Dùng điện toán đám mây để thu hẹp khoảng cách số

Thứ năm, ngày 15/06/2017
Điện toán đám mây được coi là một thành phần nền tảng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

(BDO) Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra từ những năm 2000 gọi là cuộc cách mạng số, thông qua các công nghệ như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), thực tế ảo tăng cường (AR), điện toán đám mây (Cloud Computing), phân tích dữ liệu lớn... để chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số.

Trong cuộc cách mạng này, giới chuyên môn cho biết "khoảng cách số" sẽ càng lớn dần khi các nền kinh tế phát triển đạt được nhiều tiến bộ nhờ những đầu tư mạnh mẽ vào CNTT và Truyền thông (ICT), còn nhiều nước đang phát triển vẫn chưa nắm bắt cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao sức cạnh tranh.

Là một thành phần nền tảng của cuộc cách mạng công nghiệp nhưng việc ứng dụng đám mây trong các doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam vẫn chưa thực sự sâu rộng. Nhằm thúc đẩy thị trường Cloud tại Việt Nam, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) phối hợp với Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) tổ chức Hội nghị Vietnam Cloud Computing 2017 vào ngày 22-6 tại Hà Nội.

Dịch vụ điện toán đám mây được Amazon lần đầu đưa ra vào năm 2006. Chỉ sau chưa đầy 10 năm, đám mây đã đảm nhiệm 75% tổng khối lượng tính toán của các máy chủ năm 2015. Tỷ trọng này dự kiến tăng lên 92% năm 2020. 

Tại Việt Nam, các doanh nghiệp CNTT đang nỗ lực phát triển dịch vụ Cloud trên ba loại hình: dịch vụ hạ tầng (IaaS), dịch vụ nền tảng (PaaS) và dịch vụ giải pháp trên nền Cloud (SaaS) nhưng còn gặp nhiều khó khăn. PGS Vũ Minh Khương tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu, cho biết trong các nước ASEAN, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng chi tiêu cho điện toán đám mây giai đoạn 2010-2016 cao nhất (64,4%/năm), hơn mức bình quân của khu vực (49,5%). Tuy nhiên, về con số tuyệt đối, mức chi tiêu cho đám mây của Việt Nam rất ít, chỉ 1,7 USD/năm, thấp hơn 107 lần so với Singapore và 6,5 lần so với Malaysia.

Theo VNE