Dừng bay quốc tế sau khi tiếp viên vi phạm quy định cách ly phòng Covid-19

Thứ tư, ngày 02/12/2020

(BDO) Tối 1/12, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn đã ký công văn khẩn gửi Cục Hàng không Việt Nam, các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways và Pacific Airlines yêu cầu tăng cường phòng chống lây nhiễm Covid-19 đối với thành viên tổ bay quốc tế.

Nguy cơ lây nhiễm trên các chuyến bay đón công dân, chuyên gia, nhà đầu tư, người lao động kỹ thuật cao... từ các quốc gia chưa kiểm soát được dịch Covid-19 là rất cao

Nội dung văn bản của Bộ GTVT nêu rõ, trong những ngày gần đây, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài dương tính với SARS-CoV-2 liên tục được ghi nhận, trong đó có các trường hợp là tiếp viên hàng không trên các chuyến bay quốc tế.

Nguy cơ lây nhiễm trên các chuyến bay đón công dân, chuyên gia, nhà đầu tư, người lao động kỹ thuật cao... từ các quốc gia chưa kiểm soát được dịch Covid-19 là rất cao.

Nhằm tăng cường phòng chống lây nhiễm Covid-19 đối với thành viên tổ bay quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam đồng thời kiểm soát chặt các tổ bay nhập cảnh phòng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng, Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam và các hãng hàng không Việt Nam tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của Ban chỉ đạo Quốc gia về việc tăng cường công tác quản lý đối với thành viên tổ bay trong phòng chống dịch Covid-19 và Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn tạm thời công tác kiểm dịch y tế phòng chống lây nhiễm Covid-19 đối với phương tiện và người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa tại các cửa khẩu đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không.

“Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tổ bay có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 khi tiếp xúc trực tiếp với hành khách hoặc nhân viên mặt đất bản địa tại sân bay nước ngoài, khi đi sâu vào nội địa (để nghỉ lại theo quy định của ICAO) và có tiếp xúc với người bản địa... Do đó cần tăng cường các biện pháp phòng dịch sau để giảm nguy cơ lây nhiễm cho tổ bay và lây nhiễm dịch bệnh vào cộng đồng”, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn chỉ đạo.

Đối với phi công trên các chuyến bay đón công dân, chuyên gia, nhà đầu tư, người lao động kỹ thuật cao... từ các nước về Việt Nam, Bộ GTVT yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng lây nhiễm dịch bệnh trong toàn bộ hành trình bay (đeo khẩu trang N95 hoặc tương đương, mặc trang phục bảo hộ gồm mũ, kính, bộ quần áo liền, bọc giầy, găng tay 2 lớp, sử dụng dung dịch rửa tay khô: không xếp khách tại khoang thương gia nơi sát với buồng lái; phi công sử dụng buồng vệ sinh riêng, tự phục vụ đồ ăn; khi rời máy bay được phục vụ xe riêng không cùng với tiếp viên), không tiếp xúc với hành khách trên chuyến bay và các thành viên còn lại của tổ bay và nhân viên mặt đất bản địa tại sân bay nước ngoài.

Đối với tiếp viên và các thành viên khác của tổ bay (nhân viên kỹ thuật, nhân viên mặt đất) đi cùng chuyến bay, Bộ GTVT yêu cầu phải mặc trang phục phòng hộ tương tự phi công; hạn chế tối đa tiếp xúc với hành khách; Sử dụng buồng vệ sinh riêng; khi rời máy bay được phục vụ xe riêng, không tiếp xúc với phi công trên chuyến bay và nhân viên mặt đất bản địa tại sân bay nước ngoài; Thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng hộ như trên trong suốt hành trình bay nhằm giảm thiểu nguy cơ bị nhiễm bệnh.

Khử trùng máy bay chở khách quốc tế ngay tại nơi nhập cảnh

Các hãng hàng không cũng được yêu cầu thường xuyên thực hiện vệ sinh khử khuẩn các vị trí có nguy cơ lây nhiễm trên các chuyến bay (trước, trong và sau các chuyến bay) tại các khu vực dùng chung như tay vịn ghế ngồi, chỗ đặt khay ăn, cửa phòng vệ sinh, các vật dụng trong phòng vệ sinh...;

Các hãng hàng không cũng được yêu cầu thường xuyên thực hiện vệ sinh khử khuẩn các vị trí có nguy cơ lây nhiễm trên các chuyến bay.

Trang phục phòng hộ của thành viên tổ bay phải được loại bỏ trước khi rời khỏi máy bay theo đúng quy trình để tránh bị lây nhiễm và sau đó tiếp tục sử dụng khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn nhanh để phòng bệnh Covid-19.

Thực hiện nghiêm việc khử trùng tàu bay chở khách quốc tế ngay tại nơi nhập cảnh; Tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp cách ly y tế và lấy mẫu xét nghiệm đối với thành viên tổ bay khi về đến Việt Nam theo quy định tại Công văn số 3588/ của Ban chỉ đạo Quốc gia về việc áp dụng các biện pháp cách ly đối với tổ bay của Vietnam Airlines cho đến khi có hướng dẫn mới của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 hoặc Bộ Y tế.

Thực hiện nghiêm việc cách ly tại nhà, nơi lưu trú theo đúng hướng dẫn tại Quyết định số 879 về việc ban hành Hướng dẫn cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú phòng, chống dịch Covid-19”.

Các hãng hàng không để các thành viên tổ bay vi phạm các quy định về cách ly y tế, phòng chống dịch làm lây nhiễm ra cộng đồng thì yêu cầu tạm dừng thực hiện các chuyến bay quốc tế.

Thủ tướng chỉ đạo tạm dừng các chuyến bay thương mại từ nước ngoài, không để vòng tuần hoàn thứ 3 nguy hiểm ra cộng đồng

Chiều 1/12, kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ nghe Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần “phải bình tĩnh và quyết liệt hơn”, cả hệ thống chính trị vào cuộc mạnh mẽ hơn, nêu cao tinh thần trách nhiệm, cảnh giác ở mọi địa bàn, trước hết là các thành phố lớn, các khu tập trung đông người. Thực hiện nghiêm túc “Thông điệp 5K”, trước hết là 2K: Đeo khẩu trang và khử khuẩn.

“Tiếp tục thực hiện chiến lược từng mang lại hiệu quả trong 2 đợt dịch trước đây là kiểm soát chặt chẽ từ bên ngoài, khoanh vùng dập dịch triệt để từ bên trong, chữa trị hiệu quả và có trách nhiệm”, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng yêu cầu TP HCM thực hiện cấp bách, thần tốc việc điều tra, truy vết, cách ly mọi đối tượng F1, F2 đối với số lượng người đã phát hiện, “không để vòng tuần hoàn thứ 3 nguy hiểm ra cộng đồng”.

Với trường hợp lây nhiễm vừa qua, Thủ tướng yêu cầu kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xác định đây là vi phạm nghiêm trọng, cần phải có biện pháp xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân liên quan vì vi phạm quy định cách ly phòng chống dịch bệnh.

Hành khách trên mọi chuyến bay về nước phải cách ly 14 ngày

Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh, thành phố trên cả nước, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng, các khu tập trung chú ý vấn đề đeo khẩu trang. Tăng cường kiểm tra các chủ trương đã nêu, đặc biệt là đeo khẩu trang và khử khuẩn, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát những nơi có nguy cơ dễ xảy ra lây nhiễm như siêu thị, bệnh viện, phương tiện công cộng, trường học, nhà máy… Những vụ việc đã xảy ra cần rút kinh nghiệm sâu sắc, nhất là ngành y tế.

“Các cấp, các ngành, các địa phương khi tiếp khách nước ngoài, người từ nước ngoài về, hay từ vùng có khả năng lây nhiễm cao thì phải hỏi ý kiến ngành y tế trước khi quyết định”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng yêu cầu quản lý biên giới, xuất nhập cảnh chặt chẽ. Tạm dừng các chuyến bay thương mại từ nước ngoài, chỉ thực hiện các chuyến bay giải cứu (đối với các trường hợp khó khăn, thực sự cần thiết). Hành khách trên mọi chuyến bay về nước thì đều phải được cách ly 14 ngày.

Tiếp tục dừng các hoạt động không cần thiết; các hoạt động tập trung đông người phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.

Thực hiện giãn cách xã hội với khu vực có nguy cơ cao và có chủ trương khoanh vùng hợp lý, không giãn cách xã hội tràn lan ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất kinh doanh.

Về công tác thông tin truyền thông, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục phổ cập tinh thần không chủ quan trong phòng chống dịch vì dịch còn diễn biến phức tạp trên toàn thế giới; hướng dẫn người dân đề phòng bệnh tật. Ngăn chặn thông tin tiêu cực, bịa đặt, “tinh thần chủ động, tích cực, không mất cảnh giác chứ không phải tinh thần hoang mang, run sợ khi một ca lây nhiễm trong cộng đồng xảy ra ở TPHCM”, Thủ tướng nói và chỉ đạo TP HCM triển khai mọi biện pháp, xử lý các trường hợp F1, F2 kiên quyết, kịp thời, thần tốc.

"Cần bảo đảm năng lực cho hệ thống, kể cả tinh thần sẵn sàng đi đầu trong phòng chống dịch", Thủ tướng chỉ đạo và lưu ý vấn đề vaccine ngừa Covid-19, sớm có phương án báo cáo Thường trực Chính phủ./.

Theo VOV

Từ khóa: