Dựa vào nhân dân, phát huy sức mạnh toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc
(BDO)
Người dân tự nguyện giao nộp các loại vũ khí, vật liệu nỗ nguy hiểm tới Công an Quảng Bình.
Bảo vệ an ninh, trật tự là trách nhiệm, nghĩa vụ của nhiều lực lượng, cần phải sử dụng nhiều biện pháp khác nhau, nhưng chỉ có một lực lượng duy nhất có được sức mạnh quyết định sự thành công hay thất bại của sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự, đó là nhân dân.
Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, các tầng lớp nhân dân đã tham gia tích cực vào phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần bảo vệ sự bình yên của cá nhân, gia đình và cộng đồng xã hội.
Từ truyền thống trọng dân, “nước lấy dân làm gốc” trong lịch sử, với niềm tin vững chắc vào khả năng, sức mạnh to lớn của nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyệt đối tin tưởng vào vai trò của nhân dân trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc nói chung, cũng như trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự của Tổ quốc nói riêng.
Kế thừa tư tưởng của Người, Đảng ta đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, tổ chức nhiều hình thức tập hợp nhân dân bảo vệ an ninh, trật tự thành các phong trào cách mạng, thi đua yêu nước, tạo nên sức mạnh to lớn để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, xây dựng và phát triển đất nước.
Tiêu biểu là các cuộc vận động “Ba không,” “Ngũ gia liên bảo”... trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp; các phong trào “Bảo mật phòng gian,” “Bảo vệ trị an,” “Phòng gian, phòng hỏa, phòng tai nạn”... trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là phong trào “Quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc” và hiện nay là phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”...
Để phát huy vai trò to lớn của nhân dân, ngày 13/6/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 521/QĐ-TTg lấy ngày 19/8 hằng năm là Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Nhiều phương thức, cách làm hay
Từ khi triển khai phong trào, các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương đã có những cách làm hay, sáng tạo; các mô hình phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được xây dựng rất đa dạng, phong phú, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng khu vực, lĩnh vực, địa bàn, đối tượng.
Theo thống kê, hiện cả nước có hơn 3.600 mô hình trong phong trào với nhiều tên gọi khác nhau. Hưởng ứng phong trào, cũng có nhiều mô hình tự quản trong đấu tranh phòng, chống tội phạm có tính xã hội hóa cao được triển khai, điển hình như mô hình “Ba giảm, bốn giữ,” “Khu dân cư tự quản phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội” trên địa bàn tỉnh Hà Nam; mô hình “Tổ liên gia tự quản” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; mô hình “Dòng họ tự quản về an ninh, trật tự,” “Cụm giáp ranh an toàn về an ninh, trật tự” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; mô hình “Khu dân cư không có tội phạm và tệ nạn ma túy,” “Đội xe thồ phòng, chống tội phạm” trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Bên cạnh đó còn có các mô hình “Tự quản về an ninh, trật tự trong trường học” trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk; “Camera phòng, chống tội phạm” trên địa bàn tỉnh Bình Thuận; “Liên gia tự quản phòng, chống tội phạm,” “Tổ taxi tự quản phòng, chống tội phạm,” “Tổ bảo vệ xung kích trong đấu tranh phòng, chống tội phạm” tại Bà Rịa-Vũng Tàu; “Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm,” “Đội công nhân xung kích tự quản về an ninh, trật tự trong doanh nghiệp,” “Câu lạc bộ chủ nhà trọ tự quản về an ninh, trật tự” tại Bình Dương; “Tổ nhân dân tự quản,” “Tổ bảo vệ đường biên, cột mốc và an ninh, trật tự khu vực biên giới” tại Đồng Tháp...
Thông qua các mô hình, quần chúng nhân dân đã cung cấp cho lực lượng Công an hàng triệu tin, trong đó nhiều tin có giá trị giúp lực lượng chức năng điều tra, khám phá giải quyết các vụ án, đạt tỷ lệ giải quyết trung bình trên 90%.
Đã xuất hiện hàng nghìn lượt tập thể điển hình tiên tiến, nhiều đơn vị đạt cờ thi đua xuất sắc của Bộ Công an, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh nhiều năm; có hàng nghìn quần chúng tiêu biểu, xuất sắc, dũng cảm, mưu trí, không sợ gian khổ, hy sinh trong tấn công truy bắt tội phạm, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân.
Để triển khai phong trào, Công an các đơn vị, địa phương đã có nhiều phương thức, cách làm hay để phát huy vai trò của nhân dân và quy tụ được sức mạnh của mọi tầng lớn nhân dân. Mô hình “Kết nối mạng xã hội - Bình yên cho mỗi gia đình” của Công an tỉnh Đắk Lắk là một ví dụ điển hình.
Sau hơn 2 năm triển khai, toàn Công an tỉnh hiện có 234 trang Zalo được xác thực với gần 1 triệu lượt người quan tâm theo dõi; trong đó, 100% Công an cấp huyện và cấp xã đã đăng ký xác thực và đưa vào vận hành trang Zalo.
Nội dung cốt lõi của phong trào là sử dụng mạng xã hội Zalo và các ứng dụng trên nền tảng internet để phục vụ 3 mục đích chính: Kịp thời cung cấp thông tin chính thống định hướng dư luận, tuyên truyền phòng, chống tội phạm và nâng cao ý thức cảnh giác cho quần chúng nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức tiếp cận thực hiện thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết và giảm bớt phiền hà cho nhân dân; huy động nhân dân tích cực tham gia tố giác tội phạm và phản ánh, kiến nghị các vấn đề có liên quan đến an ninh, trật tự.
Thông qua tương tác trên các trang, nhóm với người dân, lực lượng công an các cấp của Đắk Lắk đã tiếp nhận, xử lý 1.805 tin, tình hình liên quan đến an ninh, trật tự, qua đó đã đấu tranh, xử lý nhiều vụ việc nóng.
Theo Thiếu tướng Lê Vinh Quy, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, việc ứng dụng mạng xã hội Zalo vào công tác bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã tạo được những chuyển biến tích cực trên các mặt công tác của lực lượng Công an.
Với quan điểm “Ở đâu có nhân dân, ở đó có Công an,” không gian mạng và mạng xã hội là một “địa bàn” mà lực lượng Công an cần tập trung triển khai các biện pháp công tác để giữ vững ổn định an ninh, trật tự, thì việc lựa chọn sử dụng mạng xã hội để xây dựng, triển khai phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên không gian mạng là phù hợp với xu thế tất yếu trong tình hình hiện nay.
Không chỉ với các vụ việc về an ninh, trật tự ở cơ sở, quần chúng nhân dân còn có vai trò, đóng góp quan trọng trong việc điều tra các vụ án phức tạp, trong đó có án kinh tế, tham nhũng.
Chỉ tính riêng trong năm 2021, toàn lực lượng cảnh sát kinh tế đã tiếp nhận trên 56.383 tin báo, thông tin của quần chúng nhân dân, trong đó có 41.875 thông tin có giá trị trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (chiếm 74,3% tổng số tin).
Quần chúng nhân dân còn tham gia, cộng tác trong công tác phòng, chống tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu. Quá trình đấu tranh với tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, nhất là trong các chuyên án, vụ án lớn, lực lượng Cảnh sát kinh tế thường tuyển chọn những quần chúng có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ, hiểu biết sâu rộng về các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học-công nghệ... để xây dựng, hình thành đội ngũ chuyên gia, tư vấn phục vụ yêu cầu, nhiệm vụ phòng, chống tội phạm.
Điển hình như trong vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm kinh doanh trái phép, trốn thuế, cố ý làm trái, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cục Cảnh sát kinh tế, Bộ Công an đã phối hợp cộng tác với các chuyên gia đầu ngành về chứng khoán, đầu tư, về hoạt động tín dụng để tham vấn giúp cơ quan điều tra về những vấn đề chuyên môn, góp phần quan trọng trong việc xác định tội danh, xử lý Nguyễn Đức Kiên và các đối tượng liên quan theo quy định của pháp luật.
Hay như trong vụ Công ty Việt Á nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19 để hưởng lợi trái phép, để giải mã các thông tin về hóa chất, công thức pha chế phục vụ sản xuất các bộ kit xét nghiệm được mã hóa, Cục Cảnh sát kinh tế phải xây dựng đội ngũ cộng tác viên là các chuyên gia, nhà khoa học của các trường Đại học Y, Đại học Bách khoa, Viện nghiên cứu vaccine... để nghe phân tích dữ liệu; sàng lọc toàn bộ thông tin, làm căn cứ, tài liệu để tổ chức trinh sát, đấu tranh, xử lý tội phạm.
Bảo đảm tốt an ninh, trật tự ngay tại cơ sở
Thực tiễn cho thấy, qua phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Đảng và Nhà nước đã huy động và phát huy được nguồn sức mạnh to lớn của nhân dân, là nhân tố quyết định hiệu quả phòng ngừa, ngăn chặn, giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự, là điều kiện bảo đảm cho sự ổn định bền vững.
Công an chính quy xã Cúc Phương, huyện Nho Quan (Ninh Bình) tuần tra địa bàn cùng bà con người dân tộc Mường
Theo Cục Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc (Bộ Công an), bên cạnh nhiều kết quả tích cực đạt được, việc triển khai phong trào vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức xây dựng phong trào có nơi, có lúc chưa quyết liệt, hiệu quả chưa cao; công tác phối hợp các lực lượng có thời điểm còn mang tính hình thức.
Nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tuy được đổi mới nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới trong thời đại công nghệ; hiệu quả phối hợp tuyên truyền có lúc chưa cao... dẫn đến một bộ phận nhân dân chưa nhận thức đầy đủ quyền, nghĩa vụ công dân trong tham gia bảo vệ an ninh, trật tự.
Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phát triển chưa đồng đều giữa các vùng, miền, địa phương, trong cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục và ngoài khu vực dân cư.
Công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến có nơi, có lúc còn mang tính hình thức, chạy theo số lượng, nội dung chưa thiết thực nên chưa thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia.
Việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao của lực lượng chuyên trách xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc có mặt còn hạn chế. Ngân sách, chế độ, chính sách, điều kiện bảo đảm cho lực lượng chuyên trách, bán chuyên trách, các tổ chức quần chúng tự quản về an ninh, trật tự ở cơ sở chưa đáp ứng được so với nhu cầu và yêu cầu thực tế...
Nguyên nhân của những hạn chế trên là do một số cấp ủy đảng, chính quyền, bộ, ban, ngành, đoàn thể chưa xác định đúng vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; hệ thống chính trị ở một số địa phương chưa vững mạnh.
Cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, tổ chức phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc chưa đầy đủ, thiếu tính đồng bộ. Chế độ, chính sách, điều kiện bảo đảm cho xây dựng phong trào và lực lượng nòng cốt bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở còn nhiều bất cập...
Cho ý kiến về việc xây dựng và nhân rộng mô hình tự quản trong bảo vệ an ninh, trật tự, Thiếu tướng Trần Thành Hưng, Hiệu trưởng Trường Đại học Cảnh sát Nhân dân cho rằng, thông qua nhiều hình thức tên gọi khác nhau, tùy vào sự sáng tạo của mỗi nơi mà các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và hoạt động tự quản về an ninh, trật tự đã khẳng định một sức sống mãnh liệt, quy tụ được mọi tầng lớp nhân dân tham gia vào công tác bảo đảm an ninh, trật tự.
Hiệu quả rõ nét nhất từ mô hình tự quản là đã tập hợp được quần chúng nhân dân tham gia phòng ngừa và làm giảm tội phạm, tệ nạn xã hội ngay từ trong mỗi gia đình, dòng họ và cơ sở; góp phần ổn định an ninh, trật tự, tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, qua đó phát huy sức mạnh toàn dân tộc bảo vệ an ninh quốc gia.
Đặc biệt, mỗi địa phương với những cách làm sáng tạo khác nhau đã góp phần vận động nhân dân tham gia công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.
Theo Thiếu tướng Trần Thành Hưng, trong tình hình mới, để các mô hình tự quản về an ninh, trật tự tiếp tục phát huy hiệu quả, lực lượng công an các cấp cần tiếp tục phối hợp hiệu quả với Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt phong trào thi đua với phương châm hướng về cơ sở, bảo đảm tốt an ninh, trật tự ngay tại cơ sở, trong từng thôn, bản, gia đình, cơ quan, doanh nghiệp, trường học; tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình phù hợp theo hướng xã hội hóa công tác bảo đảm an ninh, trật tự./.
Theo TTXVN