Đức: Chính trường đầy sóng gió

2024-11-14 16:30:59

Nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, liên minh cầm quyền tan vỡ do những bất đồng về chính sách, niềm tin của nhân dân sụt giảm là những nguyên nhân căn bản đã làm chính phủ Đức rơi vào tình trạng bế tắc trong thời gian qua. Đã đến lúc chờ một cuộc bầu cử mới để giải thoát nước Đức khỏi hoàn cảnh này?

Sự sụp đổ không thể tránh khỏi

Chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz được xây dựng trên cơ sở một liên minh 3 đảng bao gồm SPD (đảng Dân chủ Xã hội), đảng Xanh, và đảng Dân chủ Tự do (FDP). Đây là liên minh lớn nhất lên cầm quyền ở Đức trong suốt 60 năm qua. Tuy nhiên, liên minh này nhanh chóng bị chia rẽ bởi sự khác biệt về chính sách với các vấn đề tranh cãi về năng lượng, khí hậu, chi tiêu công và đặc biệt là chính sách di cư. Ngay từ khi mới thành lập chính phủ vào tháng 11/2021, một số chuyên gia chính trị nhận định rằng việc liên minh này duy trì tính thống nhất lâu dài là điều bất khả thi do sự khác biệt về tôn chỉ và cách tiếp cận của từng đảng.

Ông Scholz sẽ khó giữ được ghế thủ tướng do uy tín giảm sút.

Chính phủ của Thủ tướng Scholz cũng phải đối mặt với những khó khăn khách quan từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu do đại dịch, cuộc xung đột ở Ukraine và Trung Đông gây ra lạm phát, đẩy giá năng lượng tăng cao. Nhưng, khả năng quản lý kinh tế bị đánh giá là yếu kém của ông Scholz mới là lý do khiến sự ủng hộ dành cho ông và liên minh ngày càng giảm sút, dẫn đến sự rạn nứt trong xã hội Đức.

Các khảo sát công chúng gần đây cho thấy tỷ lệ tín nhiệm của Thủ tướng Scholz và liên minh đã giảm mạnh. Từ mức 45% khi mới nhậm chức, tỷ lệ tín nhiệm đã giảm xuống dưới 30% vào cuối tháng 10/2024. Một cuộc thăm dò khác còn cho thấy chỉ có 14% người Đức tin tưởng vào liên minh 3 đảng cầm quyền, con số thấp nhất trong lịch sử chính trị Đức từng ghi nhận.

Theo Viện khảo sát Kantar, đa số người dân Đức không hài lòng với cách chính phủ ông Scholz quản lý các vấn đề kinh tế, với 65% người được hỏi cho rằng chính phủ đã thất bại trong việc giải quyết vấn đề lạm phát và giá năng lượng. Ngoài ra, dữ liệu từ Ngân hàng Trung ương Đức cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế của Đức trong năm 2024 đã giảm xuống mức 1,2%, thấp hơn dự báo ban đầu là 2,1%. Lạm phát cũng duy trì ở mức cao, với chỉ số giá tiêu dùng tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước, gây áp lực lên cuộc sống hằng ngày của người dân. Nhiều nhà quan sát đã sớm nhận định chính phủ hiện tại sẽ khó tồn tại cho đến hết nhiệm kỳ vào tháng 9/2025 và nhận định đó đã thành sự thật.

Liên minh cầm quyền 3 đảng thiếu vững chắc đã trở thành vấn đề của Chính phủ Đức trong thời gian dài.

Đêm 6/11/2024, Thủ tướng Scholz đã sa thải Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner, cũng là người đứng đầu FDP, vì những bất đồng về khoản chi ngân sách năm 2025 và nền kinh tế nói chung. Điều này đã dẫn đến sự kết thúc của liên minh cầm quyền hiện tại

Một cuộc bầu cử gấp gáp?

Sự sụp đổ của liên minh cầm quyền là một điều lạ thường tại nước Đức, một quốc gia nổi tiếng với chính phủ ổn định. Đây là điều chỉ mới xảy ra 2 lần trước đây trong vòng 75 năm kể từ khi nước Đức hiện đại được thành lập sau Thế chiến 2. Nhưng, như đã nói, nó là không thể tránh khỏi khi bất đồng đã lên cao.

Một thỏa thuận chính trị cho phép ông Scholz tiếp tục cầm quyền đến hết năm 2024 và Quốc hội sẽ chỉ được triệu tập vào ngày 15/1/2025. Ông Scholz chắc chắn sẽ thua trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đó và phải rời khỏi ghế thủ tướng. Theo luật bầu cử của Đức thì khi chính phủ bị giải thể và một cuộc bầu cử sẽ diễn ra ngay lập tức.

Nhưng, Thủ tướng Scholz đã đề nghị sẽ tổ chức một cuộc bầu cử trong 60 ngày theo luật định để chính phủ lâm thời tiếp tục làm việc tới tháng 3/2025 nhằm ổn định xã hội. Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh EU tại Budapest hôm 8/11 vừa qua, ông Scholz nhấn mạnh rằng "ngày bầu cử không phải là một quyết định thuần túy chính trị", mà “cần đủ thời gian để tổ chức một cuộc bầu cử công bằng và dân chủ”. Tuy nhiên, liên minh đối lập bảo thủ do đảng Dân chủ Cơ Đốc giáo (CDU) đứng đầu đã phản đối điều này vì nhìn thấy rõ cơ hội thắng cử trong cuộc bầu cử tới.

Giáo sư Christian Muller từ Viện Nghiên cứu chính sách Đức nhận định rằng: “Sự bất mãn của công chúng đối với ông Scholz đã đạt đến đỉnh điểm và điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho một cuộc chuyển đổi lãnh đạo”. Giới chuyên môn cũng ủng hộ quan điểm bầu cử sớm. Như nhà phân tích Marion Horn của tờ Bild thì: "Ông Scholz đã thử và thất bại. Hãy để cử tri trao lại quyền lực cho người mới nhanh nhất có thể". Một khảo sát nhanh của đài ARD cũng cho thấy khoảng 65% cử tri Đức đồng tình, trong khi chỉ 33% ủng hộ thời gian biểu chậm rãi hơn của Thủ tướng Scholz. Vì vậy, gần như chắc chắn nước Đức sẽ có một cuộc bầu cử trước thời hạn vào tháng 1/2025.

Thách thức chưa dừng lại

Đảng CDU của cựu Thủ tướng Angela Merkel với tư cách là đảng đối lập lớn nhất sẽ giành được lợi thế trong cuộc bầu cử trước thời hạn. Cùng với đó là đảng Xã hội Cơ Đốc giáo (CSU) trong liên minh đối lập cũng có cơ hội phục hồi ảnh hưởng. Nhưng, đáng chú ý là lực lượng cực hữu như đảng Con đường khác cho nước Đức (AfD) được cho là sẽ gia tăng sức mạnh đáng kể trên chính trường sau khi kiên quyết chống lại các chính sách của chính phủ thời gian qua. Đảng SPD dù đã mất đi nhiều sự tín nhiệm nhưng chắc chắn vẫn có số ghế đáng kể trong Quốc hội mới.

Trong khi đó, các đảng lớn như đảng Xanh hay FPD cũng đứng giữa ngã ba đường vì phải tìm liên minh mới. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của chính trường Đức hiện nay là quá chia rẽ khi có tới 6 đảng có ghế trong Quốc hội và đường lối của các đảng thì có quá nhiều khác biệt. Do đó, nếu có bầu cử ngày lúc này cũng khó có khả năng đảng nào giành được ưu thế đa số để xây dựng một chính phủ bền vững. Điều này báo hiệu một tương lai không chắc chắn với khả năng tiếp tục phải duy trì liên minh cầm quyền rộng lớn mà tính bất ổn của nó đã bộc lộ trong thời gian qua.

Nếu các cuộc đàm phán liên minh kéo dài, chính phủ lâm thời sẽ phải hoạt động với thiểu số yếu ớt và tiến trình ra quyết định của nước Đức sẽ bị đình trệ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng ứng phó với các vấn đề nóng hổi đang diễn ra. Nhà khoa học chính trị người Đức, Tiến sĩ Jana Puglierin đưa ra nhận định rằng: “Nước Đức có thể rơi vào tình trạng bế tắc chính trị trong vòng 6-7 tháng”. Nếu điều đó là sự thật, mọi việc sẽ rất khó khăn cho nước Đức bởi họ đang ở giai đoạn vô cùng nhạy cảm.

Bên cạnh các vấn đề về kinh tế, nước Đức còn phải đối mặt với áp lực lớn trong việc duy trì ủng hộ Ukraine. Chính phủ của ông Scholz đã cam kết hơn 15 tỷ euro viện trợ cho Kiev trong năm tới, nhưng sự đổ vỡ của chính phủ sẽ khiến các cam kết này trở nên khó đạt được. Nếu điều đó xảy ra, sự nghi ngờ đối với chính sách đối ngoại của nước Đức sẽ đến và với tư cách là “đầu tàu của châu Âu”, đây sẽ là một “vết nhơ”.

Không chỉ có thế, Tổng thống Mỹ của nhiệm kỳ tiếp theo là ông Donald Trump sẽ nhậm chức vào ngày 20/1/2025 và nếu nước Đức chưa có một chính phủ ổn định vào thời điểm đó, câu chuyện sẽ vô cùng phức tạp. Là một chính trị gia thực dụng có quan điểm nghi ngờ châu Âu, ông Trump được cho là có thể trở lại với các chính sách bảo hộ mạnh mẽ, bao gồm kế hoạch áp thuế 20% lên hàng nhập khẩu từ châu Âu và mức thuế cao hơn đối với Trung Quốc.

Theo Viện Kinh tế Ifo của Đức thì các biện pháp thuế quan này có thể khiến xuất khẩu của Đức sang Mỹ và Trung Quốc giảm 15% và 10% tương ứng với thiệt hại lên tới hơn 30 tỷ euro. Đó sẽ là một cú đấm thực sự vào nền kinh tế đang suy yếu của quốc gia này. Đó là chưa kể sức ép lên vấn đề an ninh quốc phòng sẽ gia tăng khi ông Trump vẫn cương quyết “bắt” các đối tác trong NATO mà tiêu biểu là Đức phải tăng chi tiêu quốc phòng để tự gánh trách nhiệm an ninh của mình. Rõ ràng, với một chính phủ bất ổn và một “đồng minh khó lường như ông Trump” thì nước Đức sẽ đứng trước một “thảm họa kép”.

Nước Đức đang ở trong thời điểm khó khăn. Sau hàng thập kỷ phát triển ổn định, cuộc bầu cử tới có thể sẽ chỉ khởi đầu cho một giai đoạn bất ổn mới hoặc sẽ là một bước ngoặt để nước Đức định hình lại mình. Hy vọng những điều tốt đẹp sẽ đến cho đất nước vẫn đang phải gánh trách nhiệm làm đầu tàu của châu Âu vào thời điểm hiện tại.

Theo CAND

Từ khóa:
Báo Bình Dương