Đừng đổ thừa cho số phận
(BDO) Trẻ em luôn nhìn thế giới bằng đôi mắt tò mò nên không ngừng khám phá mọi thứ xung quanh. Chính điều này đã gây ra hàng tá nguy hiểm cho các em. Người lớn đôi khi vì cẩu thả, lơ là khiến trẻ phải trả giá bằng sinh mạng hoặc những dị tật mang theo suốt đời.
Mỗi ngày giở báo ra, đập vào mắt chúng ta là những tin trẻ bị phỏng, nuốt dị vật, té ngã thương tật, chết đuối…và thông tin đang nóng là bé trai tử vong vì bị con diều cuốn đi. Trẻ con rất mê chơi nên người lớn phải luôn đi theo canh chừng chúng từng giây, từng phút. Trong khi chơi đùa mải mê với những trò chơi, trẻ gặp nguy hiểm mà không hề hay biết. Người lớn đừng vì chủ quan “vài phút thôi, có mấy bước chân….” mà để cả đời phải hối hận.
Tôi từng nghe câu chuyện đau lòng về một người mẹ đút cơm cho con ăn ngoài đường. Thấy chiếc ô tô đậu bên vỉa hè, cậu bé tò mò lân la đi quanh để ngắm nghía từng chiếc bánh xe. Do ỷ y chiếc xe đậu cố định nên người mẹ đi vào nhà cất chén cơm. Khi trở ra, bà đau đớn gào khóc khi thấy cậu bé nằm dưới bánh xe ô tô. Do thân hình bé nhỏ nên khi cậu bé đứng lấp ló sau bánh xe , bác tài không biết đã khởi động máy, chiếc xe lăn bánh và vụ tai nạn kinh hoàng đã xảy ra.
Lần khác, tôi chứng kiến một vụ tai nạn chết đuối ngay trong xóm mình ở mà hơn 5 năm qua vẫn luôn ám ảnh tôi. Nạn nhân là cháu ngoại của bà T. hàng xóm với tôi. Con gái bà T. gửi cháu gái 2 tuổi nhờ bà trông hộ. Sau khi cho cháu ăn no, bà hát ru, cô bé thiu thiu vào giấc ngủ. Thấy cháu ngủ say, bà T. yên tâm ra vườn hái bó rau lang. Nhưng khi bà quay vô nhà lại giường không thấy cháu đâu, bà T. hốt hoảng chạy ra ngõ gọi í ới.
Bà lao ra ao. Mặt nước phẳng lặng nhưng linh cảm có điều gì đó không ổn, bà gào hét, nhờ hàng xóm xuống sục sạo tìm. Và điều đau đớn đã xảy ra, người ta vớt cháu bé từ dưới bùn lên. Ngay chiều hôm ấy, nhà bà T. tràn ngập trong nước mắt và tiếng khóc than, hàng xóm cũng phải rơi nước mắt xót xa. Tôi nhớ mãi tiếng than van của bà T: “Trời ơi! Chỉ có một bó rau lang mà tôi mất đứa cháu”.
Ngày nhỏ, tôi và các chị cũng từng nhiều lần chết hụt. Vì ngày đó gia đình nghèo nên cha mẹ tôi luôn bận bịu với việc đồng áng, lũ trẻ chúng tôi suốt ngày túm tụm năm bảy để chơi đủ trò từ tắm suối, tắm ao, bơi cây chuối đi bắt cá, tôm…Ơ tuổi lên 10-12, nhiều người nói chúng tôi đã đủ lớn để biết ở đâu nguy hiểm nhưng thật sự trong trí não thơ ngây và ham chơi ấy, chúng tôi vẫn chưa biết đâu là chỗ nguy hiểm.
Tôi nhớ đến những cái giếng tưới ở xóm tôi. Ngày đó, người lớn dùng mìn nổ, khoét đất đá, tạo thành những cái giếng sâu hoắm. Thường loại giếng này cho nước tưới quanh năm. Thành giếng xây một lớp gạch cao chừng nửa thước. Hai chị em tôi cùng một người bạn cùng vịn thành, nhìn xuống giếng, nước trong vắt. Một cái ống tưới lớn chừng bắp đùi đứa nhỏ, nối từ miệng giếng xuống đến mặt nước.
Chúng tôi háo hức, đu lấy cái ống, lần lượt tuột xuống. Ba chúng tôi lượn lại quanh cái ống, thi thoảng chị tôi còn thả hai tay ra nhưng chỉ một giây là bám tay vào cái ống ngay. Tôi quờ hai chân qua lại trong nước, thử xem mình có chạm đáy giếng không. Tôi thật ngây thơ, chiều cao chưa đến một mét của tôi làm sao mà bàn chân chạm đáy được. Một cây rêu ở thành giếng, dính vào lỗ mũi, tôi quên mất việc bám ống, một tay lấy cây rêu ra, tay còn lại ngoáy mũi cho đỡ ngứa. Chỉ tích tắc, mực nước ngập dần lên đến cổ, tôi có cảm giác cơ thể mình đang chìm xuống. Hai tay tôi quờ quạng loạn xạ. Cũng may, tôi túm được vạt áo của cô bạn. Tay còn lại, tôi bấu víu vào ống nước ngay. Tôi ho sặc nước, hai con mắt đỏ ke, nước mắt, nước mũi dàn dụa. Vừa lúc đó, có tiếng người hét lên thất thanh: “Ôi trời ơi!”.
Cả ba chúng tôi cùng nhìn lên thành giếng. Gương mặt của ông Thừa biến sắc, trông đến khó coi. Không phải là gương mặt của người đang giận dữ, tôi nghĩ ông đang sợ hãi thì đúng hơn. “Muốn chết cả lũ hả? Ai lại đi xuống giếng tắm”. Ông Thừa hét toáng lên. Cứ vậy, ông lần lượt kéo từng đứa lên bờ. Người chúng tôi ướt sũng. Ông Thừa bất thình lình vớ ngay một nhánh cây, quất vào mông chị em tôi.
Ngay cả khi đối mặt với tử thần, cả ba chúng tôi đều không nhận ra. Trong suy nghĩ ngốc nghếch của những đứa trẻ, chúng tôi còn cho rằng ông Thừa là người ích kỷ, có cái giếng tưới mà cũng không cho tắm. Chúng tôi không biết rằng, nếu hôm ấy, một trong ba đứa bỏ tay ra khỏi cái ống nước, có thể đã nằm mãi mãi dưới lòng giếng lạnh.
Trẻ thơ sẽ không bao giờ biết chúng nguy hiểm ngay cả khi chúng đối mặt với cái chết vậy nên người lớn hãy là thần bảo vệ tính mạng cho trẻ. Với những em bé không may chết vì tai nạn thì lỗi trước hết thuộc về người lớn và bạn đừng bao giờ đổ thừa cho số phận với những câu nói tự an ủi như: “Tại cái số chết…vắn số…chết ỉu…”. Vì các em còn quá nhỏ để tự cứu mình.
Theo PNO