch làm việc chỉ có mấy chục phút nhưng tôi với bộ trưởng cứ vừa hỏi vừa đáp đến hơn 2 giờ đồng hồ. Kết thúc buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh hỏi tôi: Anh cần gì ở chúng tôi sau buổi làm việc này không. Tôi trả lời ngay: Tôi chỉ cần công bằng. Nói xong, cuộc làm việc cũng kết thúc, tôi chào bộ trưởng, các thành viên rồi ra sân bay về Bình Dương tiếp tục công việc của mình”.
Công bằng đối với Nguyễn Chí Dũng chính là một sự sòng phẳng giữa GKN và gạch nung trên thị trường; là sự quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương trong việc sử dụng GKN theo đúng tinh thần Thông tư 13-2017 của Bộ Xây dựng; là cái nhìn khách quan của thị trường gạch xây dựng đối với GKN... Bởi lẽ, dù nhu cầu từ thị trường về GKN đang tăng nhưng thị trường này cũng gặp sự cạnh tranh khá khốc liệt.
Ngoài ra, một điều “ấm ức” khác khiến cho anh Nguyễn Chí Dũng thẳng thừng xin sự công bằng từ Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chính là việc nhập nhằng, lẫn lộn của chính sản phẩm GKN với nhau. “Chỉ tính riêng tại Bình Dương hiện nay đã có hơn 20 công ty làm GKN khác nhau nhưng chất lượng lại không đồng đều, không bên nào đóng dấu, logo chứng nhận sản phẩm đạt chất lượng, dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh”, anh Dũng trăn trở.
Dũng “gàn” là thế! Dân kỹ thuật, tuy không khéo miệng, không nói để được lòng người khác nhưng nói một là một, hai là hai; nói được làm được. Dù có “gàn” đôi chút nhưng cũng vì cái sự gàn ấy gã đã dám nghĩ, dám “đốt” tiền bạc cho đam mê công nghệ và cũng... dám đứng ngay trước mặt bộ trưởng xin sự công bằng!
Rời xưởng GKN của Dũng “gàn” trong một buổi chiều mưa tầm tã, dù vậy tôi cũng thấy vui lây với những gì anh Dũng đã làm được. Không vui sao được khi sau lưng tôi là những mẻ gạch vuông vức, đều tăm tắp không sai một li cứ sóng nhịp rời khuôn dưới trời mưa nặng hạt. Gạch ấy không phải phơi, cũng không phải nung gây ô nhiễm môi trường. Gạch ấy sau khi ra lò vài hôm có thể đến thẳng công trường xây dựng. Gạch ấy được làm từ một tay “gàn” đam mê công nghệ có một không hai của đất Bình Dương.
Tham vọng 15 triệu viên mỗi năm
Mới đây, anh Nguyễn Chí Dũng lại có văn bản đệ trình lên Sở Khoa học và Công nghệ Bình Dương một kế hoạch mới, cho ra lò sản phẩm GKN 8 lỗ. Đây là kết tinh của quá trình dày công nghiên cứu của anh. Viên gạch 8 lỗ có hình dáng, kích thước tương tự gạch đất sét nung, tuy nhiên do sản xuất bằng công nghệ cao, cốt liệu sẽ được nén ép tốt, tạo ra độ kín, khít và không có lỗ thông nhau; đặc biệt tỷ lệ rỗng đạt từ 55 - 57%, tỷ trọng đạt chỉ khoảng 880kg/m3 (nhẹ hơn nước). Đây là một bước đột phá về sản phẩm khi xây dựng các công trình cao tầng hiện đại ở Việt Nam.
Một trong những tham vọng khác của anh Dũng chính là việc đầu tư thêm khoản tiền lên đến 6,5 tỷ đồng để phát triển thêm dây chuyền tự động hóa sản xuất GKN có công suất ước tính 9 triệu viên/năm. Cộng với dây chuyền hiện tại, GKN Ngôi sao Bình Dương sẽ có tổng công suất sau khi đầu tư giai đoạn 2 là 15 triệu viên/năm, đủ đáp ứng nhu cầu của các khách hàng lớn như Novaland, Hưng Thịnh... trong thời gian tới.
LÝ KHÁNH VINH