Đừng để con trẻ bị “lạc trôi cảm xúc”…
(BDO) Gần đây, một số phụ huynh tỏ ra lo ngại khi những đứa con của họ ngày càng sống khép kín, khó khăn trong việc tiếp xúc, trao đổi với người khác kể cả ba mẹ. Trong khi đó, các em nuôi thú cưng, thậm chí xem thú nhồi bông, búp bê như “người thân” của mình.
Chỉ biết đến thú cưng!
Mới đây, Hồng H., một người bạn của tôi đã xin nghỉ việc dù thu nhập của cô ấy là mơ ước của nhiều người với hơn 30 triệu đồng một tháng và nhiều khoản thưởng khác. Cô bạn cho biết nguyên nhân nghỉ việc là để thời gian tập trung cho con gái khi cô nhận ra, đứa con đang tuổi dậy thì của mình ngày càng bị “lạc trôi cảm xúc” theo cách của cô ấy nói. Thôi thì tạm thời mượn cụm từ này để đặt tựa cho bài viết này bởi chúng tôi thấy cũng đúng khi theo dõi một số diễn đàn làm cha mẹ và các bé tuổi mới lớn gần đây.
Theo lời của cô Hồng H., cả hai vợ chồng cô đều tích cực làm việc để gầy dựng gia đình, xây dựng cuộc sống sung túc ở nơi đất khách quê người. Tất nhiên họ vô cùng vất vả và bận rộn. Cho tới một ngày, khi họ nhìn nhà cao cửa rộng, công việc ngày càng hanh thông thì vấn đề... bế tắc ở đứa con gái 15 tuổi. “Hầu như nó không quan tâm đến những gì xung quanh. Đi học về nó chìm vào cảm xúc của bản thân và đóng cửa ở trong phòng. Buồn hơn nữa là mình âm thầm hỏi thăm các bạn thì biết con mình không có bạn thân ở lớp. Đến lớp nó cũng sống khép kín, ngại tiếp xúc, ngại nói luôn!”, Hồng H. chia sẻ.
Hình ảnh một Kumanthong được coi như con (nguồn Internet)
Theo quan sát của chúng tôi từ khi gặp cho đến khi chia tay khách hôm đó, con bé chỉ ôm con chó cưng và chuyện trò với con chó này. Khi mẹ bảo chào hỏi khách đi con, bé chỉ gật đầu hoặc lí nhí một vài tiếng cho có rồi vội vàng cúi đầu xuống. Hồng H. buồn bã cho biết có lẽ lỗi này do cô bởi từ khi con gái còn nhỏ, cô luôn dạy con đề phòng người lạ, đừng tin ai, đừng quá dễ dàng bắt chuyện với ai...
Lần khác là trong tiệm cắt tóc, gội đầu. Do gần tết nên tiệm hôm đó rất đông. Một bé trai khoảng 12 tuổi ngồi trên ghế cho thợ cắt tóc và ôm khư khư con chó trong tay. Thằng bé mặc kệ cho những ánh mắt xung quanh nhìn nó có vẻ không thiện cảm và khó chịu khi... chó và người chung cái ghế ngồi như vậy. Nó vẫn cúi đầu để cho thợ làm gì thì làm và chuyện trò với... con chó! Gần đó, người mẹ nhìn con và nhìn mọi người xung quanh có vẻ ái ngại. Chủ tiệm cắt tóc cũng không nỡ từ chối một người khách như thế nên đành làm theo yêu cầu của đứa bé. Và khi cắt tóc xong, đứa trẻ lủi thủi ôm chó ra xe về nhà.
Xem búp bê, thú nhồi bông như người thân
Gần đây, trong giới trẻ rộ lên phong trào “nuôi búp bê thần thánh”. Đó là những búp bê được đồn đãi là đã có bùa chú, xuất xứ từ Thái Lan (Kumanthong), có khả năng giúp đỡ chủ nhân khi búp bê hài lòng và cũng “giận dỗi, trừng phạt” khi búp bê nổi giận. Tệ hại hơn là họ nghĩ, búp bê có thể “trả thù” người mà chủ nhân của nó đang ấm ức, tức tối vì bị giành mất bạn gái, bạn trai! Chuyện cúng bái thần kỳ ma quái này ảnh hưởng đến việc học hành và cả cảm xúc của trẻ. Đây cũng là điều mà nhiều người rất quan tâm gần đây, nhất là phụ hunh có con em “tỏ ra khác thường” như thế.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thử lên mạng tìm kiếm địa chỉ mua búp bê Kumanthong, thôi thì đủ hình dáng, giá cả. Trong khi đó, hiện nay, Chính phủ Thái Lan đã cấm Kumanthong lưu thông trên thị trường. Tuy nhiên, loại búp bê này đang được một bộ phận giới trẻ Việt Nam ưa chuộng. Búp bê vô tri vô giác được cho ăn uống, tắm rửa, mặc quần áo đẹp và được người nuôi cưng như đứa con của mình. Nhiều người còn cho rằng, nuôi búp bê Kumanthong sẽ gặp may mắn và tài lộc vì chúng đã được yểm bùa. Một vài ý kiến khác thì cho rằng, nuôi Kumanthong sẽ giúp người nuôi thực hiện các ý đồ xấu như hại người khác… Chưa đến mức “nuôi” Kumanthong nhưng có nhiều em coi thú nhồi bông như bạn bè tri âm tri kỷ! Đặc biệt, các nhân vật hoạt hình làm bằng thú nhồi bông được các em đặt tên và trưng bày khắp nhà từ phòng học đến phòng ngủ. Một phụ huynh tá hỏa khi nghe con rầm rì trò chuyện trong phòng, tưởng con nói điện thoại với bạn, nào ngờ con bé nói chuyện với búp bê Annabelle - một nhân vật búp bê trong sê-ri phim kinh dị nổi tiếng của nước ngoài.
Khi văn hóa ứng xử của nhiều đứa trẻ chưa được định hình, một khi không có người thân bên cạnh để chuyện trò, bè bạn cũng không thì các em rất dễ chìm vào những thú vui tưởng như vô hại nhưng cực kỳ nguy hiểm này.
“Khi một đứa trẻ trở nên ít nói, không chú ý đến xung quanh và chỉ chú tâm vào vật nuôi hay búp bê, đồ chơi thì phải nhìn lại xem người lớn đối với bé như thế nào. Một số gia đình, ba mẹ lo làm việc mà không chú ý đến con cái nên các bé phải tìm đối tượng khác để tâm sự, để chia sẻ những cảm xúc mà các bé gặp phải từ phim ảnh, trường lớp, gia đình. Và trong quá trình tìm kiếm bè bạn đó, con của bạn vô tình bắt gặp những thông tin về thú cưng, về búp bê và đã bị đam mê cũng như ảnh hưởng đến hành vi, cảm xúc. Nếu tình trạng này kéo dài, sẽ gây nên chứng trầm cảm càng nguy hiểm hơn nữa. Khi thấy trẻ vị thành niên có dấu hiệu như vậy cần phải nhanh chóng tìm một bác sĩ tâm lý để được tư vấn kịp thời. Không nên la mắng, quở trách các bé và phải tìm rõ ngọn nguồn để không làm tình trạng nặng nề hơn. Tìm hiểu ngọn nguồn nguyên nhân sự việc để từ đó điều chỉnh dần cảm xúc của trẻ”.
(Bác sĩ Nguyễn Thị Bạch Tuyết,
nguyên Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh)
QUỲNH NHƯ